Ngủ là một trạng thái có chu kỳ và đảo ngược được, trong đó ý thức bị mất tạm thời; tính nhậy cảm và cảm giác bị mất hoàn toàn hay một phần lớn và đa số các chức năng bị chậm lại. Các cá thể ngủ khác nhau: có người “ngủ ít” chỉ cần ngủ 3-4 giờ (không nên dùng thuốc chữa), có người “ngủ nhiều” tới 8-9 giờ mỗi ngày. Bệnh nhân có trạng thái hưng cảm chỉ ngủ 2-3 giờ còn ở bệnh nhân bị trầm cảm thì mất ngủ thường là triệu chứng đầu tiên của trầm cảm (rượu và các thuốc gây ngủ chỉ làm mất ngủ nặng thêm). Bệnh nhân bị trầm cảm ngủ nhanh thức dậy vào lúc 2-3 giờ sáng và không ngủ lại được nữa; còn người có lo âu thì khó ngủ nhưng lại ngủ được qua đêm.
Giấc ngủ có hai pha chính xen kẽ nhau đều hoặc không đều:
GIẤC NGỦ CHẬM KHÔNG CÓ CỬ ĐỘNG NHANH CỦA NHÃN CẦU: trên điện não đồ có các sóng chậm. Pha này xảy ra lúc bắt đầu ngủ rồi cứ 80-90 phút lại được thay thế bởi pha kia. Thời gian có giấc ngủ chậm chiếm 3/4 giấc ngủ. Trong pha này, trương lực cơ vẫn còn. Khó tỉnh (giấc ngủ sâu) và một khi tỉnh thì không nhớ là mình đã nằm mơ. Trong pha này có thể có những rối loạn “trong giấc ngủ” nhất là đái dầm ban đêm, ác mộng (cảm giác ngạt thở, kêu thét và hoảng sợ) hay mộng du (có những hành động phức tạp nhiều hay ít, đi lại ban đêm, thức tỉnh đột ngột và không hoàn toàn, mắt nhìn xa xăm và không nhớ gì về điều này).
GIẤC NGỦ TRÁI NGƯỢC CÓ CỬ ĐỘNG NHANH CỦA NHÃN CẦU: pha này thường xuất hiện 50-70 phút sau khi ngủ và cứ 80-90 phút lại xuất hiện một lần trong 20 phút (về sáng, các chu kỳ này dài hơn). Giấc ngủ trái ngược chiếm khoảng 1/4 giấc ngủ bình thường. Trong pha này, cơ không có trương lực (trừ các cơ vận nhãn). Bệnh nhân dễ tỉnh (giấc ngủ nông) và thường kể lại là vừa nằm mơ.
ĐIỆN NÃO ĐỔ: Khi bắt đầu ngủ, trên đồ thị lần lượt có những thay đổi sau đây:
- Sóng alpha thưa rồi mất hẳn.
- Các sóng chậm, điện thế cao, có hình móc (phức hợp K) xuất hiện. Tần số là 12-15/sec (thoi ngủ).
- Xuất hiện các sóng delta có biên độ cao và chậm (1-2/sec).
Các sóng delta trở nên liên tục.
Chứng Mất Ngủ
Định nghĩa: mất ngủ là không thể ngủ được hoặc khó ngủ, gây cảm giác ngủ không đủ.
Phân loại
- Mất ngủ đầu giấc: chậm ngủ được (trên một giờ) thường xảy ra khi có rối loạn về cảm xúc, nhất là lo âu.
- Mất ngủ cuối giấc: bắt đầu ngủ bình thường nhưng thức dậy vào lúc 2- 4 giờ sáng. Hay gặp ở người già hay người bị trầm cảm. Thường dẫn đến buồn ngủ ban ngày.
- Ngủ ít: thời gian ngủ giảm.
- Đảo ngược chu kỳ ngủ: có thể do rối loạn nhịp ngày đêm sau khi đi máy bay lâu, do chấn thương sọ não trước đây, do suy hô hấp có tắc nghẽn (xem hội chứng ngừng thở lúc ngủ) hay dùng thuốc an thần không đúng dẫn đến kích động vật vã, đi lại ban đêm và buồn ngủ ban ngày.
Căn nguyên
- Do vệ sinh kém: giường chiếu bẩn, rối loạn về giờ giấc sinh hoạt (do công việc hay do bản thân), nghiện thuốc lá, dùng quá nhiều cà phê, chè hay sô cô la. Do dùng các thuốc gây giảm ăn hoặc thuốc cường giao cảm.
- Rối loạn tâm thần: lo âu, trầm cảm hoặc hưng cảm, cơn thiếu rượu hay thiếu thuốc (tất cả các thuốc ngủ đều dẫn đến quen thuốc và nghiện thuốc). Các nguyên nhân khác là các vấn đề về công việc, mâu thuẫn gia đình, lo lắng về sức khoẻ hay về tiền bạc.
- Bệnh thể xác: đau đớn, suy tim hay suy hô hấp, bệnh hệ thần kinh trung ương.
Điều trị: cải thiện điều kiện vệ sinh. Thuốc ngủ (xem thuốc này) trong một thời gian ngắn và/hoặc tuỳ theo lý do mất ngủ, thuốc an thần hay thuốc chống trầm cảm.
GHI CHÚ VỀ MẤT NGỦ – ngủ kéo dài (hypersomnie) là giấc ngủ quá dài hoặc ngủ trong khi muốn tỉnh táo.
Vế chi tiết, xem các thuật ngữ sau:
Cơn buồn ngủ không rõ nguyên nhân (hội chứng Gélineau).
Ngủ kéo dài do trung tâm hay hội chứng cơn buồn ngủ có giấc ngủ chậm. Ngủ kéo dài và ăn vô độ (Hội chứng Kleine-Levin).
Hội chứng ngừng thở trong lúc ngủ.