Xơ mỡ động mạch vành là nguyên nhân dẫn tới sự phát triển thiểu năng động mạch vành tim. Đặc điểm của bệnh xơ mỡ động mạch vành là sự hình thành chỗ hẹp tại phần gốc các động mạch vành tim và gốc các nhánh lớn của nó. Vì có những chỗ hẹp đó mà dòng máu chảy tới các cơ tim bị giảm đi rõ rệt trong vùng thuộc phạm vi động mạch đó nuôi dưỡng, và cuối cùng xuất hiện bệnh thiếu máu cơ tim. Trên cơ sở đó, xảy ra sự mất thăng bằng giữa nhu cầu về dưỡng khí của cơ tim với khả năng cung cấp dưỡng khí cho tim.
Về lâm sàng, bệnh này biểu hiện bằng cơn đau thắt trước tim. Đau khi làm việc gắng sức hoặc có thể thấy lúc bình thường; đau thường khu trú ở sau xương ức hay ở vùng trước tim. Các biểu hiện lâm sàng của chứng thiểu năng động mạch vành thường phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và tính chất lan rộng của bệnh xơ mỡ động mạch và mức độ hẹp của các động mạch vành tim.
Mục đích của các phương pháp mổ xẻ điều trị bệnh thiếu máu cơ tim là phục hồi lại sự lưu thông bình thường cho các động mạch vành tim bị tổn thương và bị tắc nghẽn. Để đạt mục đích đó, người ta đề xuất ra một số phương pháp mổ xẻ trực tiếp và gián tiếp.
Một số những phương pháp can thiệp phẫu thuật gián tiếp thường áp dụng trong thời gian trước đây là phẫu thuật Veinberg: cấy động mạch vú trong vào cơ tim ở vùng phía ngoại biên của nơi động mạch vành tim bị tổn thương. Nhờ cấu trúc đặc biệt của cơ tim mà giữa động mạch vú trong động mạch vành tim xuất hiện một mạng lưới tuần hoàn bàng hệ và hiện tượng thiếu máu cơ tim có giảm đi. Tuy vậy, trong những năm gần đây, người ta nhận thấy phương pháp này gây ra chấn thương nhiều đối với cơ tim và có ít hiệu quả, nên không dùng nữa.
Hiện nay, người ta thường áp dụng phương pháp bắc cầu nối động mạch chủ – động mạch vành tim: ghép từ đoạn lên của cung động mạch chủ đến đoạn động mạch vành tim nằm ở phía sau chỗ bị hẹp bằng một đoạn tĩnh mạch của chính người bệnh. Sau mổ, tuần hoàn mạch vành tim được khôi phục, các dấu hiệu đau vùng trước tim biến mất dần, đề phòng được chứng nhồi máu cơ tim, và trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể trở lại lao động bình thường. Chỉ định mổ bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành trong các trường hợp khẩu kính của động mạch vành hẹp lại tới 70% hoặc trên 70%. Để xác định được chính xác độ hẹp của động mạch vành, người ta chụp X quang cản quang chọn lọc động mạch vành tim bằng cộng hưởng từ (MRI).
Người ta có thể ghép cùng một lần cho một bệnh nhân tới hai hay ba nhánh động mạch vành với động mạch chủ trong các trường hợp có nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp cùng một lúc. Các cuộc mổ xẻ phụ thuộc vào mức lưu lượng máu chảy qua ống ghép. Trung bình, lưu lượng máu chảy qua ổng ghép 65 ml/phút là chứng tỏ kết quả tốt.
Gần đây, người ta cũng áp dụng phương pháp bắc cầu nối động mạch chủ – động mạch vành tim trong các trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp tính (trong phạm vi 4- 6 giờ đầu kể từ khi bệnh bắt đầu). Nếu có choáng do nguồn gốc từ tim, người ta tiến hành tuần hoàn hỗ trợ bằng một máy đặc biệt gọi là máy “chống nhịp đập” (contre – pulsateur), mục đích chính là để tạm thời tăng cường nuôi tim và nuôi não.
Để điều trị bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính trong 6 giờ đầu, người ta còn áp dụng phương pháp thông tim, đưa đầu ống thông tới tận chỗ tắc động mạch vành và bơm vào đó dưới một áp lực quy định chất men streptokynaza, làm cho máu cục mới tiêu tan đi. Sau đó tiếp tục dùng các thuốc chống đông máu để đề phòng các đợt nhồi máu mới có thể xảy ra ở các động mạch vành tim. Một số tác giả (Porsmann và ctv) còn dùng ống thông có bóng ở đầu để nong rộng động mạch vành tim trong các trường hợp bệnh nhân chuyển đến muộn.
Trong những năm gần đây người ta đặt giá nâng (Stent) qua kỹ thuật thông tim vào chỗ từ động mạch vành tim. Tuy vậy, không ít trường Stent bị tắc nghẽn phải tháo nó ra đặt lại Stent mới, đó là chưa kể còn có tỷ lệ tử vong trong và sau khi đặt Stent.