Khái niệm
Chứng Thủy thấp tràn lan là tên gọi chung cho những chứng trạng do khí hóa không lợi dẫn đến thủy thấp ứ đọng, tràn lan ra cơ bắp làm cho đầu mặt, tay chân, ngực bạng, vai lưng và thân phù thũng. Chứng này phần nhiều do ngoại tà làm nghẽn trở dương khí, hoặc dương khí bất túc, khí không thúc đẩy thủy lưu thông, ứ đọng lại mà gây nên bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Thủy thấp tràn lan là hố mắt hơi phù như mới ngủ dậy, hoặc tay chân phù thũng, lúc đầu thì ấn vào chỗ thũng nổi lên ngay, tiếp theo lõm sâu lút ngón tay, thậm chí xuất hiện Hung thủy, phúc thủy, tiểu tiện không lợi, mình nặng ngực khó chịu, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Hoạt hoặc Trầm Trì.
Chứng này thường gặp trong bệnh biến thủy thũng.
Cần chẩn đoán phân biệt chứng Thủy thấp tràn lan với các”chứng Thủy ẩm ứ đọng ở trong”, “chứng thấp ngăn trở Tỳ Vị”, “chứng thủy với nhiệt câu kết”, “chứng thủy uất Hoàng hãn” v
Phân tích
Vì nguyên nhân bệnh, cơ chế bệnh và vị trí phát bệnh tạo nên chứng thủy thấp tràn lan khác nhau, nên biểu hiện lâm sàng đều khác nhau.
– Ví dụ trong bệnh biến Thủy thũng, nếu do thủy thấp thấm vào mà gây nên chứng Thủy thấp tràn lan, phần nhiều do lội nước dầm mưa, thủy thấp thấm vào trong, hoặc do ăn uống không điều độ, Tỳ bị thấp làm khốn đốn, dương khí bị chèn ép không phát triển được đến nỗi Tỳ không chế được thủy, thủy thấp đọng lại có chứng trạng tay chân phù thũng, mình nặng, ngực khó chịu, ăn không thấy ngon, buồn nôn, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Nhu; điều trị nên kiện Tỳ hóa thấp, thông dương lợi thủy, cho uống bài Ngũ linh tán (Thương hàn luận) hợp với Ngũ bì ẩm (Tam nhân phương)gia giảm.
Nếu Tỳ dương hư dẫn đến thủy thấp tràn lan, phần nhiều do thể trạng vốn Tỳ hư, lại bị tổn thương do ăn uống mệt nhọc, làm cho Tỳ dương không mạnh, trung khí hư tổn, khí không hóa thủy, Tỳ không phân bố chất tinh vi mà thủy thấp đọng lại, có.chứng phù thũng toàn thân, thũng từ lưng trở xuống ấn vào lõm sâu, sắc mặt úa vàng, mỏi mệt yếu sức, biếng ăn đại tiện nhão, ngực khó chịu, bụng trướng đầy, tiểu tiện không lợi, rêu lưỡi trắng nhớt mà trơn, lưỡi nhạt bệu, mạch Tế Nhu; điều trị phải làm phấn chấn Tỳ dương, ôn hóa thủy thấp, chọn dùng bài Sâm linh bạch truật tán (Thái bình huệ dàn hòa tễ cục phương) hoặc Thực Tỳ ẩm (Tế sinh phương) gia giảm.
– Do Thận dương bất túc dẫn đến chứng Thủy thấp tràn lan, phần nhiều vì phòng thất quá độ, Thận khí suy tổn, Thận chủ thủy, Thận hư thì thủy không ổn định mà đi bừa, sự mở đóng của Bàng quang kém làm cho tiểu tiện ít, đến nỗi thủy tràn lan ứ đọng, có chứng trạng sắc mặt trắng nhợt, toàn thân phù thũng, từ lưng trở xuống thũng rõ hơn, ấn vào ngập ngón tay, cơ thể ớn lạnh, chân tay lạnh, hồi hộp, động làm thì thở gấp, lưng đau mỏi nặng nề, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng nhớt mạch Trầm Trì, điều trị cần ôn Thận lợi thủy, cho uống Chân vũ thang (Thương hàn luận) gia giảm.
Thủy là âm; Thấp lại là âm tà; Thủy thấp chọi nhau dằng dai không rút, âm tà tràn lan, dương khí bị chèn ép cho nên đặc điểm của chứng này là Âm thịnh Dương vi. Lâm sàng có thể gặp ở người vốn thể trạng dương hư, dễ hình thành tình trạng dương hư không vận chuyển được, thủy thấp tràn lan.
