Nội dung
Khái niệm
Hay lo nghĩ là chỉ chứng trạng chưa gặp phải việc lo sầu mà lại thường xuyên tư lự liên miên, ưu uất không giảm, buồn bã không vui.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Hay lo nghĩ do Tâm Tỳ khí kết: Có chứng tâm tình không thoải mái, suốt ngày lo nghĩ, Vị quản trướng đầy không muốn ăn uống, ban đêm khó ngủ, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi tối, mạch Huyền.
- Hay lo nghĩ do Phế khí bất túc: Có chứng ngực khó chịu đoản hơi, tinh thần bạc nhược, lo nghĩ ít nói, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch Nhược.
Phân tích
- Chứng Hay lo nghĩ do Tâm Tỳ khí kết: Phần nhiều do lao tâm quá độ hoặc tinh thần bị kích thích, tâm tình không thoải mái hoặc có những việc tháo gỡ khó khăn, suốt ngày tư lự dẫn đến khí trệ không thông. Linh khu – Bản thần thiên:“Ưu sầu là do khí bế tắc không thông”. Tố vấn – Tý luận:Dâm khí ưu tư, Tý tụ ởTâm”. Phổ tế phươngcho rằng: “Lo nhiều thì khí kết”. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: hay lo nghĩ kiêm các chứng khí cơ không lợi nên ngực bụng nghẽn đầy, Tỳ không kiện vận nên không thiết ăn uống, thậm chí mất cảm giác no đói, lại vì tư lự quá độ dẫn đến mất ngủ. Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc:“Tư là bệnh của Tâm với Tỳ… hoặc có khi lao tâm tư lự tổn thương tinh thần đẫn đến đầu choáng mắt hoa, Tâm hư đoản hơi, hồi hộp phiền nhiệt, có khi tư lự hại Tâm đến nỗi tâm thần bất túc nên không ngủ được… có khi do tư lự hại Tâm Tỳ dẫn đến đãng chí hay quên, nói năng lộn xộn như si như ngây… Điều trị nên bổ ích Tâm Tỳ, chọn dùng phương Quy Tỳ thang gia uất kim, Hương phụ.
- Chứng Hay lo nghĩ do Phế khí bất túc: Phần nhiều do thể trạng vốn hư yếu sinh hóa bất túc hoặc buồn thương quá độ. Buồn thì khí tiêu đến nỗi Phế khí bất túc. Phế chủ khí, nếu Phế khí bất túc, mất chức năng tuyên thông, khí cơ càng dễ bị uất trệ. Yếu điểm biện chứng lâm sàng là: ưu tư rầu rĩ, ngực khó chịu đoản hơi, tinh thần yếu sức, mạch Nhược lưỡi nhạt hoặc tiếng ho thấp khẽ. Điều trị nên bổ ích Phế khí, chọn dùng phương Bổ Phế thang gia Bạch truật, Trần bì.
Trên lâm sàng chứng Hay lo nghĩ phần nhiều do nhân tố tinh thần gây bệnh, biện chứng luận trị cố nhiên là trọng yếu nhưng cũng phải kết hợp với biện pháp an ủi tinh thần.
Trích dẫn y văn
- Có khi tư lự mà biến động, bệnh thuộc Hư (Đan khê tâm pháp).
- Nội kinh nói: “Chí của Phế là ưu”, lại nói “Ưu thì khí chìm xuống”. Linh khu nói: “Ưu sầu không giải thì hại ý, ý là cái thần của Tỳ. Lại nói ưu thì nghẽn tắc không thông, khí mạch đoạn tuyệt làm cho trên dưới không thông (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc).