Mục lục
Điều trị tấn công ban đầu
Là phương pháp sử dụng các thuốc chống ung thư cho các ung thư giai đoạn muộn (lan rộng tại chỗ hoặc di căn) hoặc những bệnh mà điều trị hệ thống là phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả (như các bệnh bạch cầu cấp). Đối với đa số các trường hợp giai đoạn muộn, điều trị hệ thống chủ yếu nhằm giảm nhẹ các triệu chứng liên quan với khối u, cải thiện chất lượng sống và thời gian sống của bệnh nhân. Trong một số trường hợp giai đoạn muộn, điều trị hệ thống cũng nhằm mục đích điều trị triệt để do có khả năng làm lui bệnh hoàn toàn. Các bệnh có thể được điều trị triệt để dù ở giai đoạn muộn như u lympho ác tính không Hodgkin và bệnh Hodgkin, các u tế bào mầm. ung thư nhau thai, bệnh bạch cầu lympho cấp ở trẻ em…
Điều trị tân bổ trợ
Là phương pháp sử dụng các thuốc chống ung thư cho các bệnh nhân bệnh còn biểu hiện tại vùng trước khi tiến hành các biện pháp điều trị tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị). Phương pháp nhằm mục đích làm nhỏ bớt khối u, giúp thực hiện các biện pháp điều trị tại chỗ dễ dàng hơn hoặc có thể bảo tồn được cơ quan, bộ phận có khối u.
Điều trị bổ trợ
Là phương pháp điều trị hệ thống sau khi đã điều trị triệt căn bằng các phương pháp điều trị tại chỗ. Bệnh tái phát (tại chỗ, toàn thân) sau điều trị triệt căn tại chỗ chủ yếu do sự tồn tại các vi di căn tiềm ẩn đã có mặt khi bệnh được chẩn đoán. Sử dụng các thuốc chống ung thư bổ trợ sau điều trị tại chỗ nhằm mục đích tiêu diệt các ổ vi di căn này, làm giảm nguy cơ tái phát, tăng thời gian sống của bệnh nhân.
Điều trị bổ trợ có cơ sở là các khối u nhỏ dễ bị loại bỏ khi tiếp xúc với thuốc hơn là các khối u lớn. hơn nữa thuốc dễ dàng ngấm vào u nhỏ hơn so với u lớn. Bên cạnh đó khả năng kháng thuốc do đột biến cũng thấp hơn khi số lượng tế bào u ít hơn. Vì vậy khi khối u chính đã được lấy đi thì bất kỳ thành phần còn lại nào của bệnh không phát hiện được trên lâm sàng nên được loại bỏ tiếp bằng thuốc.
Hai yếu tố cơ bản cần được xem xét khi điều trị bổ trợ là:
Thuốc hoặc phác đồ phối hợp thuốc phải được chứng minh có tác dụng điều trị bệnh ở giai đoạn muộn vì trong tình huống “bổ trợ” không còn bệnh tích để đánh giá.
Các bệnh nhân chỉ được điều trị tại chỗ đơn thuần có nguy cơ tái phát, di căn.
Hiện nay, ngoài các thuốc hoá chất và nội tiết đã được áp dụng rộng rãi trong điều trị bổ trợ, người ta cũng đã sử dụng kháng thể đơn dòng và các sản phẩm sinh học kết hợp cùng với các hoá chất để điều trị một số bệnh như ung thư vú, đại- trực tràng.
Điều trị tại chỗ, tại vùng
Là phương pháp đưa thuốc chống ung thư trực tiếp vào khối u hoặc khoang cơ thể có khối u hoặc bơm thuốc vào mạch cung cấp máu cho vùng có khối u. Phương pháp có mục đích làm tăng nồng độ thuốc tại khối u trong khi giảm thiểu được tác dụng độc với toàn thân của thuốc. Một số loại u hiện đang được điều trị theo phương pháp này như ung thư bàng quang, ung thư gan, ung thư lưỡi, bệnh bạch cầu…
Điều trị hoá chất liều cao
Là phương pháp sử dụng các hoá chất với liều cao hơn liều thông dùng để tiêu diệt nhiều tế bào ác tính hơn, tăng khả năng chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Tuy vậy, các độc tính của điều trị liều cao đặc biệt là suy tuỷ cũng tăng lên so với điều trị liều thông thường. Phương pháp điều trị cần đi cùng với các biện pháp hỗ trợ tích cực để ngăn ngừa hoặc giải nguy các độc tính như ghép tế bào gốc, sử dụng các thuốc kích thích các dòng tế bào máu, truyền máu và các sản phẩm của máu, các thuốc kháng sinh, kháng nấm v.v.