Dầu Mù u
Oleum calophylli inophylli
Dầu ép từ hạt cùa cây Mù u (Calophyllum inophyllum L.) họ Bứa (Clusiaceae) đã được tinh chế loại bỏ phần “nhựa”.
Mô tả
Dầu lỏng sánh, màu vàng tới vàng đậm, mùi thơm hắc đặc trưng.
Định tính
Tỉ trọng tương đối: 0,9135 – 0,9155.
Chỉ số acid: 1 – 10 (Phụ lục 7.2).
Chỉ số xà phòng: 218 – 228.
Định tính hóa học:
Lấy 0,5 ml dầu, thêm vào 2 ml ether ethylic, lắc đều cho tan. Thêm 2 ml cồn 95% lắc đều cho tan. Chia đều dung dịch vào 2 ống nghiệm.
Thêm vào ống nghiệm thứ nhất 2-3 giọt dung dịch sắt III clorid 5% trong ethanol, lắc đều, dung dịch có màu xanh dương đậm.
Thêm vào ống nghiệm thứ 2 0,5ml KOH 0,5 N trong ethanol (TT). Lắc đều, thêm vài giọt Thuốc thử diazo (TT). Dung dịch có màu đỏ cam.
Định tính sắc ký: (Phụ lục 5.3)
Mẫu thử: Hòa tan 0,1 g dầu trong 0,5 ml ether ethylic.
Mẫu chuẩn: Hòa tan 0,1 g dầu Mù u chuẩn trong 0,5 ml ether ethylic.
Sắc ký lớp mỏng trên bản mỏng silica gel G, hệ dung môi benzen – ethyl acetat (8:2). Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 – 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin – sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 100 – 105oC trong khoảng 5 phút.
Mẫu thử phải có các vết tương đương với mẫu dầu Mù u chuẩn.
Bảo quản
Giữ trong chai đầy, đậy nắp kín. Bảo quản nơi mát, tránh ánh sáng.
Thành phần hóa học
Dầu Mù u chứa 3 nhóm lipid căn bản: lipid trung tính, glycolipid và phospholipid; Một acid béo gọi là calophyllic acid; Một chất kháng sinh mang vòng lactone và một chất kháng viêm không steroid gọi là calophyllolide. Ngoài ra còn có chất kháng viêm coumarine đã tạo nên những hoạt tính bảo vệ sức khỏe. Vì thế dầu Mù u có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau. Đặïc tính làm liền sẹo và giảm đau chưa được giải thích trong y văn dù đã được công nhận.
Công dụng, cách dùng
Theo y học cổ truyền, dầu Mù u có tác động mạnh làm giảm đau thần kinh tọa, đau dây thần kinh, đau khớp xương và đau thần kinh do bệnh phong. Năm 1918, các nhà khoa học Pháp bắt đầu nghiên cứu về tác dụng tại chỗ đối với da của dầu Mù u và ghi nhận đặc tính làm liền da của nó. Y văn của Pháp đã ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng thành công dầu Mù u trong điều trị các bệnh lý về da. Điển hình là một phụ nữ vào bệnh viện St. Louis tại Paris với tình trạng loét hoại thư ở chân dai dẳng không lành và việc cắt bỏ chân là điều khó tránh khỏi. Trong thời gian chờ đợi cắt bỏ chân, hàng ngày bệnh nhân được cho đắp dầu Mù u. Kết quả vết thương lành dần và khỏi hoàn toàn, chỉ để lại một vết sẹo phẳng, nhỏ. Trong những trường hợp khác, dầu Mù u đã sử dụng thành công để làm lành những vết bỏng nặng do nước sôi, hóa chất hoặc X-quang.
Cách dùng
– Từ thập niên 20 của thế kỷ trước, dầu Mù u đã được dùng tại Fiji để làm giảm sự đau nhức thần kinh trong bệnh phong. Nữ tu Marie-Suzanne thuộc dòng thánh Mary đã dùng dầu Mù u (được gọi là Dolno, tức không đau) để bôi lên sang thương người bị bệnh phong và cho kết quả tốt. Từ kết quả lâm sàng tại Fiji, dầu Mù u nhanh chóng được nghiên cứu tại Pháp vào thập niên 30 trong điều trị đau dây thần kinh và tiếp tục được quan tâm về tác dụng làm liền sẹo.
– Dầu Mù u được dùng trong các bệnh lý da và mỹ phẩm nhờ tính thẩm thấu qua da tốt, có mùi thơm, làm sáng da nên thường được đưa vào các thành phẩm dạng nước (lotion), kem, pommad và các mỹ phẩm khác. dầu Mù u có tiềm năng lớn trên thị trường các sản phẩm trị bệnh ngoài da lẫn trong kỹ nghệ mỹ phẩm.
– Các nghiên cứu khoa học liên quan đến dầu Mù u đã có từ năm 1920 nhưng nhiều năm sau mới được sử dụng rộng rãi, nhất là tại Tahiti – nơi mà dầu Mù u được tiếp thị cho các dịch vụ săn sóc ban đầu ngoài da và hỗ trợ sắc đẹp.
0cm 0cm 0pt;text-align: justify">– Tại châu Âu, dù là một sản phẩm còn mới mẻ nhưng dầu Mù u đã được nhiều công ty đưa vào các công thức sản phẩm. Dầu Mù u có thể được sử dụng nguyên chất hoặc pha loãng 50% với dầu dừa hoặc dung môi thích hợp khác mà không làm giảm hiệu lực.
– Trong ngành mỹ phẩm, dầu Mù u sử dụng phải thật tinh khiết để bảo đảm thích hợp cho mọi loại da, hấp thu nhanh, làm mềm da mà không để lại vết trơn láng của dầu.
– Trong tương lai, dầu Mù u có thể kết hợp với vitamin E, aloes vera (cây lô hội, tức nha đam) để tạo nên các sản phẩm săn sóc da. Hiện nay đã có nhiều công ty sản xuất dầu Mù u đóng chai như Active Botanicals, Port Villa, Pure World Botanicals…
– Một số công trình nghiên cứu khoa học về dầu Mù u đã được công bố tại châu Âu và Mỹ. Người ta còn phối hợp dầu Mù u với các chất khác để sản xuất loại mỹ phẩm dùng dưới dạng lotion. Ở nước ta cũng đã có sản phẩm Trăn – Mù u đóng chai 15ml. Trong tương lai, các sản phẩm có chứa dầu Mù u để điều trị và làm đẹp da có thể sẽ tạo nên một thị trường giàu tiềm năng.