Nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hoá hoàn toàn có các biến chứng tương đối hay xảy ra và nặng, do đó người ta có thể tìm những tĩnh mạch nông, ngoại vi, ở cánh tay hoặc cẳng tay để nuôi dưỡng những bệnh nhân mà quá trình dị hoá protein của cơ thể vẫn bình thường và ổn định, đó là: những bệnh không tiến triển, không có sốt, các mô không bị phá huỷ, không phải bệnh chấn thương, không phải bỏng. Cung cấp calo bằng đường tĩnh mạch nông như vậy nếu tối đa là 2000 kcal, với nồng độ glucose không vượt quá 5%, thì sẽ không có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Ví dụ, có thể truyền những dung dịch dưới đây:

  • Glucose 5%: 2000ml = 340 kcal.
  • Acid amin 3-4% trong 2000 ml
  • glucose 5% = khoảng 220-300 kcal.
  • Nhũ tương lipid 10%: 500 ml = 500 kcal.
  • Chất điện giải tuỳ theo nhu cầu.
  • Các chế phẩm đa vitamin.

Phối hợp các dịch dinh dưỡng như trên chỉ cung cấp cho bệnh nhân mỗi ngày 1000-1100 kcal. Đối với những bệnh nhân không có chống chỉ định truyền nhũ tương lipid, thì có thể tăng mức truyền nhũ tương này, nhưng lượng calo từ chất béo không được vượt quá 50% tổng lượng calo cung cấp cho bệnh nhân do truyền các dịch. Những kim truyền và ống truyền (catheter) ngắn được đặt vào các tĩnh mạch phụ để tiết kiệm mạng tĩnh mạch cho bệnh nhân. Cứ 24-48 giờ lại phải thay đổi tĩnh mạch một lần.

Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nông cũng có thể là cách bổ sung thêm cho cách ăn không đủ bằng đường miệng hoặc bằng ống thông dạ dày.

Nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch thời hạn ngắn

Khi bệnh nhân phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch không quá 2- 3 ngày, ví dụ sau phẫu thuật, thì chỉ cần cho 100g glucose mỗi ngày để làm giảm quá trình dị hoá protein trong cơ thể, và để bù lại tình trạng mất nước và chất điện giải, nhất là mất kali.

0/50 ratings
Bình luận đóng