Nội dung
Dị ứng và thuốc chống dị ứng là gì?
Dị ứng là trạng thái phản ứng quá mức của cơ thể con người khi tiếp xúc với dị nguyên hay kháng nguyên vào lần thứ hai hoặc những lần sau đó.
Dị ứng chính là biểu hiện của phản ứng quá mẫn cơ thể đối với dị nguyên. Các chất có thể gây nên tình trạng dị ứng như: thức ăn, hoa quả, cây cỏ, bụi bặm, lông gia súc, hóa chất, vi khuẩn, nấm… kể cả thuốc điều trị các loại bệnh. Các con đường đưa các chất gây dị ứng vào cơ thể như: ăn, uống, tiêm, hít, ngửi, nhỏ mắt, tiếp xúc qua da…
Để tạo nên phản ứng dị ứng, cơ thể con người phải có thời gian tạo sự mẫn cảm, hình thành kháng thể chống lại dị nguyên hay kháng nguyên, do đó chúng thường xảy ra vào lần thứ hai hoặc những lần sau đó khi tiếp với dị nguyên hay kháng nguyên này. Một đặc điểm của phản ứng dị ứng là có liên quan đến cơ địa, thường gặp ở những người hay bị dị ứng; tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị em hay bị dị ứng.
Khi phát hiện tình trạng dị ứng dù với bất kỳ tác nhân nào, phải ngừng ngay việc tiếp xúc với các loại tác nhân nghi ngờ do chất histamin gây dị ứng có thể hình thành trong cơ thể. Nếu bị dị ứng nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi thì những triệu chứng lâm sàng như: nổi ban đỏ, nổi mày đay, mẫn ngứa; ngứa lòng bàn tay, bàn chân; buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy… giảm đi nhanh. Nếu bị dị ứng nặng, phải xử trí điều trị bằng thuốc chống dị ứng; phổ biến là các loại thuốc kháng histamin.
Thuốc chống dị ứng là các loại thuốc chống lại hoặc đối kháng lại quá trình quá mẫn của cơ thể đối với dị nguyên. Thuốc có tác dụng ức chế sự tác động của chất trung gian gây dị ứng là histamine. Có hai thế hệ thuốc chống dị ứng cơ bản là thuốc thế hệ 1 (còn được gọi là thế hệ kinh điển, thế hệ cũ) và thế hệ 2 (còn được gọi là thế hệ mới). Có thể kể ra đây một số loại như clopheniramin, cetirizin, diphenylhydramin, loratadin, fexodenadin…
Xem thêm: thuốc cetirizin, Thuốc diphenylhydramin, Thuốc loratadin
Thuốc chống dị ứng cổ điển
Các thuốc chống dị ứng cổ điển thường có thời gian tác dụng ngắn, (từ 4-6 giờ) nên phải uống nhiều lần và có phản ứng phụ gây buồn ngủ. Hiện nay còn sử dụng nhiều là chlorpheniramin và các nhóm tương tự thuộc thế hệ 1 thường được phối hợp trong các thuốc trị cảm, ho…
Thuốc chống dị ứng thế hệ mới
Các thuốc chống dị ứng thế hệ mới ra đời nhằm tăng thời gian tác dụng của thuốc đồng thời hạn chế tác dụng phụ gây ngầy ngật, buồn ngủ của các nhóm thuốc chống dị ứng cổ điển. Vì thế người bệnh có thể chỉ cần uống một hoặc hai viên trong ngày và vẫn có thể làm việc bình thường.
Các thuốc chống dị ứng hiện nay thường dùng:
Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin đường uống: Gồm các dạng thuốc viên và dung dịch, được dùng trong các trường hợp ngứa, chảy nước mũi, phát ban (nổi mề đay), bao gồm các thuốc như: Loratadin, cetirizin, desloratadin… Một số thuốc kháng histamin đường uống có thể gây khô miệng và buồn ngủ, nhất là các kháng histamin thế hệ 1 như: Diphenhydramin, chlorpheniramin… Nói chung các thuốc kháng histamin thường gây an thần không nên dùng khi lái xe hoặc làm các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo.
– Cetirizine: Dạng viên 10mg dùng 1 viên/ngày. Thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi.
– Terfenadine: Dạng viên 60mg và 120mg, có dạng hỗn dịch cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hiện nay thuốc này cần được dùng theo chỉ định của thầy thuốc.
– Loratadine: Viên 10mg uống một viên/ngày vào bữa ăn sáng.
