Bệnh hiện lưu hành trên 100 nước thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới vùng Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và gây tác hại đến khoảng 2,5 tỷ người. Đại dịch SD/SXHD bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20 với số mắc hàng năm khoảng 10 triệu người, trong đó có hơn 90% trường hợp mắc ở độ tuổi dưới 15. Tỷ lệ chết trung bình khoảng 5% với khoảng
- Trường hợp mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố “Thế kỷ 21 là thế kỷ phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.
Bệnh Dengue do nhiều loại virus rất giống nhau gây ra, gọi là Dengue các týp 1, 2, 3 và 4. Bệnh được truyền từ người này sang người khác chủ yếu do muỗi Aedes aegypti. Người ta cũng tìm được virus Dengue từ muỗi Aedes albopictus.
Ở Việt Nam, muỗi Aedes aegypti (thường được gọi là muỗi hoa, hay muỗi vằn), là muỗi truyền bệnh chính và do muỗi cái (muỗi đực không đốt người, sống bằng nhựa cây). Muỗi có hầu hết ở các địa phương, trừ các vùng núi cao, khí hậu lạnh. Muỗi Aedes aegypti thường đẻ trứng ở nước trong và sạch. Muỗi thường đậu trên quần áo, màn, bàn, ghế, tủ, ít đậu trên tường. Muỗi đốt người nhiều nhất 9-10 giờ sáng và hoạt động đến 17 – 18 giờ chiều.
Có hai thể bệnh: Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue.
Sốt Dengue
Bệnh bắt đầu bằng sốt đột ngột, kéo dài khoảng một tuần hoặc hơn, gây đau đầu, đau cơ, đau khớp và nổi mẩn. Bệnh có thể bùng nổ thành những vụ dịch, gặp chủ yếu ở người lớn, nhưng ít khi dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở cả nông thôn và thành thị nếu có muỗi truyền bệnh thích hợp.
Sốt xuất huyết Dengue
Thường được gọi phổ biến là sốt xuất huyết, là một bệnh nguy hiểm, ở nước ta, bệnh thường gặp ở các tỉnh Nam Trung Bộ và đồng bằng Sống Cửu Long. Bệnh thường thấy ở trẻ em, bắt đầu bằng sốt cao liên tục 2 – 7 ngày, đau đầu, đau cơ, đau khớp và có thể đau bụng. Kèm theo là các triệu chứng và dấu hiệu của xuất huyết như chảy máu mũi, chân răng, kinh nguyệt ra sớm, kéo dài và nhiều (ở người lớn); xuất hiện chấm, nốt, mảng xuất huyết dưới da. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng cũng thường thấy. Hội chứng sốc (shock) sốt xuất huyết có thể xảy ra do mất máu và tụt huyết áp. Nếu không được điều trị, tới 50% trường hợp sốc có thể tử vong, tỷ lệ tử vong chung là 5 – 10%.
Dự phòng và kiểm soát bệnh
Hiện nay chưa có vaccin phòng Dengue, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để tìm ra vaccin này. Vì không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh này nên những bệnh nhân có sốc cần được nhanh chóng truyền dịch, huyết tương và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
Các biện pháp dự phòng nhằm làm giảm mật độ muỗi truyền bệnh. Biện pháp lâu dài và kinh tế là thu hẹp và làm mất những nơi muỗi đẻ trên diện rộng bằng cách san lấp những ổ muỗi đẻ trứng tự nhiên hay nhân tạo, làm tấm che những dụng cụ đựng nước ăn, lắp đặt Ống dẫn nước kín. Nếu những biện pháp trên không áp dụng được, cần diệt bọ gậy bằng hoá chất an toàn và hữu hiệu.
Các biện pháp dự phòng cá nhân chống muỗi đốt ban ngày cũng rất quan trọng, bao gồm quần áo phòng hộ, thuốc xua muỗi… Bên cạnh việc phun hoá chất diệt côn trùng trong nhà có thể dự phòng muỗi đốt ban ngày bằng hương diệt muỗi, màn…
Trường hợp xảy ra dịch các biện pháp trên cũng cần được áp dụng, nhưng mục đích là làm giảm nhanh quần thể muỗi trưởng thành bằng cách phun hoá chất diệt côn trùng.