Rung cơ: cơ co nhẹ, ngắn, không đều, chỉ giới hạn ở một số sợi trong một cơ, không dẫn đến động tác. Có thể thấy hiện tượng này ở các cơ bình thường, nhất là ở các cơ mặt sau cẳng chân người có tuổi. Có thể làm xuất hiện rung cơ bằng cách gõ nhẹ lên cơ. Rét làm rung cơ dễ xuất hiện. Rung cơ cho thấy có quá trình thoái hoá chậm và tiến triển ở sừng trước tủy sống (xơ hoá bên gây teo cơ, teo cơ tiến triển, viêm tủy có hốc v.v…). Trong các bệnh cơ nguyên phát không bao giờ có triệu chứng này.

Máy cơ: có các co ngắn, không tự chủ ở một hay ở nhiều cơ. Người ta phân biệt: máy cơ cục bộ chỉ có ở một cơ hay một nhóm cơ hiệp đồng và nếu xảy ra ở các cơ nhỏ thì không làm đoạn chi dịch chuyển; và máy khối cơ có ở nhiều đoạn và đôi khi ở các cơ toàn thân.

Máy cơ có thể xuất hiện tự phát (ví dụ, trong lúc ngủ) hay do gõ nhẹ vào cơ. Đặc biệt, người ta gặp trong động kinh có máy cơ, giai đoạn đầu của một số viêm màng não, trong các bệnh thoái hoá não, các bệnh não do chuyển hoá (hôn mê có urê huyết cao, hạ đường huyết, v.v…) và trong liệt toàn thân, nhiễm độc thuỷ ngân, múa giật Morvan (co sợi cơ), hội chứng máy cơ màn hầu (máy cơ màn hầu-thanh quản, có thể cả lưỡi và các cơ mặt cũng bị) và trong một số bệnh khác).

Người ta gọi co – máy cơ là hiện tượng cơ co lại rồi giãn ra rất nhanh.

Run: là một chuỗi co không tuỳ ý, nhịp nhàng, có biên độ yếu của một vài nhóm cơ, có thể kín đáo, có thể rõ và thô, chậm hoặc nhanh, khu trú hay toàn thể. Người ta chia ra:

  • Run tĩnh hay “run lúc nghỉ”: có lúc nghỉ và giảm đi khi làm động tác tuỳ ý (ví dụ, trong bệnh Parkinson).
  • Run khi làm động tác tuỳ ý: không có lúc nghỉ, xuất hiện khi làm động tác tuỳ ý (ví dụ, có tổn thương tiểu não).
  • Run tư thế: xuất hiện khi cố ý duy trì tư thế (ví dụ, khi duỗi hai cánh tay) và mất đi lúc nghỉ.
  • Bắt chuồn chuồn (tiếng Pháp: Astérixis; tiếng Anh: “flapping tremor”): trương lực cơ bị tụt đột ngột, ngắn và lặp đi lặp lại, khi bệnh nhân duỗi hai cánh tay thì cổ tay và các ngón tay gấp duỗi (xem bệnh não do gan).

CĂN NGUYÊN RUN CƠ

  • Run sinh lý: do cảm xúc, rét, đi tiểu tiện.
  • Nguyên nhân không phải thần kinh: sốt, cường giáp, nhiễm độc (chì, thuỷ ngân, thuốc lá, cà phê, thuốc phiện, cocain v.v…).
  • Run ở người già.
  • Nghiện rượu: run nhẹ, xuất hiện khi bệnh nhân duỗi cánh tay và xoè các ngón tay. Trong ngộ độc rượu cấp, run mạnh và toàn thân.
  • Xơ cứng rải rác: run khi làm động tác tuỳ ý, rõ khi làm các động tác tuỳ ý.
  • Liệt toàn thể: run khi làm động tác tuỳ ý, thường rõ ở lưỡi (cử động “kèn thrombon”) và khi viết.
  • Bệnh Parkinson: khi nghỉ có run nhẹ và liên tục; giảm đi khi làm động tác tuỳ ý, rõ nhất ở chi trên, tăng lên khi mệt mỏi và xúc động.
  • Hội chứng tiểu não: run khi làm động tác tuỳ ý, dao động đều.
  • Viêm não: run đi kèm với các động tác không tuỳ ý khác (co cứng cơ mặt, rung cơ, lưỡi, máy cơ).
  • Bệnh não do chuyển hoá.
  • Run cơ sơ đẳng lành tính (xem thuật ngữ này).

Chuột rút: co thường xuyên một nhóm cơ.

Co thắt cơ xuất hiện ở một nhóm cơ tham gia thực hiện một động tác. Người ta chia ra:

  • Co thắt mặt: thường hay bị ở một bên (co thắt nửa mặt) trong liệt dây mặt ngoại biên, trong các hội chứng kích thích dây mặt hay vỏ não hay trong đau dây thần kinh sinh ba. Đôi khi bị cả hai bên, có cả co quắp mi.
  • Co thắt vặn: xem rối loạn trương lực cơ.
  • Co thắt phối hợp nhãn cầu hay cơn đảo mắt: di chứng của viêm não.
  • Co thắt nghề nghiệp: là co cứng cơ xảy ra chỉ ở một động tác nhất định ở người thường xuyên liên tục thực hiện một vài động tác, nhất là ở ngón tay (co cứng ở người kéo violon, ở người thợ may, ở người viết văn)

Co cứng cơ: thường xảy ra ở một cử động sơ đẳng và không tương ứng với bất kỳ một hệ thống chức năng nào:

  • Co cứng trương lực: cơ co tuỳ ý nhưng kéo dài, lâu quá mức (ví dụ, không thể mở nhanh bàn tay đã nắm lại). Gặp trong bệnh Thomsen và trong bệnh Steinert.
  • Tetani: xuất hiện hoặc ở chi trên (bàn tay người đỡ đẻ) hoặc ở chi dưới (bàn chân cưỡi ngựa hay gấp chặt các ngón chân cái).
  • Cơn trương lực tiểu não: thấy khi bị khối u hố tiểu não sau.
  • Uốn ván, dại, ngộ độc strychnin: các cơn co cứng nặng, cứng hàm do co cứng các cơ nhai và uốn ván do các cơ lưng co cứng, làm người ưỡn về phía sau.