Kháng histamin dạng xịt, nhỏ mũi: Giúp giảm hắt hơi, ngứa mũi hoặc chảy nước mũi, nghẹt mũi, gồm các thuốc azelastin, olopatadin… Khi dùng các thuốc này người bệnh có thể thấy có vị đắng trong miệng, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu, rát mũi, chảy máu mũi, buồn nôn, chảy nước mũi, đau họng và hắt hơi.
Thuốc kháng histamin nhỏ mắt: Thường được kết hợp với các thuốc khác như ổn định tế bào mast hoặc thuốc thông mũi. Thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể giảm bớt các triệu chứng như: Ngứa, tấy đỏ và sưng mắt. Bạn có thể cần phải sử dụng những loại thuốc này nhiều lần trong ngày, bởi vì những tác động có thể kéo dài chỉ một vài giờ. Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể bao gồm đỏ mắt, chảy nước mắt, nhức nhẹ hoặc đau đầu. Thuốc nhỏ mắt kháng histamin có thể làm tăng nguy cơ viêm mắt khi bạn đang đeo kính áp tròng.
– Acid Cromoglicic: Tác động chống dị ứng nhờ ức chế sự xâm nhập ion Ca2+ trong tế bào, tác dụng tại chỗ và trực tiếp lên niêm mạc (phế quản, kết mạc, tiêu hóa). Có nhiều dạng thuốc như nhỏ mắt, bơm mũi-miệng, uống. Tránh dùng trong ba tháng đầu có thai.
Ngoài ra còn có thể kể đến Tritoqualine (Hypostamine), Fexofenadine (Telfast), Acrivastine (Semprex)…
Cách sử dụng thuốc kháng sinh Histamin
Các loại corticoid
Các thuốc corticosteroid (viết tắt là corticoid) khi sử dụng nhất thiết phải có đơn của bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng các loại thuốc này vì bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc còn gây ra nhiều tác dụng phụ có hại nguy hiểm cho người sử dụng. Vì vậy, khi dùng các thuốc này cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như liệu trình điều trị. Thuộc loại này bao gồm các dạng thuốc sau:
Thuốc dạng xịt mũi: Có tác dụng ngăn chặn và làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng của viêm mũi dị ứng, giúp đỡ nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa, chảy nước mũi. Trên thị trường bao gồm các loại thuốc như: Fluticason, mometason, budesonide… Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể bao gồm mùi khó chịu, kích ứng mũi và chảy máu cam.
Corticoid dạng hít: Các loại thuốc này thường được thực hiện trên cơ sở hàng ngày như là một phần của điều trị hen suyễn. Ví dụ như: Fluticason, budesonid, beclomethason… Các tác dụng phụ có thể gây khô miệng, họng và nhiễm khuẩn nấm miệng.
Dạng thuốc nhỏ mắt: Được sử dụng để điều trị kích ứng mắt nặng do sốt và viêm kết mạc dị ứng. Ví dụ như: Dexamethason, fluorometholon, hay prednisolon… Tuy nhiên khi sử dụng các loại thuốc này cần lưu ý, thuốc có thể gây mờ mắt. Sử dụng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Kem bôi da chứa corticoid: Bao gồm các thuốc như hydrocortison, triamcinolon, flucina… Đây là các thuốc hay được người dân tự ý mua về sử dụng, đôi khi không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian trên 1 tuần cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ. Tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng da và đổi màu. Sử dụng lâu dài có thể gây mỏng da, teo da….
Corticoid đường uống: Gồm dạng thuốc viên và dung dịch, được sử dụng để điều trị các triệu chứng nghiêm trọng gây ra bởi tất cả các loại phản ứng dị ứng. Vì chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn, corticoid đường uống thường được quy định đối với khoảng thời gian ngắn. Sử dụng lâu dài có thể gây đục thủy tinh thể, loãng xương, yếu cơ, loét dạ dày và chậm phát triển ở trẻ em. Corticoid đường uống cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh cao huyết áp.
Xem thêm: Corticoid là thuốc gì
Tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng
Hiện nay các cơ sở dược phẩm thường sản xuất các loại thuốc điều trị bệnh cảm cúm thông thường có phối hợp với thuốc chống dị chứng kháng histamin H1 cổ điển nên rất dễ có nguy cơ gây nên những phản ứng phụ không mong muốn đã nêu trên cho người sử dụng mà hậu quả dẫn đến tai nạn giao thông và tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không lường trước được. Vì vậy mọi người cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc cảm cúm thông thường như Decolgen, Panadol…; trong đó có thành phần paracetamol hay acetaminophen giúp giảm đau, hạ sốt kết hợp với thuốc chống dị ứng kháng histamin H1 cổ điển như chlorpheniramine có tác dụng giúp chống viêm mũi dị ứng hoặc một số thuốc khác kết hợp với thuốc dextromethorphan giúp giảm ho.
