Tên khác: nhiễm sắt di truyền, nhiễm sắt không rõ nguyên nhân, xơ gan sắc tố, tiểu đường có da đồng, xơ gan da đồng.

Định nghĩa

Bệnh rối loạn chuyển hoá bẩm sinh, có tăng hấp thu sắt và sau năm 50 tuổi có nhiễm sắc tố ở da, xơ gan và đôi khi bị mắc tiểu đường.

Người ta phân biệt chứng nhiễm hemosiderin là quá tải chất sắt ở các mô với nhiễm sắc tốsắt là có tổn thương ở mô do ứ đọng sắt.

Căn nguyên

Bệnh di truyền lặn theo nhiễm sắc thể thân, liên quan tới một gen nằm ở nhiễm sắc thể 6p (nhánh ngắn). Do dị tật này, hấp thu sắt ở ruột tăng dẫn đến trong máu có nhiều sắt và lắng đọng sắt ở các mô, nhất là ở gan (xơ gan), tuỵ (tiểu đường), các tuyến nội tiết, đặc biệt là tinh hoàn (nhược năng). Mặt khác, xơ gan do rượu cũng có tích sắt vừa phải trong gan.

Dịch tễ học

Ở châu Âu tỷ lệ mắc thể dị hợp tử (tiềm tàng) là 10% ; thể đồng hợp tử (có bệnh) là 2 – 5%.

Triệu chứng

Bệnh có biểu hiện ở nam giới sau 30 tuổi; ở phụ nữ thì muộn hơn do có kinh nguyệt.

TRIỆU CHỨNG TOÀN THÂN: mệt mỏi, sút cân.

NHIỄM SẮC TỐ Ở DA: lan toả, màu “đồng đen” hoặc xạm, đậm hơn ở các chỗ hở, các nếp gấp, cơ quan sinh dục ngoài. Hiếm khi niêm mạc bị nhiễm sắc tố. Da có sắc tố hình như là do vừa nhiễm melanin, vừa do lắng đọng sắt.

XƠ GAN: gan to (95% số bệnh nhân) có dấu hiệu bị suy gan nhiều hoặc ít. Bóng gan trên phim X quang rất đậm do ứ sắt. Trong 10% số trường hợp có ung thư biểu mô gan trên nền xơ gan.

TIỂU ĐƯỜNG: có trong 1/2 số trường hợp (xem bệnh tiểu đường thứ phát).

SUY TUYẾN SINH DỤC: hay gặp, có vú to, teo tinh hoàn và liệt dương.

TỔN THUƠNG Ở Cơ TIM: thường có tim to, dấu hiệu suy tim và loạn nhịp.

TỔN THƯƠNG Ở XƯƠNG KHỚP: sụn khớp bị nhiễm calci, hẹp khe khớp, phía dưới sụn bị đậm đặc và sói mòn. Các khớp đốt-bàn thứ 2 và thứ 3 hay bị.

Xét nghiệm cận lâm sàng

  1. Hệ số bão hoà transferrin tăng cao: nếu quá 60% thì nên sinh thiết gan để định lượng sắt trong gan.
  2. Nồng độ sắt huyết thanh tăng (> 35 – 70 μmol/l)
  3. Nồng độ ferritin huyết thanh tăng.
  4. Thử nghiệm với deferoxamin: tăng đào thải sắt qua nước tiểu (1,5 mg trong 6 giờ) sau khi tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch 500 mg deferoxamin trong 4 giờ.
  5. Chức năng gan: lúc đầu bình thường, sau đó giảm như trong xơ gan.
  6. Triệu chứng của tiểu đường, nhất là đường huyết cao và đường niệu.
  7. Xác định typ HLA: thường gặp các kháng nguyên HLA-A3, B7 và B14.

Khám bổ sung: chẩn đoán xác định bằng chọc dò sinh thiết gan và định lượng sắt theo cân nặng của sinh thiết thấy tăng ( >2%). Ngoài ra, trong tế bào gan và tế bào Kupffer có hemosiderin.

Phát hiện sơ bộ hàng loạt: hệ số bão hoà transferrin > 50% đo lúc đói cho thấy có nhiễm sắc tố sắt “tiềm tàng”, nhất là ở người mang gen dị hợp tử là thân nhân của bệnh nhân.

Biến chứng: biến chứng của xơ gan và của tiểu đường. Tăng nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào gan. Hiếm khi bị suy vỏ thượng thận, nhược năng tuyến giáp và nhược năng tuyến cận giáp.

Điều trị

TRÍCH HUYẾT: trích 500 ml máu (chứa 45 mmol sắt) mỗi tuần cho đến khí nồng độ sắt huyết thanh trở về bình thường. Sau đó, để duy trì nồng độ bình thường, có thể phải trích huyết 500 ml/lần; mỗi năm trích 3 – 4 lần để tránh ứ đọng lại. Chọc dò-sinh thiết gan cho phép theo dõi tình trạng ứ đọng sắt.

CHẤT CHỐNG ĐỘC SAT: tiêm mỗi ngày 0,5 đến 1 g deferoxamin cho phép lấy ra khỏi cơ thể một lượng sắt bằng lượng sắt lấy qua trích huyết một tuần. Tuy nhiên, tiêm rất đau và không thể kéo dài trị liệu này được. Deferoxamin được dùng chủ yếu ngắn ngày, khi lấy máu gây ra thiếu máu nặng.

ĐIỀU TRỊ XƠ GAN VÀ TIỂU ĐƯỜNG

0/50 ratings
Bình luận đóng