Về phương diện chức năng, Hess cho rằng hệ thần kinh thực vật có hai phần: hệ giao cảm chuyên sử dụng năng lượng, còn hệ phó giao cảm là bộ phận xây dựng năng lượng. Nhưng Birkmayer và Winkler lại có quan niệm thực tế rằng hai hệ đó không phải là đối lập nhau mà những chức năng của chúng lại liên kết với nhau tạo nên trương lực chung của một hệ chi phối trong mỗi quá trình sinh học.

ở trẻ em, trong quá trình phát triển cơ thể thì trương lực phó giao cảm chiếm ưu thế (ví dụ trong loạn nhịp hô hấp), trong khi đó ở tuổi trưởng thành lại trội lên trương lực giao cảm. Ớ tuổi già cả hai hệ đều bị suy giảm (Birkmayer), khả năng điều chỉnh trở nên chậm chạp và với biên độ nhỏ hơn, mà Birkmayer gọi là “sự cứng nhắc thực vật”. Trạng thái này tác động trong bệnh lý của tuổi già, thường hay tiến triển với những triệu chứng mờ nhạt, ví dụ, thân nhiệt, bạch cầu, bài tiết mồ hôi v.v… chỉ thấy thay đổi nhỏ. Trong trường hợp phản ứng mạnh mẽ, ví dụ trong trường hợp tăng bạch cầu đáng kể thì phải do một yếu tố gây bệnh rất mạnh, mà phần lớn là một quá trình áp xe. Vì vậy trong phần lớn quá trình viêm nhiễm ở tuổi già, tiến triển có vẻ thầm lặng không điển hình, điều đó tương ứng với sự điều chỉnh thường hay kéo dài của hệ thần kinh thực vật mà thường ở vào trạng thái không cân bằng.

Memeo đã chứng minh trương lực của hệ thần kinh thực vật, trường hợp giữa giới hạn của giao cảm và phó giao cảm với trương lực nhất định tác động sẽ chuyên biệt của mỗi cá thể trong suốt cả cuộc đời, đã tạo nên một tính cách điển hình, cố định được biểu lộ trong từng thể địa riêng. Trái lại, sự tự biến đổi là do khả năng phản ứng của hệ thần kinh thực vật. Vì thế một cá thể có thể duy trì suốt cả cuộc đời một chứng nhịp tim chậm khi yên nghỉ, trong chừng mực không có một nguyên nhân thứ phát nào (bệnh tim) dẫn tới tăng tần số mạch.

Rối loạn trương lực thần kinh thực vật (dystonie végétative)

Rối loạn trương lực thần kinh thực vật xuất hiện trong những hoàn cảnh:

  • Có sự đòi hỏi thái quá đối với khả năng hệ thần kinh thực vật.
  • Có sự rối loạn chức năng tổng hợp chung giữa hoạt động tâm lý và cơ quan chi phối thực vật.
  • Đã có sự thiểu năng điều hòa hoạt động hệ thần kinh thực vật vốn có trong điều kiện bình thường chưa có yếu tố bệnh lý tác động.

Đây là những khái niệm mới, hiện nay đang được thịnh hành, mà trong phân loại cổ điển trước đây không có (Reichelt và Schoche), nên đã được mang tên rất nhiều hội chứng khác nhau do sự đánh giá rất khác nhau của nhiều tác giả và cũng dẫn tới khá nhiều thuật ngữ đồng nghĩa. Từ đó dẫn đến những định hướng xử trí không phù hợp với cơ chế sinh bệnh của hệ thần kinh thực vật.

Theo Mark, ở lứa tuổi trẻ và một phần trong tuổi trung niên, những rối loạn trương lực thần kinh thực vật được sắp xếp theo nhóm triệu chứng và hội chứng tâm lý – thực vật (syndr, psycho – végétative) nhất định (theo Delius). Như vậy những rối loạn trương lực thần kinh thực vật mới được xác định chắc chắn. Nhưng ở tuổi già, việc chẩn đoán có nhiều khó khăn, vì hầu hết các cơ quan nội tạng đều đã có những biến đổi theo tuổi già sẽ làm tăng những biến đổi bệnh lý, nhất là những bệnh viêm nhiễm hay xảy ra từ tuổi 60 trở lên thường tối 90% (Geiser và Steinmann). Tất nhiên hệ thần kinh thực vật phải chịu những tác động không nhỏ. Do đó những biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật hay gặp ở tuổi già.

Việc đánh giá những rối loạn thần kinh thực vật khác hẳn với những rối loạn ở tuổi trẻ. Nó không còn ở dạng thuần túy theo chức năng của những rối loạn trương lực thần kinh thực vật, mà phụ thuộc vào những biến đổi thực thể ở não (đại não, thân não, tiểu não), tủy sống, đường dẫn truyền thần kinh và ở các cơ quan chi phôi thực vật. Vì vậy trước hết cần phải tìm được những nguyên nhân gây ra những rối loạn trương lực thần kinh thực vật mà thường có rất nhiều nguyên nhân, từ những phản ứng tâm lý của tuổi già đến những biến đổi thực thể của những cơ quan chi phối thực vật.

