BÔNG
Gossypium
Cây bông thuộc chi Gossypium; họ bông – Malvaceae. Bông có nhiều thứ do lai tạo từ 4 loài chính:
G. herbaceum L.
G. arboreum L.
G. barbadense L.
G. hirsutum L.
Hai loài trên thuộc nguồn gốc châu Á.
Hai loài dưới thuộc nguồn gốc châu Mỹ.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Bông thuộc loại cây nhỡ cao 1-3m, cây mọc hàng năm hoặc nhiều năm. Lá mọc so le có cuống dài, phiến lá thường chia làm 5 thuỳ, gân lá hình chân vịt. Hoa mọc ở nách lá. Đài hoa dính liền, có một đài con gồm các lá hình tim có răng. Tràng tiền khai vặn, có 5 cánh hoa có màu sắc thay đổi: vàng, hồng, tía. Nhị nhiều, dính nhau thành ống. Quả nang hình trứng nhọn về phía trên. Có 3 -5 ô, mỗi ô có 5-7 hạt. Hạt hình trứng, bao bọc bởi sợi bông màu trắng. Cũng có loài bông có sợi màu vàng, vàng cam. Ở Liên Xô cũ, người ta đã tạo được loài bông màu xanh, màu nâu ở quy mô thí nghiệm.
Loài người đã biết trồng bông 3000 năm T.C.N. Bông trồng vào tháng 1-2 và sau 5-6 tháng thì thu hoạch. Hàng năm thế giới sản xuất trên 10 triệu tấn. Các nước sản xuất nhiều bông là Ấn Độ, Ai Cập. Nước ta đã hình thành một số vùng chuyên canh bông như Daklak, Ninh Thuận, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Phú Khánh. Một hecta đã trồng màu có thể trồng xen khoảng 35.000 cây bông. Công ty bông Việt Nam đang nghiên cứu giống Bioseed 7 của Ấn Độ và một số giống bông khác cho năng suất cao hơn gấp 2-3 lần giống bông trước đây. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án đến năm 2000 sẽ đưa diện tích trồng bông lên 100.000 hecta với sản lượng 74.000 tấn bông xơ/năm. Vào năm 2020 diện tích sẽ tăng lên 180.000 hecta để có thể đạt sản lượng 170.000 tấn bông xơ/năm.
Bộ phận dùng và công dụng
Sợi bông. Sợi bông là lớp bông bên ngoài của vỏ hạt. Mỗi hạt mang từ 5.000 đến 10.000 bông. Lông đơn bào rất dài: 1-5cm. Sợi dài chắc và loại tốt. Sợi dưới 25mm là loại ngắn, từ 25-30mm là loại trung bình, từ 30-50mm là loại dài. Soi dưới kính hiển vi sẽ thấy sợi bông rỗng ở giữa tạo thành mao quản do đó sợi bông có tính hút nước nhưng với điều kiện là phải tẩy sạch chất béo của thành tế bào lông. Sợi bông dẹt nhọn ở đầu và thỉnh thoang có đoạn bị vặn xoắn. Nếu đặt sợi bông trong một dung dịch đồng oxyd trong ammoniac sẽ thấy sợi bông nở ra từng khúc rồi dần dần bị tan đi và chỉ còn lại phần cutin. Sợi bông nhuộm màu hồng tím với dung dịch kẽm chloroiodid. Thấm ẩm với dung dịch với dung dịch iod N/50, để gần khô thêm acid sulfuric 80% sẽ có màu xanh. Thành phần chủ yếu của sợi bông là cellulose (chiếm đến 98%) kèm theo khoảng 1% chất vô cơ, một ít pectin, protein, chất béo.
Trong y học bông được chia làm 2 loại: bông xơ và bông hút nước.
Bông xơ là bông tự nhiên đã được cán để loại hạt hay nhặt sạch tạp chất, bật thành lớp đều và không chế biến gì thêm. Loại này không hút nước, dùng làm êm khi băng bó, dùng làm nút các ống, các bình đựng môi trường nuôi cấy vi khuẩn, nấm mốc.
