ĐẬU VÁN TRẮNG

Tên khác:             Đậu biển, bạch đậu, bạch biển đậu,

thúa pản khao (Tày), tập bảy pẹ (Dao) Tên khoa học: Dolichos lablab L.

Họ Đậu                (Fabaceae)

MÔ TẢ

Dây leo có thân hình trụ, lá dài, có lông thưa. Lá kép, mọc so le, gồm 3 lá chét, lá chét giữa to hơn, mặt trên nhẵn màu sẫm bóng, mặt dưới nhạt có lông thưa; lá kèm nhỏ hình chỉ.

Cụm hoa mọc thành chùm dài thẳng ở kẽ lá hoặc đầu cành; hoa màu trắng, đài hình chuông, tràng hình bướm, nhị 2 bó (1 nhị đơn lẻ và 9 cái dính vào nhau), bầu nhẵn có lông.

Quả đậu dẹt có mũi nhọn, màu lục nhạt; hạt màu trắng ngà, có mồng ở mép.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 9.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, đậu ván trắng phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Sau lan sang cả châu Phi và vùng Nam Mỹ.

ở Việt Nam, cây được trồng từ thời xa xưa, phổ biến từ đồng bằng, trung du đến miền núi cao. Các tỉnh trồng nhiều đậu ván trắng nhất là Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Sông Bé. Nhân dân thường trồng xen với ngô để khi ngô được thu hoạch thì thân cây ngô sẽ là giá thể cho đậu ván trắng leo.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Hạt, thu hái ở quả già, to mẩy, có vỏ ngoài khô xác, đem về, bóc bỏ vỏ lấy hạt phơi hoặc sấy khô. Không dùng loại hạt có màu tím hoặc hơi đen.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Hạt đậu ván trắng chứa protid, trong đó có các acid amin cần thiết như tryptophan, arginin, lysin, tyrosin, nhiều tinh bột, chất béo, các vitamin A, Bl, B2, c, đường saccharose, glucose, các men tiêu hóa, các muối kim loại.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hạt đậu ván trắng có tác dụng giảm sốt, kiện vị, giải co thắt cơ trơn.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong y học cổ truyền, hạt đậu ván trắng được dùng với tên thuốc là bạch biển đậu hay bạch đậu, là thuốc bồi dưỡng cơ thể chữa tiêu hóa kém, chán ăn, ăn không thấy ngon, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, cơ thể nóng, bụng đầy chướng, sốt, cam tích, ngộ độc. Là thuốc bổ, đậu ván

trắng thích hợp với mọi lứa tuổi, nhưng tốt nhất cho trẻ em dưới dạng bột dinh dưỡng. Viên Phì nhi cam tích có tới 12% bột đậu ván trắng. Là thuốc mát, chống viêm nhiễm, lá đậu ván trắng và lá hương nhu phơi khô (mỗi thứ 8 – 10g) nấu nước uống, chữa cảm nắng, khát nước rất tốt. Lá đậu ván trắng để tươi, nhai với ít muối, nuốt nước dần dần chữa viêm họng. Trong trường hợp bị ngộ độc, để sơ cứu, có thể giã nát 20g đậu ván trắng để sống, thêm nước gạn uống. Lá đậu ván trắng dùng riêng, vò nát thêm ít nước vo gạo nếp đặc, gạn uống, bã đắp chữa rắn độc cắn.

BÀI THUỐC

  • Chữa cảm sốt, nôn mửa, đầy chướng, tiêu chảy: Đậu ván trắng (20g, sao), lá hương nhu (16g), vỏ thân hậu phác (12g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).
  • Chữa nóng trong, bứt rứt, khó ngủ: Đậu ván trắng (12g), vỏ quả dưa hấu (12g), rễ trúc diệp sâm (12g), lá sen (12g), sắc uống ngày một thang.
  • Chữa đau bụng, sôi bụng, tiểu tiện ít, tiêu chảy: Đậu ván trắng (12g), rau má (10g), sa nhân (8g), hoắc hương (8g), hương phụ (8g), hạt mã đề (8g), gừng (2g).

Sắc uống trong ngày.

