CAM
Tên khoa học: Cirus sinensis (L.) Osbeck
(C. aurantium L.var. sinensis L.)
Họ Cam – Rutaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây nhỡ, ít hoặc không có gai. Lá mọc so le, cuống lá có cánh nhỏ. Hoa màu trắng, mọc thành chùm từ 6-8 hoa ở kẽ lá. Quả hình cầu, khi chín có màu vàng da cam.
Trên thế giới, cam được trồng ở các nước vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Quốc và các vùng Đông Nam Á. Bang Florida (Mỹ) và Brazin là vùng sản xuất cam lớn nhất thế giới. Tại những vùng này có đến 90% sản lượng quả được chế biến nước ngọt, đồng thời sử dụng vỏ để chế biến tinh dầu, pectin và các hợp chất flavonoid.
Sản lượng thế giới hàng năm khoảng 40 triệu tấn. Các nước vùng Đông Nam Á: Indonesia 350.000 tấn, Thái Lan 55.000 tấn, Lào 33.000 tấn, Philipin 20.000 tấn, Malasia 9.000 tấn, Việt Nam 116.000 tấn.
Trồng trọt và thu hái
Trồng bằng hạt hoặc chiết cành. Thu hoạch vào ngày nắng ráo, khi 1/3 số lượng quả trên cây đã chuyển sang màu vàng. Năng suất quả ở Việt Nam đạt 8.000-10.000 kg/ha. Tại bang Florida (Mỹ) đạt 40.000 kg/ha.
Bộ phận dùng
– Vỏ quả.
– Dịch quả.
– Các hợp chất flavonoid, pectin
– Tinh dầu vỏ – Oleum Auranti Dulcis
– Tinh dầu hoa.
Thành phần hoá học
– Trong phần ăn được của quả cam có chứa: Nước 80-90%, protid 1,3%, lipid 0,1 – 0,3%, đường 12-12,7%, vitamin C 45-61mg%, acid citric 0,5-2%.
– Vỏ cam có chứa: Các hợp chất flavonoid, pectin, tinh dầu (0,5%). Tinh dầu vỏ cam, Oleum Auranti Dulcis, với tên thương phẩm là Orange oil là chất lỏng màu vàng hoặc nâu vàng, mùi thơm, vị không đắng. Các chỉ số của tinh dầu: d15: 0,848 – 0,853,D20: +91,300 đến 990,nD20: 1,4730 – 1,4742. Thành phần chính là limonen (90%), các alcol, aldehyd (< 3%) gồm citral và decylaldehyd.
– Hoa cam có chứa tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu hoa cam là limonen, linalol, methylanthranilat (0,3%).
Ở Việt Nam, tinh dầu vỏ cam được điều chế bằng phương pháp cất, thoả mãn một phần nhỏ nhu cầu của kỹ nghệ bánh kẹo. Tinh dầu vỏ cam Việt Nam có chứa 19 thành phần, trong đó limonen 91%, các alcol 2,6%, các aldehyd 1,2%.
Tinh dầu hoa cam ở Việt Nam chưa được sản xuất.
Công dụng
Ngoài nhu cầu về quả tươi ăn hàng ngày, cam còn được sử dụng dưới các sản phẩm:
– Vỏ cam phơi khô gọi là thanh bì có tác dụng hành khí, giảm đau, kiện vị, kích thích tiêu hoá.
– Các hợp chất flavonoid có tác dụng vitamin P.
– Pectin.
– Tinh dầu vỏ quả, làm thơm thuốc, dùng trong kỹ nghệ pha chế đồ uống, kỹ nghệ pha chế
nước hoa, mỹ phẩm, kỹ nghệ hương liệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật