NÚC NÁC
Cortex Oroxyli
            Dược liệu là vỏ thân cây núc nác – Oroxylum indicum Vent., họ Núc nác – Bignoniaceae.
Đặc điểm thực vật.
            Cây to cao 10m hoặc hơn. Thân nhẵn ít phân nhánh. Vỏ cây màu xám tro. Lá mọc đối, lá kép lông chim 3 lần, dài tới 2m thường tập trung ở ngọn. Gốc cuống lá phình to. Lá chét không bằng nhau, hình trái xoan, mép lá nguyên. Cụm hoa là chùm ở ngọn cành. Hoa to màu nâu xẫm. Đài hình chuông có 5 răng. Tràng hình chuông chia 2 môi gồm 5 răng cong, phủ nhiều lông cả 2 mặt. Năm nhị, trong đó có một cái bé hơn. Cây ra hoa về mùa hạ. Quả nang dẹt dài 50-60cm, hai mặt lồi, lưng có cạnh. Hạt dẹt có cánh mỏng phát triển về một bên và có những đường gân toả ra, dài 7cm rộng 3cm trông giống cánh bướm màu trắng nhạt. Cây mọc rải rác nhiều nơi ở nước ta.
Thu hái: vỏ cây, sau khi bóc thì làm khô ngay. Vỏ dày trên 1mm, mặt ngoài màu vàng nâu, mặt trong màu vàng nhạt vị đắng là loại tốt.
            Nếu thu hoạch hạt thì hái những quả đã già vào cuối thu , phơi khô đập lấy hạt rồi phơi lại cho thật khô. Trong y học dân tộc cổ truyền hạt núc nác còn có tên là mộc hồ diệp vì hạt trông giống như con bướm bằng gỗ (mộc= gỗ, hồ điệp= con bướm). Hạt có vị đắng không mùi.
Vi phẫu vỏ thân. Từ ngoài vào trong: lớp bần gồm nhiều tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ rải rác có có các đám mô cứng và các tế bào chứa calci oxalat hình kim. Lớp liber dày có nhiều đám sợi xếp thành hàng đều đặn xen kẽ với các lớp mạch rây. Ngoài tia ruột chính, các bó liber, còn bị các tia ruột phụ xẻ đôi.
            Bột vỏ thân:bột màu vàng, vị đắng. Soi kính hiển vi có các đặc điểm: nhiều sợi màu vàng đầu nhọn. Những đám mô cứng gồm tế bào nhiều cạnh có ống trao đổi rõ. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim. Các mảnh bần.
Thành phần hoá học.
            – Vỏ cây núc nác được biết có chrysin và baicalein (Bose và Bhattachanya, 1938). Viện dược liệu thuộc bộ y tế Việt nam nghiên cứu vỏ cây núc nác Việt nam và đã phân lập được 2 chất tinh khiết và xác định là baicalein và oroxylin A (1976).
            – Hạt có baicalein 6-glucosid và oroxylin A (Mehta và Mehta, 1954)
            – Lá có baicalein, scutellarein, baicalein 6-glucuronid, scutellarein-7-glucu-ronid, baicalin (=baicalein-7-glucuronid) (S. Sankara Subramanian và cộng sự, 1972.
Baicalein                         
Tác dụng và công dụng.
            Viện dược liệu thuộc bộ y tế Việt nam có đưa ra dạng chế phẩm “Nunaxin” là viên cao núc nác. Nghiên cứu cho thấy: 1) Chế phẩm có tác dụng chống choáng phản vệ trên thỏ và trên chuột lang nếu được uống trong 7 ngày liền. Không có tác dụng chống choáng do histamin trên chuột lang. 2) Chống viêm dị ứng trên thỏ và trên chuột cống trắng. 3) Không có biểu hiện độc tính.
            Viện Dược liệu đề nghị dùng chế phẩm “Nunaxin” trong các bệnh mề đay sơ phát và mạn tính, vẩy nến, hen phế quản trẻ em thể nhẹ và trung bình. Không chỉ định cho các trường hợp dị ứng nặng và cấp diễn.
            – Y học dân tộc dùng hạt để chữa ho lâu ngày, viêm phế quản, đau gan, đau dạ dày. Ngày uống 2-3g. Dùng ngoài dưới dạng bột và rắc lên vết lở loét, mụn nhọt.

6pt;text-align: right">https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.

0/50 ratings