Định nghĩa
Viêm dạ dày-ruột (thông thường còn gọi là viêm đường tiêu hoá) xuất hiện ở những người đi du lịch tới những nước (xứ) có trình độ vệ sinh thấp kém, những nước ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới
Căn nguyên
Nhiễm khuẩn thông thường từ nguồn gốc thức ăn.
VI KHUẨN:
- Escherichia coli(trực khuẩn coli) sinh độc tố” ruột (ETEC) có khả năng sản xuất ra một độc tố ruột gây kích thích niêm mạc tiêu hoá và từ đó đưa tới ỉa chảy. Trực khuẩn coli sinh độc tố ruột được coi như nguyên nhân hay gặp nhất gây ỉa chảy ở người đi du lịch. Ngược lại trực khuẩn coli xâm hại ruột là nguyên nhân hiếm thấy.
- Các giống Shigella: là nguyên nhân tương đối hiếm gặp (về chi tiết, xem: bệnh lỵ trực khuẩn).
- Các giống Samonella: cũng là nguyên nhân tương đốỉ hiếm (xem: viêm dạ dày-ruột do Salmonella).
- Những vi khuẩn khác:
Campylobacter jejuni, Vibrio parahaemolyticus, Yersinia enterocolitica, Aeromonas hydrophila, Plesiomonas shigelloides, Vibrio fluvialis, V..V…
VIRUS: rotavirus có khả năng giữ vai trò trong bệnh ỉa chảy ở người đi du lịch. Vai trò của những virus thuốc typ Norwalk, những adenovirus và những virus khác chưa được xem là có vai trò chắc chắn.
NHỮNG KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG RUỘT: Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, đóng vai trò nhỏ trong bệnh ỉa chảy ở người đi du lịch.
Balantidium coli, Dientamoeba fragilis, Isospora belli, Cryptosporidium là những nguyên nhân hiếm gặp (nghiên cứu ở những thể bệnh kéo dài).
Triệu chứng
Bệnh ỉa chảy ở người đi du lịch xuất hiện trong tuần đầu hoặc tuần thứ hai của chuyến du lịch. Bệnh có biểu hiện đại tiện 4-10 lần trong một ngày, phân mềm hoặc lỏng thật sự, hiếm khi lẫn máu, đau bụng co thắt. Nôn xảy ra trong 15% số trường hợp, sốt trong 10% số trường hợp. Bệnh kéo dài 3-4 ngày và chỉ kéo dài một tuần trong 10% số trường hợp, nhưng đôi khi lại bị tái phát ngay trong chuyến du lịch.
Điều trị
- Hồi phục nước cho cơ thể: cân bằng nước và chất điện giải, nói chung, có thể duy trì được bằng cách cho ăn những món canh mặn, uống nước trái cây, và đồ uống ngọt không có cà phê. Đối với những trường hợp nặng thì cần phục hồi nước theo đường uống hoặc nếu cần thì truyền dịch theo đường tĩnh mạch.
- Những thuốc không đặc hiệu: kaolin, pectin, than hoạt, sữa chua (lactobacille). Tuy nhiên, hiệu quả của những thuốc này chưa được chứng minh.
- Thuốc giảm nhu động(codein, diphenoxylat, loperamid): có thể làm nhẹ bệnh tạm thời, nhưng trong trường hợp có sốt, ỉa chảy nặng và phân lẫn máu (tác nhân gây bệnh xâm hại) thì không được dùng. Những thuốc này cũng chống chỉ định đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
– Thuốc kháng sinh: chỉ sử dụng trong trường hợp sốt cao và/hoặc ỉa chảy phân lẫn máu hoặc hội chứng lỵ với đau bụng nặng.
Người ta đề nghị cho ciprofloxacin (500 mg, 2 lần mỗi ngày) hoặc norfloxacin (400 mg, 2 lần mỗi ngày) trong vòng 2-3 ngày. Cotrimoxazol cũng có thể dùng được. Những thuốc này không ích lợi gì trong những thể nhẹ hoặc vừa. Ngoài ra, nếu sử dụng thuốc kháng sinh một cách máy móc ngay khi bắt đầu ỉa chảy sẽ có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc và những hiệu quả không mong muốn (tác dụng phụ) nặng nề.
Phòng bệnh
Những người đi du lịch tới những vùng mà các biện pháp vệ sinh kém phát triển, phải tránh ăn rau sống, thịt và hải sản tươi sống cũng như trái cây không do chính mình gọt hoặc bóc vỏ. Tránh không uống nước ở vòi mà không đun sôi, không dùng nước đá, những sản phẩm sữa không diệt khuẩn bằng phương pháp Pasteur. Không ăn ở nhà dân bản địa, không mua thực phẩm bán ở ngoài phố. Nước đun sôi (hoặc đã khử khuẩn), nước chè, cà phê nóng, rượu vang, rượu bia, những đồ uống đóng chai kín sẵn thì đều không nguy hiểm.
Sử dụng thuốc phòng ngừa về nguyên tắc là không nên (trừ trường hợp có bệnh nào đó sẵn, hoặc tới những vùng đặc biệt), nhưng khi ỉa chảy xuất hiện thì phải điều trị ngay không chậm chễ.