Gọi là bánh cuốn vì mỗi chiếc bánh sau khi tráng chín được gói nhân bên trong, cuốn lại và xếp vào đĩa. Món bánh cuốn thường phải được dùng nóng, bánh mỏng, bột dẻo, hơi trong và thơm mùi vị của nhân thịt bên trong bánh. Đây là món điểm tâm phổ biến ở thành phố, nhẹ nhàng, thanh cảnh, không quá ngấy dầu mỡ mà vẫn no bụng, đầy đủ dinh dưỡng…
Nguyên liệu
500g bột gạo tẻ
300g bột năng
300g thịt nạc dăm
100g chả lụa
Nấm mèo, củ hành tây, hành tím
Muối, tiêu, đường, bột ngọt
Nước mắm pha: nước mắm, tỏi, chanh, ớt, đường
Giá, rau quế, ngò rí, hành phi
Cách làm
Chuẩn bị bột: Trộn bột gạo với bột năng, cho nước vào từ từ, khuấy đều với nước theo tỷ lệ: 1 phần bột, 2 phần nước. Lọc bột lại cho sạch bụi bẩn, nêm muối, bột ngọt. Giá trụng sơ, rau quế xắt nhuyễn, ngò xắt ngắn.
Làm nhân: Thịt nạc dăm xắt nhỏ, băm sơ qua với nấm mèo, hành tây. ướp thịt với hành tím, muối tiêu và một chút đường. Chả lụa xắt hạt lựu. Phi hành cho thơm, cho thịt, hành tây, nấm mèo vào xào chín, cho chả lụa vào trộn chung.
Làm nước mắm pha ăn với bánh cuốn: Nước mắm pha dùng với bánh cuốn có vị ngọt và chua nhẹ của chanh, được thực hiện với công thức sau: 3 muỗng canh nước mắm, 2/3 chén nước chín, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh giấm, 1 tép tỏi băm nhỏ, 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, hòa tan nước, đường, giấm, nước mắm với nhau, khuấy cho tan đường. Vắt chanh và cho tỏi băm vào. Khi dọn ra mới cho ớt băm vào cho hấp dẫn.
Tráng bánh: Đặt nồi tráng bánh có đường kính khoảng 30cm lên bếp. Đợi nước trong nồi thật sôi, tráng từng bánh tròn theo khuôn vải trên miệng nồi. Đậy nắp lại, khoảng 1 phút là bánh chín. Dùng thanh tre mỏng để gỡ bánh ra, cho ngay lên mâm có thoa dầu để bánh không bị dính.
Gói bánh: Chia bánh làm đôi. Cho nhân vào mỗi nửa bánh. Gấp mí bánh lại cho kín phần nhân, xếp ra đĩa.
Trình bày
Xếp mỗi đĩa khoảng 6′ 8 bánh, một bên cho giá trụng, rau quế, trên rắc ngò rí và hành phi. Dọn kèm với chén nước mắm pha.