Thuốc kết hợp giúp hỗ trợ chống viêm mũi dị ứng, giảm ho thường có tác dụng phụ gây an thần, buồn ngủ nên cần thận trọng khi sử dụng; đặc biệt là đối với những người lái tàu xe; lao động, làm việc ở chỗ nguy hiểm và trên cao; tiếp xúc, vận hành các loại máy móc… để hạn chế tai nạn giao thông và tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra
Những lưu ý khi dùng thuốc chống dị ứng
1. Một số loại không nên dùng ban ngày
Thuốc chống dị ứng thế hệ 1 như clopheniramin thì không nên dùng ban ngày vì chúng dễ thấm vào thần kinh trung ương, có nguy cơ gây buồn ngủ. Bạn nên uống vào buổi tối, khi không phải làm việc.
2. Tránh dùng với bệnh nhân tim mạch
Thuốc chống dị ứng vẫn được coi là những thuốc an toàn nhưng một số loại thuốc thế hệ 2 có thể gây ra một số biến cố trên tim mạch như gây xoắn đỉnh, tức là tim tự nhiên ngừng đập sau một chu kỳ. Điều này là nguy hiểm vì nó có thể gây thiếu máu cơ tim. Với những bệnh nhân có rối loạn tim mạch thì không nên dùng một số thuốc chống dị ứng thế hệ hai như astemizol.
3. Ngộ độc do quá liều
Vì lý do dị ứng gây ngứa râm ran khắp người nên một phản xạ là dùng nhiều thuốc chống dị ứng liều cao cho đỡ ngứa. Điều đáng nói là liều ngộ độc của thuốc dị ứng không cách quá xa liều điều trị. Biểu hiện của ngộ độc là khô miệng như ngói, đỏ rực như thịt bò, nóng như hòn than, phát cuồng như kẻ mất trí và nháy mắt liên tục như cánh dơi. Liều khuyên dùng của thuốc chống dị ứng với các thuốc thế hệ 2 là chỉ dùng 1 viên/ ngày, dùng quá 4 viên/ ngày rất nguy hiểm.
4. Không trộn nhiều loại thuốc chống dị ứng
Các thuốc chống dị ứng dù có các loại loại khác nhau thì đều có chung một cơ chế tác động đó là tranh chấp vị trí tác động với chất trung gian hóa học gây dị ứng histamine. Việc tranh chấp với histamine chỉ phụ thuộc vào nồng độ chất đó cao hay thấp chứ không phụ thuộc vào có nhiều loại thuốc hay ít loại thuốc. Dùng nhiều loại thuốc đã không tạo ra hiệu quả tăng hơn mà lại còn làm nặng nề thêm chuyển hóa cho gan thì đó là việc rất không nên dùng.
5. Không uống chung với thuốc trị nấm
Thuốc chống dị ứng không nên dùng với thuốc trị nấm như itraconnazole (Sporanox) hay ketoconazole (Nizoral). Vì thuốc chống dị ứng ức chế hoạt động của enzyme chuyển hóa thuốc chống nấm tại gan nên thuốc chống nấm sẽ chậm được chuyển hóa và chậm bị đào thải. Điều này dẫn đến người bệnh bị ngộ độc thuốc trị nấm ở ngay liều điều trị an toàn, nhất là những người phải dùng thuốc trị nấm kéo dài.
6. Hạn chế tối đa dùng cho trẻ em
Thuốc chống dị ứng, đặc biệt thuốc dạng thế hệ 1 như clopheniramin thấm vào thần kinh trung ương ở não nên làm ức chế sự phát triển của não bộ ảnh hưởng tới quá trình hình thành tư duy ở trẻ. Với trẻ em đến trường, thuốc làm giảm khả năng tập trung, giảm khả năng tiếp nhận, giảm khả năng tư duy nên hiệu quả học tập giảm sút.
Trong trường hợp phải dùng thuốc thì chỉ được dùng rất ngắn trong 1-2 ngày và nhất định phải có sự tham vấn của bác sĩ.