Chứng máy cơ: là các cử động có phối hợp, nhanh và không tuỳ ý, lặp lại một cử động hay một động tác nhất định, thoạt đầu là do tuỳ ý nhưng sau đó trở thành vô ý thức và được lặp đi lặ lại mãi (định hình), không có mục đích. Bệnh nhân thấy có nhu cầu thực hiện động tác mà không thể cưỡng lại được và có thể bực mình vì người khác ngăn cản thực hiện động tác đó. Có thể là nháy mắt, quay đầu, nhún vai v.v… . Chứng máy cơ có thể bắt đầu từ một nơi rồi lan dần tới các cơ khác. Nó có thể bị kiểm soát tạm thời bởi ý thức, tăng lên khi xúc cảm và chấm dứt trong giấc ngủ. Chứng này khác với các động tác không tuỳ ý khác ở sự phức tạp, bởi tính xác định và nhất là bởi bao giờ cũng không đổi. Phần tâm học có thể tìm ra ý nghĩa của chứng tưởng như vô nghĩa này và đôi khi chữa khỏi (xem hội chứng Gilles de la Tourette).

Cơn co giật: là các cơn co tiếp theo là giãn cơ ít nhiều mang tính toàn thể, thường đi kèm các rối loạn về ý thức. Có thể gặp cơn co giật trong các trường hợp sau:

  • Ở trẻ nhỏ, hệ thần kinh rất nhậy cảm và đáp ứng với các kích thích có bản chất khác nhau bằng các cơn co giật.
  • Chấn thương sọ não.
  • Sốt cao, bệnh nhiễm khuẩn cấp (nhất là ở trẻ con)
  • Viêm màng não và viêm não.
  • RỐI loạn chuyển hoá: hạ đường huyết, nhiễm kiềm, urê huyết cao, hạ calci huyết.
  • Rối loạn nội tiết: nhược năng tuyến cận giáp.
  • Rối loạn thần kinh: tăng áp lực nội sọ có thể có các cơn co giật (xem thêm động kinh).
  • Rối loạn tuần hoàn: tai biến mạch não, hội chứng Adams-Stockes, hội chứng xoang cảnh, bệnh não gây tăng huyết áp.
  • Thuốc: dùng quá liều các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương (xem các thuốc này).
  • Ngộ độc: oxyd carbon, xăng, thuốc trừ sâu, kim loại nặng.
  • Hội chứng thiếu thuốc ở người nghiện ma tuý hay nghiện rượu.

Múa giật: là các cử động không ý thức hỗn loạn, bất ngờ, nhanh, có những lúc chậm lại và đổi hướng. Các cử động này có ở nhiều nhóm cơ ở xa nhau. Múa giật tăng lên khi xúc cảm và giảm khi làm động tác tuỳ ý. Nếu múa giật không rõ thì có thể làm cho rõ bằng cách bảo bệnh nhân giơ các bàn tay lên cao quá đầu hoặc giơ cao hai cánh tay. Người ta gọi là múa giật nửa người nếu chỉ có ở một bên. Múa giật có trong bệnh múa giật cấp tính của Sydenham, múa giật di truyền của Huntington, đôi khi trong viêm não, trong hội chứng đồi thị và hội chứng vùng dưới đồi.

Tổn thương hệ thần kinhTổn thương sợi cơ
1. Tổn thương và thoái hoá chủ yếu ở các đẩu chi.1. Tổn thương và thoái hoá chủ yếu ở các gốc chi.
2. Rung cơ.2. Không có rung cơ.
3. Phản xạ gân-xương thường bị mất.3. Thường vẵn còn phản xạ gân-xương.
4. Có thể có rối loạn cảm giác4. Không có rối loạn cảm giác.
5. Đáp ứng điện thay đổi.5. Đáp ứng điện bình thưởng.

Múa vờn: là các động tác không tuỳ ý, rất .chậm, thay đổi không ngừng và nối tiếp nhau liên tục, chủ yếu xuất hiện ở đầu chi. Đấy là các cử động duỗi, sấp, ngửa cánh tay, bàn tay và các ngón tay, có những co mạnh tiếp nối nhau. Người ta thường so sánh chúng với động tác rắn bò. Múa vờn được gặp trong bệnh múa vờn kép của Cécile Vogt và trong bệnh Wilson. Khi có tổn thương thể vân, có múa vờn ở một bên (múa vờn nửa người). Vẹo cổ co thắt và co thắt vặn là những thể múa vờn nặng.

Rối loạn vận động: là các động tác không tuỳ ý, có tính định hình, ít đột ngột hơn là các động tác múa giật nhưng nhanh hơn là các động tác múa vờn. Hay xảy ra sau khi dùng các dẫn xuất của phenothiazin (rối loạn vận động muộn).

Múa vung nửa thân: hiếm gặp, có các cử động không tuỳ ý, có biên độ rất rộng và mạnh của một nửa người bệnh nhân bị lú lẫn và cựa quậy. Phần lớn là hậu quả của tai biến mạch não, có vùng nhồi huyết có khi rất nhỏ nhưng gây tổn thương nhân dưới đồi thị (thể Luys) ở bên đối diện.

0/50 ratings
Bình luận đóng