Tập thể dục thể thao rất có lợi cho sức khoẻ như tăng cường trao đổi chất, làm mạnh hệ thống cơ – xương – khớp, tăng công năng của hệ tuần hoàn và hô hấp. Tuy nhiên không phải lúc nào và với bất cứ người nào thể dục thể thao cũng có lợi. Chẳng hạn, những người bị các căn bệnh như: Bệnh chảy máu, bệnh tim bẩm sinh, tim đập không đều, sốt, tiểu đường, chấn thương đầu trước, mất một thận, còn một tinh hoàn, béo phì, suyễn, nhiễm HIV, bong gân, bệnh xương khớp… nếu tập thể dục thể thao bệnh sẽ có nguy cơ nặng thêm, nhất là khi tập thiếu khoa học. Do đó, trước khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Các thầy thuốc sẽ dựa trên hoàn cảnh sức khoẻ cụ thể của từng người và trên các tiêu chí sau đây để đưa ra những lời khuyên chính xác nhất về môn thể thao mà bạn định tham gia.

Điều kiện về tim mạch

Đây là điều kiện đầu tiên cần xét đến đối với những người chuẩn bị bước vào tập luyện. Khi khám tim, cần hết sức chú ý đến các dị tật ở tim có thể đưa đến đột tử như tim lớn, tâm thất trái lớn, dị tật của động mạch và hội chứng Marphan.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ hỏi bạn các vấn đề về bệnh sử để từ đó tìm ra những bệnh tim còn ẩn giấu. Chẳng hạn:

  • Nếu bạn đã từng bị ngất khi phải lao động quá sức, ngất trong hoặc sau khi tập luyện, thì có thể bạn bị các bệnh như tim to, những tật trong dẫn truyền trong tim, bệnh loạn nhịp và các vấn đề van tim.
  • Nếu bạn bị đau ngực trong khi tập luyện thì có thể bị dị tật bẩm sinh hoặc bị bệnh xơ vữa động mạch sớm.
  • Dễ mệt, đó là dấu hiệu của bệnh van tim hoặc bệnh phổi.
  • Tim đập thình thịch: Dấu hiệu của bệnh loạn nhịp, hay là những tật dẫn truyền của tim, cao huyết áp…

Với các trường hợp bị bệnh cao huyết áp ở mức trung bình, nếu kết quả điện tim bình thường, bạn vẫn có thể tham gia các môn thể thao không đòi hỏi phải gắng sức cao.

Với các bệnh nhân bị bệnh viêm cơ tim, do đây là một dạng bệnh cấp có thể dẫn đến đột tử, đưa đến rối loạn mạn tính chức năng tim, vì thế không được tham gia bất cứ môn thể dục thể thao nào.Đi bộ theo tư thế đi thẳng người, mắt nhìn thẳng phía trước

Cũng như thế, với những người bị hội chứng Marphan (có những triệu chứng như phình động mạch, rối loạn nhịp tim) cũng không được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vì có thể đưa đến tình trạng suy động mạch hoặc vỡ động mạch chủ.

Điều kiện về hệ thần kinh

Những người bị động kinh không nên tham gia các môn lặn, bơi, trèo cao, nhảy cao, lướt ván, bơi lội… Những người này có thể tham gia một số môn thể thao không va chạm như đi, chạy… tuy nhiên, không nên tham gia những môn thể thao tuy không va chạm nhưng cường độ vận động lớn như cử tạ, ném lao, ném đĩa, bắn cung…

Những người bị liệt nhẹ hoặc bị kéo dãn đám dây thần kinh vai (đây là vấn đề thường gặp ở những VĐV hay chơi những môn võ quyền anh…) cần phải nghỉ ngơi để bình phục chấn thương hoàn toàn và nhất thiết phải đi khám chuyên khoa.

Với một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn đã từng bị chấn thương não, chấn thương sọ não, nhức đầu kéo dài… cần phải khám xét cẩn thận. Qua thăm khám, nếu không có phản ứng lạ, có thể được phép tham gia một số môn thể dục thể thao nhẹ, tuy nhiên trong quá trình tập phải thường xuyên theo dõi sức khoẻ, nếu thấy có biểu hiện lạ như chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… phải dừng tập ngay, nghỉ ngơi tĩnh, rồi nhanh chóng đi khám bệnh.

Điều kiện về da liễu

Các bệnh ngoài da như bệnh zona thần kinh, ghẻ, viêm da, dị ứng, mẩn ngứa. .. tuy không nguy hiểm cho tính mạng, nhưng trước khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao bạn cần đi khám. Thông thường, những người bị bệnh ngoài da không được phép tham gia các môn thể thao có va chạm, vừa để tránh lây bệnh cho người khác vừa để bệnh không bị nặng thêm.

Điều kiện về cơ – xương – khớp

Muốn tham gia các hoạt động thể dục thể thao, bạn cần có một hệ thống cơ – xương – khớp bảo đảm khoẻ và bền vững để hiệu quả tập luyện tốt hơn, đồng thời tránh được các chấn thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những người bị rối loạn về hệ cơ – xương – khớp như: có ngón tay dài, biến dạng lồng ngực, cột sống… không nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao vì có thể đưa đến tình trạng hô hấp bị suy, rối loạn về thị giác, thậm chí bị đột tử trong quá trình tập luyện.Tập luyện đúng cách rất cần thiết với người tăng huyết áp

Điều kiện về nội tạng

Những người nội tạng có vấn đề, chẳng hạn như sa lá lách, gan to, cắt một phần gan, sỏi mật, sỏi thận… nên hạn chế, mà tốt nhất là không nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao vì các hoạt động này đòi hỏi phải gắng sức, dẫn đến các tai nạn và chấn thương nội tạng lớn.

Các trường hợp đặc biệt

Với những người chỉ có một cơ quan như một mắt, một thận chẳng hạn, tuy không bị hạn chế tham gia các hoạt động thể dục thể thao, nhưng các bác sĩ khuyên rằng, một số môn những người một mắt không nên tham gia là võ, vật, quyền anh, đua xe… Những môn thể nào có nguy cơ gây chấn thương vùng mắt như quần vợt, đá bóng, bóng bàn, cầu lông, đá cầu… khi tham gia, những người này phải chú ý bảo vệ mắt của mình. Riêng với các trường hợp chỉ có một bên thận hoặc một bên tinh hoàn, phải hạn chế tham gia các môn thể thao phải va chạm, vì với những môn thể thao này, nguy cơ chấn thương có thể đến với họ bất cứ lúc nào.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng