SÂM NGỌC LINH Panax vietnamensis Ha et Grushv, 1985 Họ: Ngũ gia bì Araliaceae Bộ: Hoa tán Apiales
Mô tả:
Cỏ sống lâu năm, có 1 – 4 thân khí sinh., cao đến 1,1 m. Thân rễ mập, đường kính 3,5cm, đôi khi phần cuối thân rễ có một củ hình cầu, lá mọc vòng, mỗi vòng có 4 (ít khi 3, 5,6) lá kép chân vịt, có 5 (ít khi 6 – 7) lá chét hình trứng ngược hoặc hình mác, dài 8 – 14cm, ộng 3 – 5cm, mép có răng cưa. Cuống cụm hoa dài 25cm, gấp 1,5 – 2 lần chiều dài cuống lá, thường mang một tán đơn độc ở tận cùng, đôi khi có thêm được 1 – 4 tán phụ hoặc hoa đơn độc. Hoa có 5 cánh hoa, 5 nhị. Bầu thường có 1 ô và một vòi, đôi khi 2 ô, 2 vòi. Quả chín màu đỏ thường có một chấm đen ở đỉnh quả, quả có một hạt hình thận, đôi khi có 2 hạt hình cầu hơi dẹt.
Sinh học:
Mùa hoa tháng 4 – 6, mùa quả chín tháng 7 – 8. Cây tái sinh bằng hạt và bằng các đoạn thân rễ.
Nơi sống và sinh thái:
Mọc rất rải rác dưới tán rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở núi cao trung bình 1700 – 1900 m, ưa ẩm và trên đất có nhiều mùn.
Phân bố:
Loài đặc hữu hẹp của Việt Nam, mới chỉ gặp ở: Quảng Nam – Đà Nẵng (Trà My, Trà Lĩnh, Trà Giang), Kontum (Đắc Glây, núi Ngọc Linh), Lâm Đồng (Lạc Dương: núi Langbian).
Giá trị:
Nguồn gen qúy, hiếm. Cây thuốc tăng lực, phục hồi sức khỏe và chữa được nhiều bệnh như: suy nhược cơ thể, thần kinh và một số bệnh khác.
Tình trạng:
Đang nguy cấp. Cây vốn có vùng phân bố rất hẹp và mọc rất rải rác, lại bị săn tìm ráo riết để thu hái thuốc nên số lượng cá thể giảm sút xuống rất nhanh chóng, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.Mức độ đe dọa: Bậc E.
Đề nghị biện pháp bảo vệ:
Bảo

vệ nguyên vẹn trong khu rừng cấm Ngọc Linh cũng như một số khu rừng trên núi có loài sâm rất hiếm này, đồng thời tích cực nghiên cứu thuần hóa để có nguồn nguyên liệu thuốc dồi dào và ổn định.

Nguồn tin: Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam – trang 20

0/50 ratings
Bình luận đóng