Phong bế các dây thần kinh bằng cách tiêm thuốc tê vào dây thần kinh chậu (đùi) ở háng.
CHỈ ĐỊNH
Phẫu thuật chi dưới.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1- Nhiễm trùng vùng thần kinh đùi.
2- Dị ứng với thuốc tê lidocain.
CHUẨN BỊ:
1- Cán bộ chuyên khoa: bác sỹ, cử nhân gây mê, KTV chính gây mê .
2- Phương tiện:
+ Phương tiện theo dõi: điện tim, mạch, huyết áp, SpO2.
+ Phương tiện cấp cứu và hồi sức tuần hoàn, hô hấp.
+ Bơm tiêm 20ml, kim tiêm 20 – 22 G hoặc catheter 18 – 20 G, bông cồn sát khuẩn, máy dò thần kinh, kim tê tùng.
3- Người bệnh:
+ Người bệnh có đủ các xét nghiệm tiền phẫu.
+ Người bệnh được sử dụng các thuốc chống nôn, trào ngược: ondansetron, primperan, kháng acid…
+ Người bệnh đồng ý.
+ Người bệnh: nằm ngửa, đùi xoay ra ngoài.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
- Mốc giải phẫu: dây thần kinh chậu chạy vào một hõm tạo nên bởi cơ thắt lưng ở phía trong, cơ chậu ở phía ngoài. Nó chạy cùng động mạch đùi chui qua cung đùi, động mạch đùi chạy vào phía trong của dây thần kinh. Chúng được bao phủ bởi lớp cân nông.
- Điểm chọc: điểm chọc nằm cách cung đùi 1- 2 và khoảng 1cm phía ngoài của động mạch đùi.
- Hướng chọc: kim chọc theo hướng cung đùi.
- Dấu hiệu cần tìm: khi chọc qua cân nông có cảm giác mất sức cản và đầu của kim đã nằm trong khoang bó mạch thần kinh hoặc rung giật cơ vùng thần kinh chi phối khi dùng máy dò dây thần kinh.
Cách tiêm thuốc:
- Tiêm 10ml lidocain 1% cho phép làm tê liệt dây thần kinh chậu.
- Tiêm 20 – 30mldung dịch thuốc tê có kèm theo chèn ép ở phía dười cho phép bơm thuốc đầy lên cao và gây tê đám rối thắt lưng.
- Đó là gây tê ”3 trong 1” (dây thần kinh chậu, đùi bì và thần kinh bịt).
THEO DÕI VÀ XỬ LÝ TAI BIẾN
1- Theo dõi:
– Tri giác, nhịp tim, huyết áp, độ bão hoà oxy, mức độ phong bế thần kinh của vùng chi mong muốn.
2- Tai biến:
- Chọc vào động mạch đùi: rút kim và ấn mạch 5 phút. Có thể chọc kim lại nếu không có khối máu tụ.
- Ngộ độc thuốc tê.