Còn như ngoại thấp dẫn động nội thấp hoặc do ăn uống không điều độ, dùng bừa bãi thức sống lạnh, hoặc phòng thất quá độ, làm hao tổn nguyên dương dẫn đến Tỳ Thận dương hư, cũng thường phát sinh chứng này; Cần phải nhận rõ; Vị mặn tính lạnh đi vào Thận, ăn quá nhiều vị mặn tính lạnh thì tổn thương Thận khí, khí hóa bất lợi, ảnh hưởng tới sự mở đóng của Bàng Quang làm cho chứng này hay bị tái phát, đó là nhân tố trọng yếu của chứng này.
Công năng của ba Tạng Phế – Tỳ – Thận mất điều hòa, khí hóa Tam tiêu không lợi, mở đóng của Bàng quang kém đều là những bệnh cơ chủ yếu phát sinh chứng thủy thấp tràn lan, nói lên sự vận hành khí cơ của con người được thông thóang, thủy thấp mới không ứ đọng; Vì nguyên nhân tạo nên khí cơ không điều hòa có rất nhiều, cho nên chứng này có thể thấy kiêm chứng kết hợp với nhiều bệnh tà; như kiêm kết hợp với khí trệ, phần nhiều bị giao động về tình tự, khí cơ bị uất trệ; khí trệ thì thủy không lưu thông, khí không lưu thông thì có các chứng tiểu tiện sáp trệ, giỏ giọt, tiểu tiện không thông, điều trị phải dùng phương pháp khai thông khí cơ, hành khí hóa thủy.
– Lại như kiêm chứng huyết ứ, phần nhiều do khí hóa không lợi, huyết đi không thông lợi, sách Kim Quỹ yếu lược có câu nói “huyết không lợi thì là thủy”, có thể gặp trong bệnh cổ trướng do ứ huyết ở Can Tỳ, hoặc phụ nữ Can huyết không điều hòa gây nên chứng không thấy chu kỳ v.v. điều trị theo phép hành khí hóa thủy, hoạt huyết hóa ứ, chiếu cố cả đôi bên.
Dương hư thủy tràn lan là bệnh cơ chủ yếu của chứng này, phép điều trị thông thường là ôn vận lợi thủy; Nhưng loại thuốc ôn nhiệt, dễ hóa táo tổn tân dịch, nếu thấm lợi vô độ, công trục quá mạnh, thường tạo nên tình trạng nước rút mà tân dịch thiếu; Trong quá trình tật bệnh phát triển của chứng này, có thể từ dương khí hư suy diễn biến thành “K xuất hiện chứng trạng khắp mình phù thũng, tiểu tiện không lợi, miệng khô họng đau, tâm phiền chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhớt bẩn, mạch Tế, Hoạt Sác v.v. Vì vậy, phải nghiêm khắc với nguyên tắc “bệnh giảm quá nửa phải ngừng thuốc”, những loại công phạt mạnh tợn dùng phải cẩn thận. Chứng này kéo dài ngày, giai đoạn cuối có thể biểu hiện”Âm Dương đều hư” có các chứng trạng thũng trướng toàn thân, tinh thần uể oải, chóang đầu ù tai, lưng gối đau mỏi, cơ thể lạnh tay chân lạnh, lưỡi ít rêu tróc mảng, mạch Trầm Tế… Cuối cùng dẫn đến nước đục can thiệp, tà thịnh chính hư, xuất hiện tình trạng âm dương chia lìa…
Chẩn đoán phân biệt
– Chứng Thủy ẩm ứ đọng ở trong với chứng Thủy thấp tràn lan, cả hai đều là dương khí bất túc, phân bố thủy dịch thất thường gây nên bệnh biến, và cũng có các chứng trạng ngực khó khăn, nặng mình, rêu lưỡi trắng nhớt v.v…
Nhưng chứng Thủy ẩm ứ đọng ở trong chủ yếu là chỉ thủy ẩm ứ đọng ở ác bộ vị ngực bụng, Vị Trường và chân tay, khác với chứng Thủy thấp tràn lan, vì thủy thấp có thể tràn lan toàn thân. Loại trên lâm sàng có thể thấy chứng trạng trong dạ dày có tiếng nước, trong ruột sôi ùng ục, ho nhổ cũng đau, vùng lưng có mảng lạnh, diện tích bằng bàn tay: Còn loại sau thì biểu hiện chủ yếu là thủy thũng, tiểu tiện không lợi.
Chứng Thủy ẩm ứ đọng ở trong tuy cũng có lúc thấy phù thũng như chứng Dật ẩm chân tay nặng và thũng, nhưng nói chung phù thũng khá nhẹ, khác hẳn với chứng Thủy thấp tràn lan thũng trướng rất rõ ràng.
Chứng Thủy ẩm ứ đọng ở trong điều trị theo phép vận hóa thủy ẩm; Chứng Thủy thấp tràn lan thì điều trị theo phép Ôn dương lợi thủy; cần phân biệt hai loại ở điểm này.
