Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những người có thói quen ăn mặn, chế độ ăn ít rau, quả thường hay bị tăng huyết áp hơn. Ở những người có huyết áp ổn định, trong chế độ ăn thường có giàu ngũ cốc, đậu đỗ, lạc, vừng, rau xanh, quả chín, đôi khi có cá, sản phẩm sữa, trứng… Do đó ngoài việc chữa trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn cũng có thể tác động đến việc hạ huyết áp.
Những vùng dân cư có tập quán ăn mặn thì tỉ lệ người bị tăng huyết áp cao hơn hẳn các vùng người dân có tập quán ăn nhạt hơn. Có người cho rằng thực hiện ăn nhạt bằng cách thay muối bằng mì chính (bột ngọt). Tuy nhiên mì chính cũng là một loại thực phẩm có nhiều natri không kém muối ăn. Ngoài ra chế độ ăn nhiều cholesterol, nhiều chất béo cũng có liên quan với tăng huyết áp. Vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn có tác dụng dự phòng tăng huyết áp, không để tăng cân quá mức, làm giảm cân bằng dinh dưỡng và luyện tập là biện pháp quan trọng trong phòng và điều trị tăng huyết áp. về ăn uống, cần giảm lượng tiêu thụ natri, đặc biệt ở những người béo cần tránh ăn thực phẩm chứa nhiều muối, không nên ăn thêm muối trong các bữa ăn. Người bình thường lượng muối ăn hàng ngày không nên quá 6g, người có tăng huyết áp chỉ nên ăn khoảng 4g muối/ngày. Với mọi người nên thực hiện khẩu phần ăn nhiều rau quả (giàu kali) cũng có tác dụng giúp giảm huyết áp. Với phụ nữ tuổi mãn kinh nên đảm bảo chế độ ăn đủ calci, magie, sử dụng nhiều thức ăn từ cá, dầu lạc, vừng (có acid béo không no) và hạn chế thức ăn nhiều cholesterol.
Người tăng huyết áp nên ăn gì
Nguyên tắc:
Ít natri, giàu kali, calci, magie, chất xơ; có tính lợi tiểu, giảm chất béo no, tăng chất béo không no; giảm chất kích thích, tăng an thần.
Cụ thể:
+ ít natri, giàu kali, calci, magie: Hạn chế muối ăn (natri clorid), giảm mì chính (bột ngọt) (natri glutamat). Hạn chế muối ăn và mì chính dưới 6g/ngày. Người có phù và suy tim thì chỉ ăn 2- 4g/ngày, bỏ thức ăn mặn như cà, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp… Ăn nhiều rau quả để có nhiều kali.
+ Hạn chế thức ăn có tác dụng kích thích thần kinh, tâm thần: Bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc. Tăng sử dụng thức ăn, nước uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như hạt sen, ngó sen, chè sen vông, canh lá vông…
Phân bố tỉ lệ thành phần thức ăn, thức uống hợp lý:
+ Chất đạm: Giữ ở mức khoảng 0,8-1,0g/kg cân nặng/ngày. Chú ý dùng nhiều đạm thực vật như đậu đỗ. Nếu có suy thận thì giảm nhiều hơn (4-6g/kg cân nặng/ngày) tuỳ mức độ.
+ Chất cung cấp năng lượng: Bảo đảm khoảng 35 Kcal/kg cân nặng/ngày. Ăn ít đường, bánh kẹo. Tốt nhất là ăn chất bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ.
+ Chất béo: Ăn ít mỡ, người béo càng phải ăn ít dầu mỡ hơn. Bỏ thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, phủ tạng, ăn ít trứng. Ăn dầu làm từ cá, đậu tương, lạc, vừng…
+ Các chất vi khoáng, vi lượng, vitamin: Ăn nhiều rau quả, giá, đậu đỗ để đảm bảo đủ vitamin C, E, A và các vitamin nhóm B: B12, B6, acid folic.
+ Thức uống: Uống nước chè xanh, chè sen vông, chè hoa hoè, nước ngô luộc, nước rau luộc là thích hợp nhất, vừa lợi tiểu, an thần, hạ huyết áp. Bỏ rượu bia, cà phê, chè đặc.
Xin lưu ý:
Người bị tăng huyết áp không nên có chế độ ăn kiêng khem quá nghiêm ngặt, cũng không nên nằm bất động, nên tập luyện thể thao với các bài tập nhẹ hoặc đi bộ.