CÁNH KIẾN TRẮNG

Cánh kiến trắng

 Cánh kiến trắng

Tên khoa học: Styrax sp.
Họ Bồ đề – Styracaceae.
Việt Nam có 4 loài: Styrax tonkinensis Pierre, Styrax benzoin Dryand, Styrax agrestis G. Don, Styrax annamensis Guill.
Loài Styrax tonkenensis có nhiều nhất ở Việt Nam , tiết ra nhiều nhựa nhất, được Dược điển Việt Nam I công nhận.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây gỗ lớn cao 20 m, vỏ xám, láng, cành tròn, màu nâu, mặt trước có lông sau nhẵn. Lá mọc đối có cuống, gân lá hình lông chim. Phiến lá hình trứng hay hình mác, mặt trên nhẵn, xanh nhạt, mặt dưới trắng có lông sao, có 5-7 đôi gân phụ, nổi rõ ở mặt dưới.
Hoa xếp thành ngù, mọc ở nách và ngọn, có mùi thơm nhẹ. Tràng hợp thành ống 5 thuỳ xếp lợp, có lông tơ vàng. Nhị 10. Quả hình trứng có lông sao, phía dưới mang đài tồn tại.
Ra hoa tháng 5 – 6. Quả chín tháng 9 – 10.
Mọc trong rừng vùng trung du nhất là ở các nương rẫy các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phú, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá.
Bộ phận dùng
Nhựa – Benzoinum
Nhựa thơm để khô lấy ở thân. Nhựa thu hoạch vào lúc cây 10 tuổi, đường kính 20 – 25cm. Nên chích nhựa vào lúc cây ra hoa. Các mạch nhựa được hình thành ở trong vùng gỗ mới ngay sau tượng tầng. Các ống nhựa được xếp song song, kéo dài dọc thân cây. Nhựa là những cục rời nhau, màu trắng, vàng nhạt hoặc đỏ nhạt, đục, dễ bẻ, vạch móng tay được. Vết bẻ trông như sáp, màu trắng nhạt, để lâu trở thành nâu. Có mùi vani đặc biệt. Vị dịu sau cay và hăng.
Nhựa gần như không tan trong nước, tan một phần trong ether, tan hoàn toàn trong cồn.
Chỉ số acid 140 – 170.
Chỉ số xà phòng hoá 220 – 240.
Thành phần hoá học
Nhựa bồ đề gồm hơn 50 hợp chất, trong đó:
            Acid benzonic tự do     26,13%
            Acid cinnamic tự do      2,75%
            Vanilin              1,38%
            Benzyl benzoat             4,24%
            Cinnamyl cinnamat        1,81%
            Benzyl cinnamat            1,23%
            Alcol coniferilic
            Acid siaresinolic
Kiểm nghiệm
a. Hoá học: Đun bột cánh kiến trắng trong ống nghiệm, acid benzoic đọng rồi kết tinh ở thành ống.
– Lấy 0,50 g cánh kiến tán nhỏ, đun sôi với 25ml nước và lắc trong 2-3 phút. Lọc qua bông và lấy 5ml dịch lọc. Thêm 4 giọt thuốc thử Milon và đun đến khi bắt đầu sôi: Xuất hiện màu đỏ tía, bền vững (vanilin).
b. Sắc ký lớp mỏng silicagen: Nhựa cánh kiến trắng cho các Rf như sau:
            Ethyl acetat – n-hexan (3:7)       Aceton-chloroform (1:9)           Acid siaresiolic 0,18     0,41     Vanilin 0,28     0,68            Acid cinnamic   0,37     0,46     Acid benzoic    0,44     0,55     Alcol cinnamic  0,45     0,59     Alcol benzylic   0,50            0,61     Cinnamyl          0,78     0,88     cinnamat                                   (Hiện màu bằng vanilin – H2SO4)
Công dụng
Chữa ho, long đờm, chữa trúng hàn người lạnh toát.
Uống 0,5 – 2g dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, siro.
Dung dịch cánh kiến trắng trong cồn dùng làm thuốc xông chữa ho, khản cổ, hoặc pha với nước bôi ngoài chữa vú nứt nẻ.
Cánh kiến trắng còn dùng

làm hương liệu.

Bồ đề là cây công nghiệp dễ phát triển , mọc nhanh, có giá trị kinh tế, dùng trong ngành gỗ dán, gỗ diêm, bột giấy, và làm nguyên liêu chế sợi nhân tạo.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

0/50 ratings
Bình luận đóng