– Chứng Thấp ngăn trở Tỳ Vị với chứng Thủy thấp tràn lan, cả hai đều có chứng trạng Tỳ dương không mạnh, thấp tà ngăn trở làm cho vùng ngực bụng khó chịu mình nặng, tiểu tiện sẻn ít. Nhưng chứng Thấp ngăn trở Tỳ Vị bộ vị bệnh biến chủ yếu là ở Trung tiêu, vì công năng vận hóa của Tỳ Vị không điều hòa mà xuất hiện các chứng trạng thấp tà bị ngăn trở ở trong như tinh thần mỏi mệt, chân tay buồn bã, ngực bụng trướng đầy, mình nặng, không thiết ăn uống, hoặc có chứng trạng sốt nhẹ, miệng nhớt, tiểu tiện sẻn ít, lưỡi nhớt, mạch Nhu; Bệnh phát về mùa Hạ còn gọi là “Chú Hạ”. Điểm chủ yếu để phân biệt với chứng Thủy thấp tràn lan là:
- Chứng Thấp ngăn trở Tỳ Vị bộ vị bệnh biến có giới hạn hoặc có đặc điểm phụ thuộc thời tiết theo mùa; Còn chứng Thủy thấp tràn lan mang tính chất thủy thấp toàn thân.
- Loại trên có chứng trạng chủ yếu là ngực bụng chướng đầy, không thiết ăn uống, mình nặng, tay chân buồn bã, về điều trị thì nên vận trung hóa thấp. Còn loại sau có chứng trạng chủ yếu là đầu mặt, tay chân phù thũng, tiểu tiện không lợi, về điểu trị thì nên ôn dương lợi thủy.
Thử thấp làm khốn Tỳ Vị ở trong cũng có lúc phù nhẹ ở vùng mặt hoặc chân tay có cảm giác căng trướng, đây là do đặc điểm của thời tiết thử thấp và thử tà rất dễ hao phí, tạo nên biểu hiện khí hư gây trướng, nhưng dứt khoát chỉ có phù nhẹ, hơn nữa là chứng trạng chỉ là thứ yếu: Cần phân biệt cho rõ hai loại này.
– Chứng Thủy nhiệt câu kết với chứng Thủy thấp tràn lan: Chứng Thủy nhiệt câu kết còn gọi là “chứng Kết Hung”, đây là do biểu chứng dùng thuốc Hạ nhầm, ngoại tà bị hãm vào trong, hóa nhiệt vào lý, cùng câu kết với thủy ở vùng ngực sườn, thậm chí từ dưới Tâm xuống đến bụng dưới rắn đau không chịu nổi, nhưng đầu hơi có mồi hôi, phiền táo đoản hơi, trong tâm cồn cào, miệng khô lưỡi ráo, đại tiện khô kết v.v… Điểm chẩn đoán phân biệt với chứng này là:
- Cả hai chứng tuy cùng là Thủy gây nên, nhưng loại trên là chỉ loại thủy nhiệt câu kết trong ngoại cảm nhiệt bệnh, bộ vị bệnh biến ở vùng bụng và ngực sườn; Loại sau là thủy thấp tràn lan trong tạp bệnh nội thương, bộ vị bệnh biến có tính chất toàn thân.
- Triệu chứng chủ yếu của loại trên là đau ngực sườn, cự án, nhưng đầu hơi có mồ hôi. Triệu chứng chủ yếu của loại sau là thũng trướng. Vì vậy chẩn đoán phân biệt hai loại bệnh không khó khăn.
– Chứng Thủy ứ câu kết với chứng Thủy thấp tràn lan: Chứng thủy ứ câu kết là chỉ chứng hậu “Can Tỳ huyết ứ” trong bệnh Cổ trướng. Vì Can Tỳ khí trệ lâu ngày làm cho lạc mạch bị ứ nghẽn, vận chuyển huyết bất lợi, Tỳ hư không vận chuyển mà Thủy thấp tụ ở trong Can huyết ngưng đọng ở trong nên huyết không thông lợi thủy, có chứng bụng to như cái chậu, ngực sườn trướng đau, nổi rõ gân xanh, ngực bụng đều có nước, sắc da đen sạm, khát không muốn uống, tiểu tiện không lợi, sắc lưỡi tía, có nốt ứ huyết, mạch Tế Hoạt hoặc Trầm Nhu. Điểm chủ yếu để phân biệt với chứng Thủy thấp tràn lan là:
- Cả hai loại đều biểu hiện thủy thấp tụ ở trong, tràn lan ra ngực bụng mà xuất hiện chứng trạng ngực bụng có nước, tiểu tiện không lợi. Nhưng loại trên bộ vị nước tràn lan chủ yếu ở vùng bụng; còn loại sau bộ vị nước tràn lan là toàn thân.Tạng Phủ chủ yếu gây bệnh biến chứng Thủy ứ câu kết là Can, Tỳ, Thận, còn ở chứng này là do công năng ba tạng Phế, Tỳ, Thận không điều hòa.
