Cơ chế tác dụng
Các thuốc “dạng” nucleoside (“nukes”) được quy vào nhóm thuốc ức chế men sao chép ngược. Đích tác động của chúng là men sao chép ngược của HIV. Chúng chỉ có khác biệt nhỏ ở phân tử ribose so với các nucleoside bình thường nên chúng là cơ chất thay thế cho những phân tử này, do vậy chúng hoạt động nhờ cơ chế cạnh tranh. Khi các thuốc này có mặt trong phân tử ADN, quá trình tổng hợp ADN sẽ bị ngừng trệ vì không thể hình thành được liên kết phosphodiester để hình thành chuỗi xoắn kép ADN.
Các thuốc nucleoside là các “tiền chất”, tức là chúng được hấp thu dưới dạng nguyên thủy và chỉ được hoạt hóa sau khi gắn thêm 3 gốc phosphate nhờ quá trình phosphoryl hoá nội bào theo từng bước. Chính dạng triphosphate này mới là dạng có hiệu lực. AZT và d4T tương tự thymidine còn ddC, FTC và 3TC tương tự cytidine.
Kiểu phối hợp AZT + d4T hoặc FTC + 3TC không có ý nghĩa bởi vì cả hai thuốc đó đều cạnh tranh vào cùng một đích (Havlir 2002). ddI là một thuốc tương tự inosine khi bị chuyển hoá sẽ thành dideoxyadenosine, abacavir là thuốc tương tự guanosine. Có sự kháng chéo ở mức độ cao giữa các thuốc tương tự nucleoside. (Xem “Kháng thuốc” ).
Các thuốc nucleosid là những thuốc đầu tiên được dùng trong điều trị HIV và do đó phần lớn kinh nghiệm có được là từ các thuốc này. Chúng tương đối dễ dùng, hầu hết đều có thể uống 1 lần trong ngày. Thuốc được dung nạp ban đầu khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ nhất định phàn nàn về những biểu hiện mệt mỏi, đau đầu hay các rối loạn về dạ dày ruột bao gồm từ cảm giác đầy bụng, đến buồn nôn, nôn hay tiêu chảy trong tuần đầu dùng thuốc. Các rối loạn về tiêu hoá có thể giải quyết dễ dàng bằng cách dùng các thuốc điều trị triệu chứng. (Xem “Tác dụng phụ”).
Tuy vậy các thuốc nucleoside có thể gây nhiều tác dụng phụ khi điều trị kéo dài, bao gồm nhiễm độc thần kinh, toan lactic, viêm đa dây thần kinh và viêm tuỵ. Mặc dù ban đầu rối loạn phân bố mỡ được quy cho việc điều trị bằng thuốc ức chế protease nhưng thực ra có nhiều rối loạn về chuyển hoá (đặc biệt là teo mỡ) hiện cũng được cho là đặc tính của thuốc nucleoside (Galli 2002). Có lẽ chúng liên quan đến ngộ độc ty thể – một cơ chế dược mô tả lần đầu năm 1999 bởi Brinkmann. Hoạt động chức năng của ty thể cần đến nucleoside. Quá trình chuyển hoá của cơ quan quan trọng này bị rối loạn do việc sử dụng phải nucleoside “giả” dẫn đến sự thoái hoá của ty thể. Các thuốc khác nhau có thể gây ngộ độc ty thể ở mức độ khác nhau.
Các thuốc nucleoside thải trừ chủ yếu qua thận và không tương tác với các thuốc chuyển hoá nhờ các enzyme của gan. Bởi vậy các thuốc này ít có tương tác thuốc, tuy vậy cũng có một số thuốc ví dụ như ribavirin làm giảm sự phosphorin hoá AZT và d4T trong tế bào (Piscitelli 2001). Ngược lại với NNRTI và PI, các NRTI phải chỉnh liều khi suy thận.