Bông hút nước là bông đã loại hết chất béo rồi tẩy trắng phơi khô, bật thành lớp. Bông hút nước dùng để băng bó các vết thương, dệt gạc. Bông hút nước phải đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam về: tốc độ hút nước, giới hạn chất tan trong nước, acid-kiềm, chlorid, sulfat, calci, chất béo, chất màu, độ ẩm, độ tro.
Hạt bông. Cho đến đầu thế kỷ XIX người ta chỉ lấy sợi bông, còn hạt thì bỏ đi. Ngày nay hạt được sử dụng để ép lấy dầu với tỉ lệ khoảng 15%. Dầu thuộc loại nửa khô, thành phần có những acyl glycerol của các acid béo chưa no: acid oleic 40-50%, linoleic 25-30% và các acdi béo no: acid palmitic, stearic 20-30%.
Trong công nhiệp, dầu bông dùng làm xà phòng và để pha sơn. Khô dầu chứa nhiều protein (50%) trong đó có đủ các amino acid cần thiết. Trong khô dầu còn có các sắc tố: flavonoid (glycosid của quercetol và kaemferol) và đặc biệt có một sắc tố màu đỏ cam là gossypol (1% của nhân). Chất gossypol có công thức : 2,2 bis 1,6,7, trihydroxy, 3 methyl 5-isopropyl, 8-aldehydonapthyl, có trục bất đối xứng có thể phân thành 2 đồng phân (+)gossypol và (–)gossypol, không tan trong nước, tan trong ether và chloroform, dễ bị nhiệt phâ huỷ nên dễ bị loại ra khỏi dầu và khô dầu. Gossypol có độc tính với tế bào, nó kết hợp với nhóm amin của lysin trong cấu trúc protein. Thí nghiệm trên súc vật đực, người ta thấy gossypol làm giảm số lượng tinh trùng đáng kể, làm giảm lượng testosteron. Trên súc vật cái cũng có tác dụng chống thụ tinh. Cũng thí nghiệm trên súc vật, thấy rằng (+)gossypol ít tác dụng nên người ta cho rằng (–)gossypol có lẽ có tác dụng tốt hơn đồng phân racemic mà người ta đã dùng trong các thí nghiệm trước đây. Ở Trung Quốc đã có thử nghiệm trên hàng ngàn người tình nguyện thấy sau 2 tháng dùng gossypol thì lượng tinh trùng giảm rõ rệt nhưng có xuất hiện nhiều dạng bất thường. Việc dùng gossypol để hạn chế sinh đẻ còn phải được nghiên cứu nhiều vấn đề như cơ chế tác dụng, nguy cơ sinh quái thai, tác dụng phụ. Các nhà nghiên cứu Liên Xô cũ thấy gossypol có tác dụng ức chế khối u.
Gần đây người ta đã tạo ra được giống bông không có gossypol.
gossypol.
Lá bông. Lá bông chứa 5-7% acid citric, 3-4% acid malic và một số acid khác như ascorbic, lactic, pyruvic, formic. Có thể dùng làm nguyên liệu để chiết acid citric. Trong lá còn có: riboflavin, inositol, carotenoid, acid nicotinic.
Vỏ rễ. Vỏ rễ có chứa gossypol (1-2%), cây lâu năm thì lượng gossypol càng nhiều, vit.E, các catechin và một chất gây co mạch và có tác dụng thúc đẻ nhưng chưa phân lập được. Trước đây người ta có dùng vỏ rễ để làm thuốc điều kinh dưới dạng thuốc sắc.
Hoa. Hoa là nguồn chứa nhiều flavonoid. Có loài hàm lượng flavonoid lên đến 4,5%.
Gossypium barbadense: Qu-3-sophorosid, Qu-7-glucosid, Qu-3-glucosid, Qu và Km-3-rutinosid, Km-3-galactosid, Gossypetin-7-glucosid.
G.herbaceum: Qu và Km-7-glucosid, Qu-3-glucosid, Gossypetin-7-glucosid.
G. Spp:Qu-3′-glucosid.
Ghi chú: Qu= Quercetin, Km=Kaempferol.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật