BA GẠC CHÂU PHI

Tên khác: Bầu giác.
Tên khoa học: Rauvolfia vomitoria Afzel.; thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).
Mô tả: Cây nhỡ cao 4-8m, thường là 3-4 m, phân nhánh nhiều. Thân cành màu nâu bạc, có nốt sần và vết sẹo của lá; nhựa mủ trắng, lá mọc vòng 3-5 cái, phần nhiều là 4, hình ngọn giáo đến bầu dục, dài tới 20cm, rộng 7cm. Hoa nhỏ, nhiều, màu trắng lục, mọc thành xim hai ngả hình tán ở nách lá và đầu cành. Cánh hoa xoăn, ống tràng phình ở hai đầu, vòi nhuỵ có lông ở gốc. Quả đại xếp từng đôi, có khi chỉ có 1 cái phát triển hình trứng hoặc hình cầu, khi chín màu đỏ cam, hạt dẹt cong, có khía. Hoa tháng 7-8, quả tháng 9-12.
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Rauvolfiae Vomitoriae).
Phân bố sinh thái: Chỉ mới gặp ở huyện Phù Ninh tỉnh Vĩnh Phú. Nơi đây thời trước có trạm thí nghiệm trồng cây nhiệt đới do người Pháp lập ra, có thể là cây nhập từ châu Phi, trữ lượng hiện nay không đáng kể.
Thu hái: Ta có chủ trương khoanh vùng bảo vệ nơi có cây mọc từ nhiều và gây trồng để giữ giống và phát triển. Rễ Ba gạc châu Phi có đường kính 4-5cm đến 9cm, mặt ngoài vàng nâu, khía dọc, cũng có thể thu hái như rễ các loại Ba gạc khác.
Thành phần hoá học:
Chủ yếu là alkaloid tập trung ở rễ và lá, ở rễ, hàm lượng alkaloid toàn phần là 1-1,5%, tập trung 90% ở vỏ rễ. Cây trồng ở Việt Nam có vỏ rễ chứa 3,28-5,66% alkaloid toàn phần. Rễ chứa reserpin (0,2%) ajmalin, reserpilin và một số alkaloid đặc biệt thuộc nhóm yohimbin (sederin) heteroyohimbin, rauvanin (đồng phân của reserpilin) alstonin (đồng phân của serpentin). Vỏ rễ là nguyên liệu để chiết xuất reserpin, ajmalin, reserpilin. Lá chứa 1% alkaloid là dẫn chất của heleroyophimbin-oxiadol tương ứng (rauvocin, rauvocinin). Ngoài ra, lá còn

chứa các hợp chất flavonoid dưới dạng heterosid của kaempferol.

– Từ loài Ba gạc này, đã chiết xuất được 0,05% reserpin và ajmalin.
Tính vị, tác dụng:  Rễ có vị đắng tính hàn, có tác dụng hạ huyết áp và an thần.
Công dụng: Ðược dùng trị huyết áp cao, sốt cao và ăn uống không tiêu.

0/50 ratings
Bình luận đóng