YẾN

Tên khác: Yến hàng, hải yến, yến oa, yến hông xám.

Tên khoa học: Collocalia fuciphaga germani Oustalet

Họ Chim yến (Apodidae).

MÔ TẢ

Loài chim nhỏ, nặng 7 – 15g, giống chim én, đầu tròn, mỏ ngắn hơi cong, mắt đen.

Cánh dài, sải cánh rộng, đuôi ngắn, không chẻ, có mảng sáng ở hông. Bộ lông màu đen tuyền, trừ lông ở lưng màu nâu đen, lông bụng màu xám trắng.

Người ta còn dùng tổ của nhiều loài khác nhưng chỉ dùng để làm thuốc.

Yến sào - Tổ yến
Yến sào – Tổ yến

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Trên thế giới, yến phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam Á gồm các nước chỉ có bờ biển và núi đá cheo leo.

Ở Việt Nam, yến sống ở các tỉnh miền Trung và các đảo Côn Lôn, Phú Quốc, Thổ Chu. Còn thấy ở tỉnh Kiên

Giang. Nhưng nhiều nhất ở Mũi Én, Cù lao Chàm và Khánh Hòa.

Yến sống cặp đôi trong đàn, luôn bay lượn, chỉ đậu ở tổ của mình. Chim làm tổ ở vách núi đá trong các hang động, bên dưới là nước sâu thăm thẳm. Chúng dùng nước bọt tạo thành những vòng xoáy để xây tổ. Khi bị mất tổ, chúng làm lại tổ khác. Mùa xây tổ vào tháng 12 – 3, đẻ 2 trứng. Thức ăn của chim là các loại côn trùng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN

Tổ của chim yến hay còn gọi là tai yến (tên dân gian vì tổ giống như tai người). Người ta thu hoạch tổ làm 2 đợt. Đợt đầu vào tháng 3, khi tổ đã làm xong và chim chưa đẻ trứng. Đợt thứ hai vào tháng 7 – 8, sau khi chim đẻ, ấp trứng, nuôi con và đến lúc chim non có thể rời tổ. Có khi, người ta còn khai thác đợt ba vào tháng 5 khi chim đã làm lại tổ.

Tổ yến thường hình bầu dục, cong, màu trắng xám, có khi màu hồng, to bằng nửa quả trứng vịt, nặng khoảng 8 – 10g. Đôi khi cũng có những tổ to hơn, dày và nặng.

Tổ yến lấy về làm sạch tạp chất, rồi phân loại như sau:

  • Yến huyết có màu đỏ tươi, là loại thượng hạng. Loại này hiếm gặp. Màu đỏ do nhiễm máu chim khi nhả dãi (theo truyền thuyết dân gian) hoặc do đá nơi chim làm tổ có nhiều oxyd sắt ngấm vào (theo quan điểm khoa học).
  • Yến bạch còn gọi là yến quang có màu trắng ngà, to và dày, là loại một.
  • Yến thiên màu xanh hơi vàng hoặc trắng đục, nhỏ và mỏng; loại hai.
  • Yến địa màu xám, đen nhạt hoặc tím, tổ của chim già; loại ba.
  • Yến bã trầu có màu hồng.
  • Yến bài là tổ chưa làm xong hoặc bị vỡ.
  • Yến mao là tổ mới làm lần thứ nhất.
  • Yến xiêm là tổ rất bẩn, có nhiều lông.

Tổ yến phải được chế biến trước khi dùng. Ngâm tổ vào nước nóng, bóp mạnh cho các sợi yến mềm và tả ra. Vớt sợi yến, nhặt hết tạp chất (lông chim, rác, rêu…). Rửa bằng nhiều lần nước sạch đến khi sợi yến trở nên trắng nhạt và dai như sợi miến.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Tổ yến chứa protein với hàm lượng cao 42,8 – 54,9%, chất béo ít, lượng đường chủ yếu là glucose cao, các acid amin cần thiết và không thể thay thế được, các vitamin B, E, pp, c, các muối vô cơ và các nguyên tố vi lượng.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong y học cổ truyền và giao dịch kinh tế, tổ yến có tên gọi là yến sào. Đó là một món ăn nổi tiếng thuộc loại cao lương mỹ vị và vị thuốc quý có giá trị chữa bệnh cao và xuất khẩu lớn. Ngày trước, yến sào thường chỉ được dành riêng cho vua chúa và luôn có mặt đứng đầu trong các món ăn đại tiệc gọi là yến tiệc.

Yến sào có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng chung, bổ thần kinh, tăng cường sức dẻo dai, an thần, kích thích tiêu hóa, mạnh gân xương, chữa suy nhược, bệnh phổi và thận, ho hen, thổ huyết.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12g dưới dạng thuốc bột. Dùng liền 7 – 10 ngày.

Trong dân gian, người ta thường dùng yến sào dưới dạng món ăn – vị thuốc như:

Chè yến: Sợi yến đã nấu chín cho vào bát (có người còn thêm hạt sen, hạt đậu xanh đã làm nhừ). Dội nước đvtờng đậm đặc vào. Ăn khi chè còn ấm.

Xúp yến: Sợi yến nấu chín cùng với thịt gà xếp vào bát, rồi chan nước luộc gà còn nóng. Thêm gia vị đủ ngọt. Ăn làm một lần.

Yến tần: Sợi yến cùng với gạo nếp, đậu xanh, mộc nhĩ hoặc nấm hương, gia vị nhồi vào bụng một con chim bồ câu đã làm sạch. Hấp cách thủy cho chín nhừ. Ăn trong ngày.

Người ta còn dùng thịt chim yến (yến nhục) để làm thuốc chữa trĩ, ghẻ ngứa, lở loét. Phân yến (yến thỉ) chữa ngộ độc. Máu yến (yến huyết) có tác dụng bổ máu. Tổ yến có xác chim yến non (sào nội yến tử) làm thuốc bổ dưỡng.

Nhiều người cao tuổi coi yến sào như một loại thuốc có tác dụng cải lão hoàn đồng, làm chậm quá trình lão hóa.

Chú ý: Hiện nay, chim yến và tổ yến đã trở thành vấn đề cấp thiết và khẩn trương cho việc bảo vệ và quản lý khai thác của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

BÀI THUỐC

  • Chữa suy nhược toàn thân, cơ thể gầy yếu: Yến sào, rau thai nhi, tắc kè, ngưu hoàng (lượng mỗi thứ 100g), sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 20 viên chia làm hai lần.

Thuốc rất tốt cho người mới ốm dậy, người cao tuổi, phụ nữ sau khi đẻ, trẻ em suy dinh dưỡng.

  • Nước uống giải khát: có tên “Tổ chim với nấm” gồm yến sào và mộc nhĩ trắng, có tác dụng bổ mát.
  • Chữa ngộ độc: Phân chim yến (30g) phơi khô, sao vàng, tán bột, trộn với 3 củ tỏi giã nhỏ, rồi thêm hồ làm viên bằng hạt ngô.

Ngày uống 3 viên với nước ấm.

0/50 ratings
Bình luận đóng