Chứng Thận không nạp khí là gọi những chứng trạng do Thận hư khí không trở về nguồn, Thận mất khả năng nạp khí; Bệnh phần nhiều do lao thương Thận khí hoặc ốm lâu Khí hư gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là suyễn thở đoản hơi, hơi trên không tiếp hơi dưới, thì thở ra nhiều, thì hít vào ít, nhịp thở nhanh, động làm thì suyễn tăng, nặng hơn thì ra mồ hôi, tay chân lạnh, khi ho thường vãi đái, chất lưỡi nhạt, mạnh Trầm Tế.

Chứng Thận không nạp khí thường gặp trong Suyễn chứng và Háo chứng.

Cần chẩn đoán phân biệt các chứng Thận khí không bền và chứng Thận khí hư.

Phân tích

Chứng Thận không nạp khí gặp trong chứng Suyễn, có đặc điểm là suyễn gấp lâu ngày, bệnh nặng liên lụy đến Thận gây nên; điều trị nên bổ Thận nạp khí, cho uống bài Sâm cáp tán (Trung y phương tễ lâm sàng thủ sách) hợp với Thất vị đô khí hoàn (Y tông kỷ nhiệm biên).

Nếu gặp trong chứng Háo, có đặc điểm là trong họng có tiếng khò khè, thở gấp đoản hơi, mửa ra đờm lẫn bọt. Bệnh phần nhiều do ho lâu ngày. Thận khí suy yếu, dưới hư trên thịnh, việc thu nạp không bình thường gây nên; điều trị nên bổ Thận nạp khí dẹp cơn Háo, cho uống Thận khí hoàn (Kim Quỹ yếu lược). Cần phân biệt Âm Dương mà xử trí. Tính chất bệnh biến của hai chứng giống nhau. Nhưng có đặc điểm phát bệnh khác nhau, “Suyễn là nói theo hơi thở; Háo là phát thành tiếng mà gọi tên” (Y học chính truyền).

Chứng Thận không nạp khí là thuộc chứng hậu nặng trong chứng Thận hư, nếu tiến thêm một bước ác hoá, có thể xuất hiện các chứng hậu Quyết thoát như ra mồ hôi, chân tay lạnh, mặt tái tâm động hồi hộp, cần phải lưu tâm cao độ.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Thận không nạp khí với chứng Thận khí không bền, cả hai đều thuộc chứng Thận khí hư. Nhưng chứng Thận không nạp khí phần nhiều do mệt nhọc và sinh lý hại Thận, hoặc sau khi ốm nặng, tinh khí bị thương tổn nhiều; Hoặc Suyễn kéo dài, Phế âm bị suy hao không làm bền chắc cho Thận ở dưới, chân nguyên của Thận bị tổn thương, gốc rễ không bền thì khí mất sự thu nạp, dồn lên Phế, khí nghịch gây nên Suyễn, thở ra nhiều, hít vào ít, động làm thì bệnh tăng. Chứng Thận khí không bền nguyên nhân phần nhiều do tiên thiên bất túc hoặc lao thương Thận khí gây nên, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm là Bàng quang mất sự co thắt, cửa tinh không bền. Đó là cơ sở để chẩn đoán phân biệt.

Chứng Thận khí hư với chứng Thận không nạp khí, cả hai đều thuộc chứng Thận hư. Chứng Thận không nạp khí nói chung có kiêm cả chứng trạng của Thận khí hư, chỗ khác nhau là nguyên nhân gây chứng Thận khí hư rất rộng, có thể do tiên thiên bất túc hoặc hậu thiên hao tổn gây nên, biểu hiện lâm sàng nói chung có các chứng trạng về nguyên khí suy hư.

Nguyên nhân gây bệnh của chứng Thận không nạp khí phần nhiều do Phế khí hư tổn tiến tới liên lụy làm cho Thận khí cũng suy, mất đi cái quyền thu nạp, biểu hiện lâm sàng có những chứng trạng Thận mất khả năng nạp khí, Thận khí không trở về nguồn. Đó là cơ sở phân biệt của hai chứng.

Trích dẫn y văn

Chân nguyên bị hao tổn, Thận khí dồn lên trên gây nên Suyễn (Nhân trai trực chĩ phương).

Suyễn do ngoại cảm thì điều trị từ Phế; Do nội thương thì điều trị từ Thận, bởi vì Phế chủ về xuất khí, Thận chủ về nạp khí vậy. Xuất khí bị ngăn trở mà Suyễn là bệnh ở Phế, hấp khí gấp gáp mà Suyễn là bệnh ở Thận (Loại chứng trị tài).

0/50 ratings
Bình luận đóng