ở một người trẻ, theo quy luật khi trương lực của hệ thần kinh giao cảm tăng sẽ dẫn đến tim đập nhanh, nhưng ở người già thì không phải bao giờ cũng như thế, mà nó có thể do hậu quả của trạng thái trầm cảm, khí thũng phổi, bệnh cơ tim, v.v… Khi đó bảng lâm sàng sẽ trở nên phức tạp do phối hợp những triệu chứng về nhịp đập tim, tăng huyết áp, trạng thái sợ đau tim, chóng mặt, v.v… sẽ dẫn đến một bảng lâm sàng điển hình của rối loạn trương lực thần kinh thực vật. Trên cơ sở đánh giá không giống nhau theo tuổi từ những biểu hiện cùng loại của những biến đổi triệu chứng khác nhau ở những bệnh nhân trẻ và già, người ta thường thấy ở người già có những rối loạn trương lực thần kinh thực vật khác nhau tùy theo từng loại căn nguyên.

Trên lâm sàng, thường thường người ta hay có những kết luận không đúng mức những rối loạn trương lực thần kinh thực vật ở những bệnh nhân già từ 60 tuổi trở lên nếu chỉ nhận định dựa trên những nhóm triệu chứng thuần túy chức năng thần kinh thực vật. Quá trình tiến triển của những rối loạn trương lực thần kinh thực vật thường bị giảm nhẹ đi, trong khi những tác động bệnh lý có thể vẫn đang gây những phản ứng mạnh mẽ.

ở tuổi già, thông qua những biến đổi của cơ quan chi phối thực vật, những tác động thực vật vào một cơ quan hay một hệ thống nào đó của cơ thể thường gây nên những hậu quả khác nhau hơn hoặc mạnh hơn những người trẻ.

Từ những đặc điểm của thần kinh thực vật ở những người già kể trên, người ta đã xác định những hội chứng chuyên biệt sau đây:

+ Hội chứng xoang động mạch cảnh ở người già.

+ Tăng huyết áp ở người già.

+ Hạ huyết áp ở người già.

+ Không dung nạp glucose ở người già.

+ Tiểu tiện và đái dầm ở người già.

+ Đại tiện và sự điều tiết đại tiện kém ở người già.

+ Rối loạn hệ thần kinh thực vật trong những bệnh não ở người già.

Hướng điều trị những rối loạn trương lực thần kinh thực vật

Những ảnh hưởng phức tạp của hệ thần kinh thực vật ở tuổi già đòi hỏi phải có những hướng điều trị riêng biệt đối với từng hội chứng hay rối loạn riêng lẻ, trong đó bao gồm trạng thái tâm lý, hệ thần kinh giác quan và vận động, hệ thần kinh thực vật ở trạng thái bình thường hoặc bệnh lý của cơ quan chịu chi phối thực vật. Đối với mọi rối loạn thần kinh thực vật, cần có những biện pháp thích ứng riêng.

  • Loại trừ những rối loạn tâm lý, đặc biệt là trạng thái trầm cảm. Về nguyên tắc cần chú trọng những biện pháp cải thiện những hoạt động về tinh thần và thể lực.
  • Loại trừ những rối loạn về hệ thần kinh thân thể (soma), bao gồm những chứng đau, những thay đổi trương lực của hệ cơ và những kích thích bất thường đối với niêm mạc, vì chúng có thể giúp cho cân bằng hệ thần kinh thực vật.
  • Loại trừ hoặc tránh những yếu tố gây hại hệ thần kinh thực vật, điều chỉnh lại những gì trục trặc và quá tải đối với hệ thần kinh thực vật. Cụ thể:

+ Tránh xoa bóp ở động mạch cảnh.

+ Tránh những kích thích làm giãn mạnh bàng quang và đại tràng.

+ Đi tiểu và đại tiện đều đặn.

+ Giảm bớt cơ thể quá nặng cân.

+ Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

+ Không ăn đường trong trường hợp không dung nạp glucose.

+ Nhanh chóng khôi phục tình trạng suy kiệt.

+ Tránh những chấn động tâm lý (stress) mạnh.

+ Ngủ đủ, tùy theo từng cá thể khác nhau (thời gian ngủ).

+ Tránh kéo dài thời gian phản ứng của cơ thể, kể cả lúc nghỉ ngơi.

+ Dùng bít tất chun giãn trong trường hợp có xu hướng hạ huyết áp.

  • Thuốc điều trị: trong trường hợp tăng hoặc hạ huyết áp, vẫn áp dụng thuốc như ở người trẻ, nhưng cần phải phù hợp với từng cá nhân ở tuổi già. Dùng thức ăn có chất khóang và tăng vận động cơ thể.

Những thuốc cụ thể áp dụng tùy theo từng loại rối loạn hoặc hội chứng lâm sàng khác nhau.

  • Cơ quan chịu chi phối thực vật:

+ Do thiểu năng các cơ quan chi phối thực vật nên cần chú trọng điều chỉnh những rối loạn của cơ quan đó để làm cân bằng hệ thần kinh thực vật, ví dụ: sự bài tiết của thận.

+ Do đặc điểm của rối loạn trương lực thần kinh thực vật là gây rối loạn nhiều bộ phận, cơ quan ở những người già, cần quan tâm đến điều trị những rối loạn của những chức phận có liên quan một cách toàn diện.

0/50 ratings
Bình luận đóng