Nhận định chung

Nhiễm trùng đường tiểu là một bệnh nhiễm trùng thường gặp, xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào niệu đạo và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến thận và đường tiết niệu. Dòng chảy của nước tiểu là một lực cơ học giúp tống xuất vi khuẩn.

Nhiễm khuẩn đường tiểu đứng hàng thứ 3 sau nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm khuẩn tiêu hoá. Nữ thường dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu hơn nam. Nhiễm trùng đường tiểu xảy ra ở khoảng 5% trẻ em gái và 1- 2% ở trẻ em trai. Tỉ lệ mắc nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ sơ sinh vào khoảng 0,1 – 1% và tăng cao đến 10% ở trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu

Vi khuẩn: Escherichia coli (E. coli) gây nên 90% trường hợp nhiễm trùng đường tiểu. Các vi khuẩn khác gây nhiễm trùng đường tiểu bao gồm Proteus, Klebsiella…Proteus có thể gây sỏi.

Virus, nấm…

Yếu tố nguy cơ

Thủ thuật thông tiểu cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nếu ống thông lưu càng lâu ngày thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Vệ sinh không đúng cách.

Các yếu tố nguy cơ khác gồm:

+ Tắt nghẽn đường ra của bàng quang do sỏi.

+ Rối loạn chức năng bàng quang ví dụ chấn thương cột sống, bàng quang thần kinh…

+ Những dị tật đường tiết niệu như trào ngược bàng quang niệu quản… hẹp niệu đạo do bẩm sinh hoặc do chấn thương.

+ Suy giảm miễn dịch.

+ Đái tháo đường.

+ Hẹp bao quy đầu.

+ Sỏi thận.

+ Bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt).

+ Uống ít nước.

+ Táo bón.

+ Một số người có E.Colivới tuýp 1 Fimbria tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ bám vào tế bào lót bề mặt đường tiểu gây nên nhiễm trùng đường tiểu tái diễn.

Phân loại nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu được phân thành:

+ Nhiễm trùng đường tiểu dưới(còn gọi là viêm bàng quang).

+ Nhiễm trùng đường tiểu trên (còn gọi là viêm thận-bể thận cấp) có thể do nhiễm trùng ngược dòng từ bàng quang lên hoặc do từ dòng máu.

+ Nhiễm trùng đường tiểu không triệu chứng: không có triệu chứng lâm sàng, bạch cầu niệu âm tính, cấy nước tiểu 2 lần đều thấy vi khuẩn niệu dương tính. Một số tác giả phân thành nhiễm trùng đường tiểu tiên phát (không có dị tật tiết niệu) và nhiễm trùng đường tiểu thứ phát (có dị tật tiết niệu kèm theo).

Phác đồ điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

Điều trị nội khoa

Nhiễm trùng đường tiểu trên (viêm thận bể thận)

Trẻ dưới 1 tuổi: Nhập viện, điều trị kháng sinh tĩnh mạch > 3 ngày, hết sốt điều trị kháng sinh đường uống 11 ngày (tổng cộng 14 ngày). Cần thiết theo dõi để chắc chắn trẻ hồi phục hoàn toàn.

Kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 kết hợp aminoglycosid ví dụ: Ceftriaxon 50 mg / kg / ngày (tĩnh mạch chậm) hoặc Cefotaxim: 100 – 150 mg / kg / ngày chia mỗi 8 giờ + amikacin 15 mg/kg/ngày (tiêm bắp). Tiêm cho đến khi hết sốt thì dừng kháng sinh tiêm chuyển sang kháng sinh cùng nhóm dạng uống hoặc theo kháng sinh đồ cho đủ 14 ngày. Aminoglycosid không dùng lâu do nhóm này độc với thận, thường chỉ dùng 3 ngày trong nhiễm trùng đường tiểu không có dị tật thận tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiểu do bất thường giải phẫu hoặc có biến chứng tạo ổ mủ sâu cần phải phẫu thuật.

Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn (trên 2 lần nhiễm trùng đường tiểu trong một năm) hoặc nhiễm trùng đường tiểu có dị tật thận tiết niệu có thể điều trị kéo dài đến 6 tháng đôi khi đến cả 2 năm với kháng sinh lựa chọn là trimethoprim 2 mg/kg/ngày không quá 80 mg/ngày (tối) hoặc nitrofurantoin liều 2 mg/kg/ngày không quá 50 mg/ngày (tối).

Nhiễm trùng đường tiểu dưới (viêm bàng quang)

Do virus: chỉ điều trị vitamin C, kháng histamin, uống nhiều nước.

Do vi khuẩn: thường chỉ dùng kháng sinh đường uống là hiệu quả. Kháng sinh uống: (amoxicilin +a.clavulinic)Augmentin 50 mg/kg/ngày chia 2 lần, hoặc Cefuroxim 20 mg/kg/ngày chia 2 lần, hoặc cefixim 8 – 10 mg/kg/ngày chia làm 2 lần, thời gian 5 – 7 ngày.Theo dõi tế bào nước tiểu là biện pháp bắt buộc để đánh giá hiệu quả của điều trị.

Vi khuẩn đường niệu không triệu chứng

Không điều trị. Nghiên cứu thấy trẻ bị BC niệu không triệu chứng không điều trị không có nguy cơ bị viêm thận bể thận, hủy hoại thận.

Điều trị ngoại khoa

Khi có dị dạng: Tắc nghẽn gây ảnh hưởng chức năng thận, luồng trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ > 2 tuổi, khi có ổ mủ, áp xe trong thận điều trị kháng sinh không thuyên giảm cần tháo mủ.

Điều trị mới

Một số nghiên cứu chỉ ra probiotic cũng có vai trò hỗ trợ trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu. 100% trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu đều thiếu vitamin D nên vitamin D cần được gợi ý cho điều trị nhiễm trùng đường tiểu …

Điều trị dự phòng kháng sinh

Dự phòng: Khuyến cáo cho tất cả các trẻ sau nhiễm trùng đường tiểu lần đầu mà có chỉ định chụp bàng quang ngược dòng cho đến khi được chụp bàng quang. Điều trị phòng nhiễm trùng đường tiểu khi trẻ bị: luồng trào ngược bàng quang – niệu quản từ độ III trở lên; bệnh đường tiết niệu tắc nghẽn và tiền sử bị nhiễm trùng đường tiểu; nhiễm trùng đường tiểu tái phát (> 2 tuổi). Thuốc điều trị phòng chung là: Co-trimoxazole (2 mg/kg TMP 1 lần vào buổi tối); hoặc Nitrofurantoin (1-2 mg/kg/ngày) một lần / ngày vào tối trước ngủ Thời gian dự phòng phụ thuộc vào chỉ định: Khi trẻ bị luồng trào ngược bàng quang – niệu quản phòng liên tục cho tới khi: Luồng trào ngược tự khỏi hoặc luồng trào ngược được điều trị ngoại khoa.

Biến chứng của nhiễm trùng đường tiểu

Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, cao huyết áp, suy thận cấp, suy thận mạn.

0/50 ratings
Bình luận đóng