CÁ NGỰA (海马)
Hippocampus
Vị thuốc Cá ngựa
Tên khác: Hải mã, Thủy mã.
Tên khoa học: Hippocampus kelloggi Jordan et Snyder (Khắc thị hải mã), Hippocampus histrix Kaup (Thích hải mã), Hippocampus kuda Bleeker (Đại hải mã), Hippocampus tricumalatus Leach (Tam ban hải mã)…, họ Hải long (Syngnathidae).
Bộ phận dùng: Vị thuốc là toàn thân bỏ ruột phơi khô của một số loài Cá ngựa: Hippocampus kelloggi Jordan et Snyder (Khắc thị hải mã), Hippocampus histrix Kaup (Thích hải mã), Hippocampus kuda Bleeker (Đại hải mã), Hippocampus tricumalatus Leach (Tam ban hải mã)…, họ Hải long (Syngnathidae).
Mô tả: Cá ngựa có thân hình hơi dẹt, dài và cong. Toàn thân dài khoảng 15 – 20 cm, có khi hơn; phần phình to ở giữa thân rộng từ 2 – 4 cm; màu vàng nhạt hoặc nâu đen. Thân và đuôi chia thành các ô hình chữ nhật, các ô này được tạo bởi các đốt xương vòng song song; ở đỉnh các đốt thân có các gai nhọn, thân có 7 gờ dọc, đuôi cuộn lại ở cuối và chỉ có 4 gờ. Đầu hơi giống hình đầu ngựa, giữa đầu có các gai to nhô lên. Miệng dài như một cái vòi, không có răng, hai mắt lõm sâu. Thể nhẹ, chất xương, cứng rắn, hơi có mùi tanh, vị hơi mặn. Cá ngựa loại to, đầu đuôi đầy đủ, không có sâu mọt là loại tốt.
Phân bố: Vùng biển nước ta có một số loài Cá ngựa đang được khai thác và sử dụng.
Thu hái: Hai mùa hạ, thu, bắt cá ngựa về rửa sạch, loại bỏ màng da, bỏ ruột, uốn cong đuôi rồi phơi khô, thường buộc lại từng đôi một (1 con đực, 1 con cái).
Tác dụng dược lý:
Hoạt tính nội tiết: Các chất ly trích tử hải mã bằng alcohol có hoạt tính kéo dài thời gian rụng trứng, tăng trọng lượng của tử cung và buồng trứng nơi chuột cái thử nghiệm. Chất này có các hoạt động loại androgen trên các tuyến nhiếp hộ và dịch hoàn. Các hoạt tính này yếu hơn Dâm dương hoắc (Ying-yang-huo= Herbi Epimedii), Xà xàng tử (She chuang zi= Fructus Cnidii Monnieri) nhưng mạnh hơi chất ly trích từ Tắc kè. (Dan Bensky, Chinese Herbal Medicine Materia Medica trang 356).
Tác động về tình dục: Chất ly trích hải mã bằng alcohol giúp kéo dài thời gian ân ái nơi chuột thữ nghiệm.
Thành phần hoá học: Protid, lipid.
Công năng: Ôn thận tráng dương, tán kết tiêu sưng.
Công dụng: Thuốc bổ, kích thích sinh dục, chữa liệt dương, phụ nữ khó mang thai, đau lưng mỏi gối, báng bụng. Dùng ngoài chữa đinh độc, u nhọt.
Cách dùng, liều lượng: 4 – 10g một ngày. Dạng thuốc sắc, bột, rượu, thuốc hoàn.
Bào chế: Loại bỏ tạp chất, vụn nhỏ, khi dùng giã nát, tán bột. Thường vặt bỏ gai trên đầu, tẩm rượu, hơ hoặc sao kỹ với cám, tán nhỏ để dùng hoặc ngâm rượu với thuốc khác để uống.
Bài thuốc:
1. Trị ho-suyễn, thở khò khè: Sắc 5 gram cá ngựa với 10 gram Đương quy trong 200 ml nước, đến khi còn 50 ml. Uống mỗi ngày.
2. Chữa sưng thận kinh niên: Dùng 1 con cá ngựa, rang khô đến khi chín vàng, tán thành bột. Lấy 1 quả thận heo, xẻ đôi rửa sạch, nhồi bột cá ngựa vào, cột
chặt và hấp cách thủy. Ăn trong ngày, liên tục trong 2 tuần.
3. Chữa liệt dương: Ngâm trong 1 lít rược trắng hay vodka 30 gram bột cá ngựa, 30g ban long sâm, 20 g cốt toái bổ, 20 g long nhãn. Ngâm 5-7 ngày (hay lâu hơn càng tốt). Uống mỗi ngày 20-40 ml.
Ghi chú: Cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.