CÓC CHUA
Tên khác: Cóc rừng.
Tên khoa học: Spondias pinnata (L. f.) Kurz; thuộc họ Ðào lộn hột (Anacardiaceae).
Tên đồng nghĩa: Mangifera pinnata L.f.; Spondias mangifera Willd.
Mô tả: Cây gỗ nhỏ hay lớn có lá rụng vào mùa khô. Lá kép lẻ to dài 30-40cm, với 2-5 cặp lá chét xoan, bầu dục, mép nguyên có gân thứ cấp hợp lại ở mép làm thành gân mép. Chùy hoa rất rộng, to hơn lá, có các nhánh dài 10-15cm, các nhánh trên ngắn lại dần dần. Hoa vàng vàng. Quả hạch hình trứng màu vàng vàng, to 5 x 3cm, nhân có xơ cứng, chứa 2-3 hạt.
Bộ phận dùng: Quả, vỏ, gôm nhựa (Fructus Cortex et Gummis Spondiatis Pinnatae).
Phân bố sinh thái: Loài phân bố trong các quần hệ thứ sinh nửa rậm, luôn luôn ở giới hạn của rừng thưa và trên nền đất ít sâu từ Nghệ An tới Lâm Ðồng, Ðồng Nai, Vũng Tàu… Còn phân bố ở Campuchia, Thái Lan, Mianma, Ấn Ðộ, Malaysia.
Tính vị, tác dụng: Vỏ có tính giải nhiệt, quả chống scobut, thịt quả làm săn da.
Công dụng: Quả ăn được nhưng phẩm chất kém, vị se chua và có mùi dầu thông. Lá dùng ăn sống như rau. Nhân hạt dùng làm gia vị. Ở Campuchia, người ta cũng thường trồng trong các vườn để lấy quả ăn và lấy lá làm rau. Họ dùng gôm nhựa của cây để làm thuốc trị lỵ. Nước sắc vỏ cây cũng dùng vào mục đích trên. Ở
Ấn Ðộ, người cũng dùng vỏ cây trị lỵ và nghiền ra, lẫn với nước dùng xoa đắp vào các khớp xương và cơ người bệnh thấp khớp. Quả được dùng trong chứng khó tiêu của mật. Dịch lá dùng trong chứng xuất huyết.