Tên khác: Mạch môn – Cây lan tiên – Duyên giới thảo
Tên khoa học: Ophiopogon Japonicus Ker-Gawl
Họ: Thiên môn đông (Asparagaceae)
1. Mô tả, phân bố
Mạch môn thuộc loại cây thảo sống lâu năm, cao 20 – 40cm, rễ chùm, trên rễ có những đoạn phát triển thành củ. Lá mọc từ gốc, phiến lá hẹp giống lá lúa mạch. Hoa màu trắng. Quả nhỏ thuộc loại quả mọng, khi chín có màu tím nhạt.
Cây mọc hoang hay được trồng nhiều Ở nước ta. Các tỉnh có trồng nhiều Mạch môn là: Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Tây, Nam Hà, Nghệ An, v.v…
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Mạch môn là rễ. Thu hoạch vào tháng 9 – 12, đào lấy củ già ở những cây đã trồng được 2 năm trở lên, rửa sạch đất cát, bỏ rễ nhỏ ở hai đầu. Củ nhỏ để nguyên, củ to bổ dọc làm đôi, phơi hay sấy cho khô. Khi dùng thì bỏ lõi.
Dược liệu Mạch môn đông có mùi thơm, vị ngọt, nhai có chất dính và đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Trong rễ Mạch môn có chứa đường, chất nhầy, chất dính, saponin. Còn các hoạt chất khác chưa được xác định.
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu mạch môn đông có tác dụng hạ sốt, trừ ho, thông đờm, bổ tim phổi, giảm đường huyết và chống viêm. Dùng chữa các chứng bệnh: Người yếu mệt và ho, ho khan, ho ra máu, viêm phổi, lao, …
Cách dùng: Uống 5 – 10g, đang thuốc sắc. Có thể dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. .
Kiêng kị: Người bị hư hàn, ăn uống chậm tiêu, đi lỏng không dùng.