- Chứng Thủy ứ câu kết không chỉ có chứng trạng ngực, bụng có nước do thủy thấp tụ ở trong, mà còn biểu hiện có ứ huyết kết ở trong rất rõ ràng như bụng nổi gân xanh, đầu mặt, cổ gáy, vai lưng có dấu hiệu ứ huyết và sợi huyết mạng nhện, lòng bàn tay có vệt đỏ, chảy máu răng, lưỡi có nốt ứ huyết xanh tía. Dựa vào cơ sở đó mà chẩn đoán phân biệt.
– Chứng Thủy uất hoàng hãn với chứng thủy thấp tràn lan: chứng Thủy uất hoàng hãn còn gọi là”Hoàng hãn”; đây là do tà khí thủy thấp ngấm vào bì mao, thấp t chèn ép hóa nhiệt, thúc ép ra mồ hôi, có chứng trạng mình nóng ngực đầy chân tay đầu mặt phù thũng, thân thể đau nhức nặng nề, hai ống chân lạnh, ra mồ hôi sắc vàng, mạch Trầm Trì. Điểm chẩn đoán phân biệt với chứng Thủy thấp tràn lan là:
- Cả hai chứng tuy đều do tà khí thủy thấp làm nghẽn sự lưu thông của khí cơ nên xuất hiện chứng trạng chân tay đầu mặt phù thũng. Nhưng loại trên là thấp nhiệt chèn ép ẩn náu. Loại sau là dương khí bị uất át.
Bộ vị bệnh biến của loại trên là ở bì phu, trong bắp thịt.
Bộ vị bệnh biến của loại sau là ở ba tạng Phế Tỳ Thận.
Đặc điểm chủ yếu của chứng Thủy uất hoàng hãn là mồ hôi thấm ướt ra áo có sắc vàng hoàng bá. Còn điểm chủ yếu của chứng Thủy thấp tràn lan là phù thũng, tiểu tiện không lợi. Dựa vào các cơ sở đó mà phân biệt.
Trích dẫn y văn
– Bệnh Thủy lúc bắt đầu, mi mắt hơi sưng như mới ngủ dậy, động mạch ở cổ nổ rõ khi có cơn ho; bên trong vế cảm giác lạnh, ống chân phù, bụng cũng to… Đấy là đã hình thành bệnh Thủy (Thủy trướng – Linh Khu).
– Chứng Phong thủy, thủy do phong kích động, vì phong mà thành bệnh thủy vậy. Phong làm tổn thương bì mao mà thấp thấm vào khớp xương, cho nên mạch Phù ố phong mà khớp xương đau. Chứng Bì thủy, thủy trôi ở trong da, bên trong hợp với Phế khí cho nên mạch cũng Phù, không kiêm phong cho nên không có chứng sợ gió. Bụng to như cái trống, có ý nói bằng bẵng mà không cứng, là vì bệnh ở bì phu chứ không liên lụy đến Tạng, cho nên bên ngoài có vẻ trướng mà bên trong thì không suyễn đầy. Thủy ở bì (da) nên làm cho ra mồ hôi, cho nên mới nói nên phát hãn.
Chứng Chính thủy, là thứ nước ở tạng Thận vốn nhiều. Chứng Thạch thủy là nước tụ lại không lưu thông. Chính thủy nhân phần Dương bị hư mà xâm phạm Thượng tiêu, cho nên mạch Trầm Trì mà suyễn. Chứng Thạch thủy là do phần âm thịnh mà kết ở bụng dưới, cho nên mạch Trầm bụng đầy mà không suyễn.
Chứng Hoàng hãn, mồ hôi thấm áo có sắc vàng, bệnh do tà khí thấp và nhiệt câu kết mà thấp tà ở bên ngoài nhiệt tà, thịnh ở phần trên mà dương khí không lưu thông cho nên mình nóng, ngực đầy, chân tay đầu mặt thũng, bệnh để lâu thì xâm phạm vào lý mà sự vinh nhuận không thông, sẽ nghịch ở cơ bắp thịt mà thành ung nhọt (Thủy khí bệnh mạch chứng tính trị – Kim quỹ yếu lược tâm điển).
– Các loại bệnh do Thủy gây nên, về điều trị nên biến phương pháp phân tiêu biểu lý thượng hạ.
Thũng từ lưng trở lên là thủy ở bên ngoài, nên phát hãn thì khỏi, đó là chứng của các bài Việt Tỳ, Thanh long thang.
Thũng từ lưng trở xung, nên lợi tiểu tiện thì khỏi, đó là chứng của các bài Ngũ linh, Chư linh thang (Kim quỹ yếu lược chú- Y tông kim giám).