1.Định nghĩa mô tiết
Mô tiết cấu tạo bởi những tế bào sống, có vách bằng cellulose tiết ra những chất được coi là cặn bã của cây như tinh dầu. nhựa, gôm, tanin, v.v… Thường các chất này không được thải ra ngoài và sẽ đọng lại trong cây. Tuỳ theo loài khác nhau mà có các chất tiết khác nhau. Có thể là các chất vô cơ như calci oxalat, calci carbonat; chất hữu cơ như acid hữu cơ, chất nhầy, chất gôm, tanin, tinh dầu, nhựa, alcaloid. glucosid v.v…
2.Phân loại mô tiết
2.1. Biểu bì tiết
Biểu bì tiết là các tế bào biểu bì tiết ra tinh dầu thơm hoặc chúng tập trung thành các tuyến thơm.
Các tuyến mật tiết ra mật hoa cũng thuộc về loại này và có vai trò lôi cuốn sâu bọ. Ngoài các tuyến mật đặt trong đĩa tuyến mật hay trong các cựa của hoa, các cây còn có những tuyến mật ngoài hoa.
2.2. Lông tiết
Lông tiết rất quan trọng đối với ngành dược để cất tinh dầu hoặc để nhận diện các dược liệu. Mỗi lông tiết gồm có một chân và một đầu, trong đó chân và đầu có thể là đơn bào hoặc đa bào. Do đó, ta có các kiểu lông: chân đa bào, đầu đa bào; chân đa bào, đầu đa bào; chân đơn bào, đầu đa bào, v.v…
2.3. Tế bào tiết
Tế bào tiết là những tế bào riêng lẻ ở rải rác trong mô mềm, đựng những chất do chính tế bào đó tiết ra như :
+ Tinh dầu
+ Chất myrozin
+Tanin
+Chấy nhày
Về hình dạng và kích thước, các tế bào tiết không khác các tế bào mô mềm ở xung quanh; đôi khi chúng có thể lớn hơn một chút. Các tế bào tiết chỉ có thể nhận biết được nhờ sự có mặt của các chất tiết ở trong tế bào hoặc bằng nhũng phản ứng đặc hiệu.
2.4. Túi tiết và ống tiết
Túi tiết và ống tiết là những lỗ hổng hình cầu (túi) hay hình trụ (ống) bao bọc bởi các tế bào tiết và đựng những chất do các tế bào đó tiết ra. Trên một vi phẫu cắt ngang, rất khó phân biệt được ống tiết và túi tiết, vì chúng đều có mặt cắt hình tròn. Tuy nhiên, khi quan sát trên kính hiển vi, có thể nhìn thấy đáy túi ở vi phẫu cắt ngang túi tiết nếu điều chỉnh tiêu cự, còn ở ống tiết thì chỉ là một hình tròn rỗng. Trên một vi phẫu dọc, có thể dễ dàng phân biệt được hai loại mô tiết đó với nhau.
Có hai cách tạo thành các túi tiết và ống tiết:
1.Kiểu phân sinh
Tế bào sinh ra túi tiết hay ống tiết phân chia nhiều lần rồi tách rời nhau ở phía giữa thành một khoảng trống bỗng, đựng chất tiết.
2. Kiểu dung sinh:
Tế bào sinh ra túi hay ống tiết phân chia nhiều lẩn rồi các tế bào ở giữa bị tiêu hủy đi. thành một khoảng trống đựng chất tiết lẫn với các mảnh vụn của các tế bào đã bị phá hủy.
2.5. Ống nhựa mủ
Đó là những ống dài hẹp phân nhánh rất nhiều, chứa bên trong một chất lỏng trắng như sữa gọi là nhựa mủ. ống nhựa mủ có một lớp chất tế bào phủ lên vách bằng cellulose; Ở giữa là một không bào lớn đựng nhựa mủ. Thường trong chất tế bào có nhiều nhân (cấu tạo cộng bào). Có hai loại ống nhựa mủ:
1.Ống nhựa mủ không có đốt:
Cấu tạo bởi vài tế bào mọc dài vô hạn, không phân nhánh
2.Ống nhựa mủ chia đốt:
Cấu tạo bởi những tế bào xếp nối tiếp nhau thành từng dẫy. Các vách ngang có lỗ thủng hoặc biến mất hẳn. Chúng có thể không nối với nhau thành hình mạng lưới.
Nhựa mủ là một chất lỏng, thường màu trắng như sữa, nhựa mủ ở trong không bào của ống nhựa mủ nhưng khác với dịch tế bào là ở trạng thái nhũ tương; nó cấu tạo bởi một chất lỏng trong đó có muối vô cơ, nước, glucid, alkaloid…