Tên khác: cơn tăng huyết áp động mạch.
Định nghĩa
Huyết áp tâm trương tăng nhanh và tăng cao (> 120 mm Hg) hoặc tăng đồng thời cả huyết áp tâm thu và tâm trương, gây ra những rối loạn ở não, ở tim, và ở mạch máu, tới mức đe doạ sinh mạng của bệnh nhân.
Căn nguyên
Tăng huyết áp đột ngột trở nên trầm trọng nhưng không biết, căn nguyên không rõ rệt, thường xảy ra sau khi ngừng điều trị đột ngột bệnh tăng huyết áp, hoặc xảy ra tiếp sau tình trạng lo âu.
Bệnh thận-xơ cứng mạch máu (xem bệnh này) hoặc tăng huyết áp ác tính (các tác giả Anh Mỹ gọi là “tăng huyết áp “gia tốc”).
Triệu chứng
Cơn tăng huyết áp là một cấp cứu nội khoa. Cơn thường kèm theo các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, nhịp tim nhanh, ù tai, toát mồ hôi. Trong những thể nặng, có thể xảy ra chứng mất lời nói, rối loạn tri thức, cơn co giật, phù gai thị, và xuất huyết võng mạc. về chi tiết, xem: bệnh não do tăng huyết áp.
Đo huyết áp: huyết áp tâm trương vượt quá 120 mmHg. Huyết áp tâm thu không phải bao giờ cũng tăng tỷ lệ với huyết áp tâm trương, nhưng có khi vượt quá 300 mm Hg. Những giá trị tuyệt đối này không phải là quan trọng nhất trong diễn biến của cơn tăng huyết áp, mà tốc độ diễn biến nhanh của cơn là yếu tố còn quan trọng hơn.
Rối loạn thần kinh, xem: bệnh thần kinh do tăng huyết áp.
Suy tim cấp tính, phù phổi cấp tính (xem những hội chứng này).
Suy thận: những dấu hiệu rõ rệt của suy thận (protein niệu, đái máu vi thể, trụ hạt, urê, Creatinin trong máu cao) là bằng chứng của bệnh thận xơ cứng mạch máu (xem bệnh này).
Tách thành phình động mạch chủ (xem hội chứng này).
Tiên lượng
Tăng huyết áp kịch phát là một cấp cứu nội khoa nặng. Nếu không được điều trị kịp thời thì 80% bệnh nhân tử vong sau một năm.
Điều trị
Làm giảm huyết áp tâm trương xuống tới 100 – 110 mm Hg trong vòng một giờ, nếu có thể. Đây là một điều trị cấp cứu khó khăn, cần giám sát thường xuyên ở trong bệnh viện. Liệu pháp tấn công quá mức lại có thể thúc đẩy nhanh hơn tai biến thần kinh nặng, không hồi phục.
THUỐC AN THẦN (làm dịu): chỉ định tiêm bắp ngay 10 mg diazepam cho những bệnh nhân lo âu và hốt hoảng, trước khi thực hiện mọi liệu pháp khác.
THUỐC HẠ HUYẾT ÁP TÁC DỤNG NHANH (xem phần viết về thuốc này):
- Nifedipin: đặt dưới lưỡi (viên nang 10 mg cắn vỡ ra và ngậm trong miệng), có thể đưa lại kết quả tốt. Có thể cho tiếp một viên 10 mg nữa, nếu sau 10 phút theo dõi thấy huyết áp không giảm xuống tới mức dự kiến.
- Diazoxid:với thuốc này thì không cần đặt ống truyền tĩnh mạch và không cần theo dõi huyết áp thường xuyên. Chỉ tiêm tĩnh mạch một mũi là đủ, nhưng liều lượng được quyết định theo kinh nghiệm và có nguy cơ quá liều với hạ huyết áp nặng.
- Natri nitroprussiat:cần phải đặt ống truyền tĩnh mạch, một bơm đo thể tính, và giám sát thường xuyên huyết áp động mạch. Huyết áp động mạch có thể tăng hoặc giảm hầu như đồng thời với lúc tăng giảm liều lượng thuốc (tốc độ truyền).
THUỐC HẠ HUYẾT ÁP TÁC DỤNG CHẬM HƠN: dành cho những trường hợp kém cấp cứu hơn (không có dấu hiệu thần kinh).
- Labetalol: là thuốc chẹn beta có tác động alpha-adrenergic. Được đề nghị truyền tĩnh mạch với liều lượng 1-2 mg /phút. Tổng liều cần thiết để làm giảm huyết áp động mạch thay đổi trong khoảng từ 50-200 mg.
- Captopril:25-50 mg, uông.
Huyết áp có thể giảm xuống sau 60-90 phút.
- Dihydralazin: 5-20 mg tiêm bắp cứ 2-4 giờ một lần. Hiệu quả ngoài dự đoán, không thích hợp với những thể nặng. Có thể phối hợp với một thuốc chẹn
ĐIỀU TRỊ CƠ BẢN: ngay khi huyết áp tâm trương giảm xuống, thì bắt đầu điều trị bằng thuốc uống. Giảm dần dần những thuốc hạ huyết áp theo đường tiêm, rồi ngừng hẳn sau 2-4 ngày, tuỳ theo diễn biến. Đối với trường hợp tăng huyết áp do bệnh thận-xơ cứng mạch máu ác tính (xem bệnh này), thì việc chuyển từ điều trị theo đường tiêm sang đường uống thường khó khăn.