Củ gấu

Tên khác:  cỏ cú, cỏ gắm, sa thảo, nhả chống mu (Tày), hương phụ, tùng gáy thật mía (dao)

Tên khoa học: Cyperus rotundus L.

Họ Cói                 (Cyperaceae)

MÔ TẢ

Cây thảo nhỏ, sống dai, có thân rễ phình lên từng đoạn thành củ nhỏ. Thân khí sinh mọc lên từ củ, hình ba cạnh, nhẵn. Lá hẹp, dài, có bẹ ôm thân, gân giữa duy nhất, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa có cuống rất dài mọc thành ngù gồm nhiều bông kép không đều, mỗi bông kép có trục nhẵn mang nhiều bông nhỏ; hoa mọc ở kẽ một lá bắc gọi là vảy màu nâu đỏ, không có bao hoa, nhị 3, bầu thượng có 1 ô.

Quả bé có 3 cạnh, màu đen nhạt, có một hạt.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 7.

Vị thuốc Hương phụ vị thuốc hàng đầu chữa u uất

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, củ gấu phân bố rộng rãi khắp nơi, ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á, châu Đại Dương.

ở Việt Nam, củ gấu mọc hoang và được coi là một loài cỏ dại rất khó trừ diệt. Thường gặp trên các bãi hoang, ven đường đi, đồi núi, nương rẫy, vườn tược.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Thân rễ củ gấu, thu hái vào mùa xuân, nhưng tốt nhất vào mùa thu. Đem về, vun củ thành đống, đốt cho cháy hết lông và rễ con, phơi hoặc sấy khô.

Dùng sống làm thuốc giải cảm, tiêu thực. Dược liệu sao đen có tác dụng cầm máu trong trường hợp rong kinh; tẩm nước muối, sao được dùng chữa bệnh về huyết; tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao, có tác dụng giáng hỏa chữa chứng bốc nóng; tẩm giấm, sao chữa ứ huyết; tẩm rượu, sao để tiêu dòm.

Có thể chế biến theo lối tứ chế tức là tẩm sao lần lượt như trên, rồi trộn đều. Nước muối thì dùng loại 5%, rượu với nồng độ 35 – 40°. Thời gian tẩm cho mỗi loại là 12 giờ. Loại chế biến này gọi là hương phụ tứ chế được dùng chữa bệnh của phụ nữ.

Chỉ nên chế biến dược liệu đủ dùng trong 15-20 ngày.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Củ gấu chứa tinh dầu với hàm lượng 0,3 – 2,8%, tanin, flavonoid, alcaloid, các acid phenol, tinh bột, pectin, chất đắng, vitamin c, các nguyên tố vi lượng.

Tinh dầu củ gấu chứa cyperen, p – Caryophylen, cyperolon, cyperotundon.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Cao lỏng củ gấu có tác dụng ức chế co bóp tử cung bình thường cũng như tử cung có chửa. Dịch chiết bằng cồn từ củ gấu có tác dụng giảm đau. Tinh dầu củ gấu có tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Củ gấu, tên thuốc trong y học cổ truyền là hương phụ, được dùng như một vị thuốc không thể thiếu khi chữa bệnh cho phụ nữ.

Dược liệu có vị cay, hơi đắng, tính bình có tác dụng điều kinh, giảm đau, chữa đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, bạch đói, khí hư. Ngoài ra, còn chữa đau dạ dày, kém ăn, đau bụng, nôn mửa.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên hoặc cao lỏng. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

BÀI THUỐC

  • Chữa đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều: Củ gấu (3g), ngải cứu (3g), ích mẫu (3g), bạch đồng nữ (3g). Tất cả phơi khô, sắc với 200ml nước còn 30ml, thêm đường, uống làm hai lần trong ngày. Có thể nấu thành dạng cao lỏng.
  • Chữa hậu sản: Củ gấu (100g), nga truật (100g), quả quất non (50g), cắn nước tiểu (5g). Các dược liệu phơi khô, tán bột, trộn đều với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên chia làm hai lần.
  • Chữa kinh ra nhiều, màu sẫm, mùi hôi: Hương phụ tứ chế (12g), cỏ nhọ nồi (30g), sinh địa (16g), cỏ roi ngựa (25g), ích mẫu (16g), rau má (30g), ngưu tất (12g). sắc uống ngày một thang.
  • Thuốc chống sẩy thai: Hương phụ tứ chế tán bột, uống mỗi ngày 8g với nước sắc thổ phục linh, mần tưới (mỗi thứ 10g) (Nam dược thần hiệu).
  • Thuốc tiêu thực: Củ gấu (100g), quả tơ hồng (50g), phèn phi (5g), tán bột. Ngày uống 2 – 4g.
  • Chữa tiêu chảy: Củ gấu (200g), vỏ hoàng đàn (100g), thái nhỏ, phơi khô, tán bột, rây mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô.

Ngày dùng 20 viên chia làm hai lần.

0/50 ratings
Bình luận đóng