MÃ ĐỀ
Semen et Folium Plantaginis
Dược liệu là hạt và lá của cây mã đề – Plantago major L., họ Mã đề – Plantaginaceae.
Trên thế giới có các loài như: P.media L., P.lanceolata L., P.psyllium L., P.depressa Willd … cũng được sử dụng.
Đặc điểm thực vật và phân bố.
Cây thuộc thảo, sống dai, thân rất ngắn. Lá mọc ở gốc thành hoa thị, có cuống dài và rộng. phiến lá nguyên hình trứng dài 12 cm rộng 8cm, có 5-7 gân chính hình cung chạy dọc theo phiến rồi đồng quy ở gốc và ngọn phiến lá. Hoa mọc thành bông có cán dài, hướng thẳng đứng. Hoa đều luỡng tính, 4 lá đài xếp chéo hơi dính nhau ở gốc. Tràng màu nâu, khô xác, tồn tại, 4 thùy xen kẽ với các lá đài. Bốn nhị thò ra ngoài, chỉ nhị mảnh dài gấp tràng 2 lần. Bầu trên, 2 ô. Quả hộp, có 8-13 hạt. Vỏ ngoài của hạt hóa nhầy khi gặp nước. Mã đề mọc hoang và được trồng nhiều nơi nhất là các vùng lân cận Hà Nội.
Bộ phận dùng và chế biến.
Nếu lấy lá thì thu hoạch từ tháng 5-7, nếu lấy hạt thì từ tháng 6-8, cắt những bông thật già phơi khô, vò sát trên sàng rồi sẩy sạch, sau đó tiếp tục phơi khô cho đến khi độ ẩm còn 10%. Hạt rất nhỏ hình bầu dục hơi dẹt dài khoảng 1mm, mặt ngoài nâu nhạt hay nâu đen. Nhìn qua kính lúp thấy mặt hạt nổi lên những vân lăn tăn, rốn lõm.
Ở Liên Xô cũ người ta ép lá tươi, lấy dịch ép làm bốc hơi nước rồi chế viên hoàn được mang tên là “plantaglucid”.
Thành phần hóa học.
Thành phần hóa học chính của toàn cây là chất nhầy, hàm lượng trong lá có thể đến 20%, trong hạt có thể đến 40%. Dược diển Việt Nam quy định hạt mã đề phải có chỉ số nở ít nhất là 5 .
Các nhà nghiên cứu Nhật đã chiết xuất chất nhầy hạt P.major L. dưới dạng tinh khiết với tên “Plantasan” với hiệu suất 6,8%. Thành phần cấu tạo của Platasan gồm có D-xylose, L-arabinose, acid D-galacturonic, L-rhamnose và D-galactose theo tỉ lệ tương ứng là 15:3:4:2:0,4. Planteose là một oligosaccharid hàm lượng 1%, thủy phân bằng acid thì cho 1 galactose, 1 glucose và 1 fructose. Ngoài chất nhầy, 2 thành phần khác đáng chú ý trong cây là iridoid glycosid và flavonoid.
Hai chất iridoid đã được xác định là aucubosid và catalpol.
Nhiều hợp chất flavonoid đã đuodc phân lập: apigenin, quercetin, scutellarein, baicalein, hispidulin (-5, 7, 4’ trihydroxy 6-methoxy flavon), luteolin-7-glucosid, luteolin-7-glucuronid, homoplantaginin(=7-O-b-D-glucopyranosyl -5, 4’ dihydroxy-6-methoxy flavon), nepitrin (=7-O-b-D-glucopyranosyl -5, 3’, 4’ trihydroxy-6-methoxyflavon), 7-O-a-L-rhamnopyranosyl 5, 6, 4’ trihydroxy-6-methoxyflavon; 7-O-b-D-glucopyranosyl 5, 6, 3’, 4’ tetrahydroxyflavon (để hiểu rõ công thức flavonoid, sinh viên cần xem thêm chương flavonoid ở phần sau).
Trong mã đề còn nhiều thành phần khác đã được khảo sát: các acid hữu cơ như acid cinnamic, p-coumaric, ferulic, cafeic, chlorogenic, neochlorogenic…, carotenoid, vit.K, vit. C, một ít tanin, saponin, vết alcaloid (plantagonin, indicain), một lacton (liliolid), coumarin (esculetin)…
Vi phẫu lá. Biểu bì trên và dưới gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn. Mô mềm có tế bào tròn, to, thành mỏng. Một bó libe gỗ tròn nằm giữa ứng với gân chính.
Tác dụng và công dụng.
Những dẫn chất iridoid glycosid là thành phần có tác dụng kháng khuẩn của lá mã đề.
Hạt mã đề (còn gọi là xa tiền tử) do có chất nhầy nên có tác dụng nhuận tràng và tăng thể tích phân. Chất nhầy tạo thành 1 lớp bảo vệ niêm mạc ruột nên cũng dùng làm thuốc chống viêm trong bệnh viêm ruột, đau dạ dày và lỵ. Ngoài ra còn có tác dụng long đờm, lợi tiểu (uống một thìa canh trước bữa cơm chiều).
Trong y học cổ truyền lá có tác dụng thông tiểu, dùng chữa những trường hợp bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu, ngoài ra còn dùng để chữa ho. Lá tươi giã nhỏ dùng đắp mụn nhọt. Ở Liên Xô cũ cũng dùng lá chữa ho và trong nhân dân dùng để làm lành các vết thương và có sản xuất chế phẩm “Plantaglucid” để chữa bệnh viêm loét đường dạ dày, ruột.
Các bài thuốc theo “Dược liệu Việt Nam” (Bộ Y Tế 1972):
Bài thuốc lợi tiểu: hạt mã đề 10 g, cam thảo 2g, nước 600ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa ho tiêu đờm: mã đề 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.