Ghi điện não trực tiếp trên vỏ não người ta xác định được ổ động kinh có điện thế âm cao hơn xung quanh. Người ta xác định được có điện trường xung quanh vỏ não trong cơn động kinh ở khoảng cách vỏ não 1 – 2mm.
Đưa vi điện não vào từng lớp của vỏ não H. Petsche – 1976 nêu nhận xét: vỏ não như “một máy phát điện” độc lập ở từng lớp, xuất hiện từ một điểm khu trú cục bộ ở mỗi lớp của vỏ não sau lan tới các lớp khác.
Điện não ghi qua điện cực áp lên da đầu, ghi trong cơn động kinh có những biểu hiện điển hình.
* Điện não trong động kinh toàn thể:
Đặc điểm chung là:
- Xuất hiện những loạt kịch phát gai nhọn – sóng chậm biên độ lớn.
- Biểu hiện ở tất cả các vùng của hai bán cầu
- Đồng pha.
+ Theo dõi điện não ở từng giai đoạn của cơn động kinh cơn lớn (co cứng – co giật) ta thấy có biểu hiện:
- ở giai đoạn co cứng: xuất hiện các loạt kịch phát gai nhọn biên độ lớn.
- ở giai đoạn co giật: xuất hiện các gai nhọn sóng chậm hoặc sóng chậm biên bộ lớn (250 – 500 µV) hoặc đa gai nhọn – sóng chậm, loạt kịch phát kéo dài 20 – 30 giây. Ghi điện não giữa các cơn có thể không thấy biểu hiện bệnh lý (khoảng 20%) còn lại thường thấy loạn nhịp điện não xen kẽ sóng chậm (delta, theta) biên độ lớn hoặc xen kẽ gai nhọn, có thể thấy loạt kịch phát như trong cơn.
+ Trong cơn vắng ý thức (cơn nhỏ) ngoài những đặc điểm chung của điện não trong cơn động kinh toàn thể nêu trên, nó có đặc điểm điển hình là xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn (8 – 10gy) các loại gai nhọn – sóng chậm tần số 3 chu kỳ/gy.
Nếu động kinh toàn thể thứ phát trên điện não có thể hiện những biến đổi ở một vùng nào đó (ổ tổn thương) những biến đổi điện não rõ hơn, nhất là ghi ở giữa các cơn.
Điện não trong động kinh cục bộ:
Đặc điểm chung là có biến đổi điện não khu trú, do các nơron ở xung quanh ổ tổn thương phát điện.
+ Trong động kinh thuỳ thái dương, điện não có đặc điểm sau:
Trước cơn một vài giây xuất hiện sóng nhanh biên độ thấp.
Trong cơn xuất hiện sóng delta, theta biên độ lớn ở vùng thái dương (kéo dài 1 – 2 phút), không có gai nhọn.
Sau cơn, giữa các cơn còn thấy sóng chậm hình cao nguyên xen kẽ nhịp bình thường, hoặc gai nhọn – sóng chậm 4 – 6 chu kỳ/giây ở vùng thái dương trước.
Điện não đồ trong trạng thái động kinh:
Ghi trong cơn co cứng – co giật của trạng thái động kinh có sóng động kinh điển hình như đã nêu ở trên, theo dõi tiếp ta thấy xen kẽ từng lúc “im lặng điện não” với những loạt kịch phát gai nhọn, gai nhọn – sóng chậm, sóng chậm biên độ lớn.