Tăng huyết áp không có triệu chứng chỉ điểm đặc hiệu, thường chỉ được phát hiện qua khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ tại cơ sở y tế. Vì vậy, khám kiểm tra sức khoẻ định kỳ là điều cần thiết đối với mọi người.
Giáo sư Benetas nói: Trị tăng huyết áp thì dễ, trị người bệnh tăng huyết áp lại rất khó. Điều trị Tăng huyết áp là điều trị lâu dài, thậm chí là điều trị cả đời. Do vậy, tự điều trị với sự theo dõi, giúp đỡ của thầy thuốc là điều cần thiết.
Mục đích điều trị Tăng huyết áp là gì?
- Giảm chỉ số huyết áp và duy trì huyết áp ở mức độ bình thường một cách lâu dài là mục đích đầu tiên của việc điều trị Tăng huyết áp. Tuy nhiên, có thể nói rằng đây cũng chưa phải là mục đích quan trọng nhất trong điều trị Tăng huyết áp.
- Mục đích tiếp theo là phải phòng ngừa được các tổn thương “cơ quan đích” như não, thận, tim, mắt, mạch máu… qua đó sẽ giảm thiểu được tỷ lệ tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận…
Để đạt được hai mục đích này, không đơn giản chỉ là vấn đề dùng thuốc hạ huyết áp. Phòng ngừa các tổn thương cơ quan đích đòi hỏi cân nhắc trong vấn đề chọn lựa thuốc điều trị để có khả năng cải thiện được cung lượng tim, giảm sức cản ngoại vi, tăng được tần số tim, giảm tình trạng dày thất trái…. Đây là những yếu tố có liên quan chặt chẽ đối với huyết áp.
Nguyên tắc điều trị Tăng huyết áp
- Theo dõi, điều trị liên tục và kéo dài, ngay cả khi huyết áp đã bình thường.
- Phải biết phối hợp tốt giữa thầy thuốc và bệnh nhân, đây là một yếu tố quan trọng góp phần thành công trong điều trị.
Người ta khuyên bệnh nhân nên chọn cho mình một thầy thuốc để theo dõi, điều trị bệnh thường xuyên.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị Tăng huyết áp. Tuy vậy, dùng thuốc hạ huyết áp không đúng chỉ định sẽ gây hạ huyết áp một cách đột ngột. Khi huyết áp tối thiểu xuống dưới 80mmHg có thể gây tai biến mạch máu não. Một số thuốc hạ áp có thể gây hạ huyết áp khi đứng. Dùng lợi tiểu không đúng chỉ định có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, trụy tim mạch…. Một số thuốc như Avlocardin, Propranolon…. có thể gây nhịp tim chậm quá mức, trầm cảm. Cavinton, Ephedrin… có thể làm nhịp tim tăng nhanh….
Các thuốc có tác dụng kéo dài: Coversyl, Nifedipin retard, Adalat LA…. có tác dụng hạ huyết áp một cách ổn định, thời gian tác dụng kéo dài 24 giờ, không gây tụt huyết áp đột ngột và chỉ dùng liều duy nhất trong ngày nên rất phù hợp cho bệnh nhân khi điều trị ngoại trú. Nên phối hợp với thuốc an thần: Seduxen 5mg, Trénxène 5 – 10mg, có tác dụng chống rối loạn thần kinh thực vật, ổn định huyết áp. Đôi khi, ngậm 1/4 – 1/2 viên Seduxen cũng đã làm ổn định huyết áp ở một số bệnh nhân
Chiến lược điều trị Tăng huyết áp đã được xác định:
- Nên điều trị từ thấp đến cao, từ một thuốc đến phối hợp nhiều thuốc.
- Thầy thuốc sẽ căn cứ vào tình hình bệnh tật và sự đáp ứng của bệnh nhân với từng loại thuốc cụ thể mà có chỉ định thích hợp.
- Điều trị tích cực Tăng huyết áp là biện pháp phòng tránh tai biến mạch máu não tích cực nhất.
Người bệnh không nên tự điều trị nếu không được thầy thuốc theo dõi, hướng dẫn. Hãy tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Không nên dùng thuốc theo sự mách bảo của người không phải là thầy thuốc.
Người bệnh nên có một số thuốc hạ huyết áp mang theo người để có thể kịp thời tự điều trị khi cần thiết. Dùng thường ngày nên chọn dùng các thuốc có tác dụng chậm như: Coversyl, Adalat retard, Adalat LA, Nifedipin retard. …
Hiện nay, trên thị trường, giá thành các loại thuốc điều trị Tăng huyết áp cao thấp do nhiều lý do khác nhau. Người bệnh có thể yêu cầu thầy thuốc kê đơn phù hợp với điều kiện kinh tế của mình mà vẫn đạt được yêu cầu chữa bệnh.
Người bệnh cần biết sử dụng một vài loại thuốc có tác dụng hạ áp và an thần, lợi tiểu, điều hoà thần kinh thực vật, tăng cường tuần hoàn não…. như: COVERSYL, ADALAT, SEDUXEN, TRÉNXÈNE, NATRILIC, DUXIL, TANAKAN… trong những trường hợp cần thiết.