Theo một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 100 người mắc lỵ trực khuẩn cấp thì có 1-10 người bị tử vong, tỉ lệ tử vong cao hay thấp tuỳ theo sự phát triển về y tế của từng nước. Ở nước ta, lỵ trực khuẩn cấp và viêm gan virus là 2 bệnh có số người mắc nhiều nhất (năm 1999, tỉ lệ mắc bệnh lỵ trực khuẩn cấp chiếm tới 7,1/1 vạn dân, tỉ lệ tử vong là 0,001/1 vạn dân).

Lỵ trực khuẩn cấp tính thực chất là một viêm đại tràng cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra.

Shigella cũng có thể gây viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính, nhưng rất hiếm gặp ở người lớn mà chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 3 tuổi. Các chủng vi khuẩn gây bệnh lỵ đều có nội độc tố, đáng chú ý là 2 chủng vi khuẩn Shigella shigae và Shigella schmitzii bởi chúng có thêm qả ngoại độc tố (khi chết hoặc khi bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh, chúng phân huỷ tạo ra độc tố gây hại cho cơ thể). Nhưng nguy hiểm hơn cả là chủng vi khuẩn Shigella dysenteriae, vì nó dễ gây thành dịch lớn và kéo dài; kháng thuốc nhanh và phổ biến; gây bệnh nặng, kéo dài và nhiều biến chứng dễ dẫn tới tử vong.

Ở các nước xứ nóng như nước ta, bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường trội lên và dễ gây thành dịch vào mùa nắng nóng. Nguồn bệnh chính là người mắc bệnh lỵ hoặc người lành mang trùng đào thải vi khuẩn ra môi trường theo phân. Trực khuẩn lỵ có thể sống trong điều kiện bình thường như rau sống, thức ăn từ 7- 10 ngày, sống trong đất từ 6-7 tuần lễ, nên rất dễ lây theo đường tiêu hoá qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn.

Trực khuẩn lỵ Shigella
Trực khuẩn lỵ Shigella

Khi ăn phải thức ăn đồ uống có trực khuẩn lỵ Shigella theo đường tiêu hoá qua dạ dày, ruột non, tới đại tràng và xâm nhập niêm mạc đại tràng (chủ yếu ở phần cuối của đại tràng như đại tràng xuống, đại tràng xích-ma hoặc trực tràng). Bên cạnh việc phản ứng tự vệ tự nhiên của cơ thể nhằm đào thải vi khuẩn tại chỗ tổn thương, thì bản thân vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc đại tràng trên diện rộng, gây loét nông, trường hợp nặng có thể loét sâu tới tận lớp cơ của đại tràng, thậm chí hoại tử, đồng thời tiết ra nội độc tố tác động lên hệ thần kinh vận động, hệ cảm giác và hệ thực vật nên người bệnh xuất hiện hàng loạt các triệu chứng như đau quặn, mót rặn; rối loạn các chức năng của ruột làm mất thăng bằng nước điện giải, mất thăng bằng kiềm toan.

Thường thì sau khi xâm nhập cơ thể từ 1-3 ngày, trực khuẩn lỵ có thể gây viêm niêm mạc đại tràng, gây xuất tiết, chảy máu, tiêu huỷ tế bào, đồng thời tiết ra nội độc tố (có thể ngoại độc tố) biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng – nhiễm độc: Người bệnh đột ngột sốt 38-39 độ c, có cảm giác gai gai rét; nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ; xét nghiệm thấy bạch cầu ở máu ngoại vi tăng (ở những người có thể trạng yếu như người già, trẻ em suy dinh dưỡng… bạch cầu không những không tăng mà lại giảm). Kèm theo đó là hội chứng lỵ: Bệnh nhân đau bụng âm ỉ dọc theo khung đại tràng và vùng bụng dưới phía bên trái; mót đi ngoài, khi đi phải rặn nhiều; ban đầu phân sền sệt, sau đó phân nhầy máu mủ; máu mủ hoà lẫn không phân định rõ nên trong đỏ nhờ nhờ như máu cá hoặc nước rửa thịt. Trường hợp nhiễm trùng – nhiễm độc nặng, bệnh nhân thường có các triệu chứng như trên, nhưng bệnh cứ nặng dần lên, tình trạng chung xấu đi rất nhanh: Sốt cao trên 40 độ c, toàn trạng gầy sút, nét mặt phờ phạc, da xanh xám, môi khô mắt trũng, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, tinh thần lơ mơ, có thể hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời.

Sự nguy hiểm của lỵ trực khuẩn cấp tính không những chỉ gây biến chứng nguy hiểm tại ruột (chảy máu ruột, hoại tử ruột, thủng ruột gây viêm phúc mạc…), gây bội nhiễm (viêm đường tiết niệu, viêm túi mật, viêm phổi…), gây biến chứng toàn thân (nhiễm độc thần kinh, truy tim mạch, viêm tắc động mạch, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng tan máu – urê huyết, hội chứng Reiter với tam chứng viêm khớp – viêm niệu đạo – viêm kết mạc mắt có thể xảy ra đồng thời hoặc không đồng thời…) mà sau khi được điều trị ổn định có thể để lại di chứng viêm đại tràng mạn tính, làm hẹp đại tràng.

Việc điều trị lỵ trực khuẩn cấp tính không mấy đơn giản bởi hầu hết các loại thuốc như ampicillin, bactrim, sulfamid… đều bị đa số chủng vi khuẩn kháng lại. Vì vậy bên cạnh chế độ điều trị chung như chống mất nước điện giải bằng đường uống (dùng oresol) hoặc đường tiêm truyền (dung dịch mặn ngọt đẳng trương hoặc Ringer lactat); bổ sung kali, chống toan hoá máu; điều trị triệu chứng… việc lựa chọn một loại thuốc kháng sinh phù hợp đối với các trường hợp nặng là hết sức cần thiết. Kháng sinh thế  hệ mới được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng trong điều trị các trường hợp lỵ trực khuẩn cấp tính nặng là kháng sinh thuộc nhóm quinolon mới như ciprofloxacin, ofloxacin, enoxacin…

Điều đáng lưu ý là bệnh nhân lỵ trực khuẩn cấp tính phải được điều trị cách ly, chỉ được ra viện khi nào hết các triệu chứng lâm sàng từ 15-20 ngày, hoặc khi xét nghiệm phân 2 lần không còn thấy bài xuất vi khuẩn.

Để dự phòng tốt căn bệnh này, việc ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn, làm tốt vệ sinh môi trường, diệt ruồi nhặng… là hết sức cần thiết.

0/50 ratings
Bình luận đóng