  • Chữa cam tích, trẻ em gầy còm, xanh xao, yếu đuối, rối loạn tiêu hóa kéo dài, tiêu chảy thất thường: Đậu ván trắng (100g), ý dĩ (100g), hoài sơn (100g), hạt sen (100g), đảng sâm (100g), nhục đậu khấu (30g), mạch nha (30g), sa nhân (20g), trần bì (20g). Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật ong làm thành dạng côm hoặc viên. Ngày dùng hai lần, mỗi lần 6 – 8g.
  • Thuốc hổ dưỡng trẻ em, thay viên đa sinh tố (poly- vitamin): Đậu ván trắng (100g), ý dĩ (100g), gạo nếp (100g), dầu gấc (lOml). Ba loại hạt sao vàng, tán nhỏ, rây mịn, rồi nhào với dầu gấc và sirô thành một khối bột dẻo, không dính tay. Đem cán mỏng, cắt thành từng bánh, sấy khô.

Ngày dùng 25 – 30g, chia làm ba lần, uống trước bữa ăn.

  • Thuốc phòng tiêu chảy ở trẻ em: Đậu ván trắng (8g, sao vàng), vỏ cây với (8g) hạt mạch nha (6g), nấu nước uống hàng ngày thay nước chè.
  • Chữa sốt cao, co giật ở trẻ em: Lá đậu ván trắng (50g) để tươi, rửa sạch, vò nát, vắt lấy nước trộn với mật vịt trắng (1 cái) cho uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa say nấm độc: Lá hoặc quả đậu ván trắng, lá khế, lá lốt (mỗi thứ 30 – 50g), để tươi, rửa sạch, vò nát, vắt lấy nước uống làm một lần.
  • Thuốc chữa rắn cắn (Rượu hội) có hạt đậu ván trắng, hà thủ ô đỏ, quế chi, bối mẫu, bán hạ, bạch chỉ, hùng hoàng, ngũ linh chi, xuyên sơn giáp.

Khi bị rắn cắn, uống ngay một chén nhỏ. Ngày hai lần.

Chữa hóc xương: Rễ đậu ván trắng (30g), lá hoặc hạt trám đen đốt thành than (6 – 12g), hãm uống nhiều lần trong ngày; kết hợp lấy lá hẹ (30g) giã nát trộn với lòng trắng trứng, đắp băng.
Cây đậu ván mọc leo, sống nhiều nămCây đậu ván mọc leo, sống nhiều năm

 

Bạch biển đậu dùng trong chữa bệnh
Bạch biển đậu dùng trong chữa bệnh

Thuốc ứng dụng từ Quả Đậu Ván Trắng ( Bạch biển đậu):

Bài 1. Thuốc chữa phụ nữ bị bế kinh, mệt mỏi

+ Hạt đậu ván trắng 150g

Hạt đậu ván trắng sao vàng, tán bột mịn, dùng nước cơm luyện viên bằng hạt ngô phơi khô. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 viên với nước cơm đặc, uống trước bữa ăn, trước kỳ kinh 5-7 ngày.

Bài 2. Thuốc chữa bệnh đau bụng

+ Hạt đậu ván trắng                      10g

+ Hương nhu                                  4g

Cho hai thứ vào nồi cùng 400ml nước đun kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh uống ngày 3 lần, trước bữa ăn, mỗi lần 60ml nước thuốc, cần uống liền 3-5 ngày.

Bạch biển đậu chữa ỉa chảy
Bạch biển đậu chữa ỉa chảy

Bài 3. Thuốc chữa bệnh cảm nắng

+ Hạt đậu ván trắng 15g

+ Lá liễu 3g

+ Cuống lá sen 30g

+ Hoa cúc 18g

+ Hoắc hương 12g

Các thứ rửa sạch, cho vào nồi cùng 450ml nước đun kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc. Người bệnh chia đều 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn. cần uống 2-3 ngày.

+ Hạt đậu ván trắng 20g

+ Hương nhu 20g

+ Quả dành dành (sao vàng) 12g

+ Hậu phác 20g

+ Rau má 20g

Các thứ rửa sạch, cho vào nồi cùng 450ml nước đun kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn. cần uống 2-3 ngày.

Bài 4. Thuốc chữa bệnh đái tháo đường

+ Nhân đậu ván trắng    150g

+ Thiên hoa phấn 100g

+ ích mẫu 150g

+ Bí ngô (đỏ) 200g

Các vị thuốc sấy khô, tán nhỏ mịn, dùng nước cháo đặc luyện viên bằng hạt ngô, phơi khô đem dùng. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 viên với nước sôi để nguội trước khi ăn.

Bài 5. Thuốc chữa bệnh khí hư

+ Nhân đậu ván trắng 200g

+ Cố chỉ         50g

+ ích mẫu             100g

+ Ý dĩ               50g

+ Sơn tra        50g

+ Rau mã đề        100g

+ Đậu đỏ nhỏ hạt     100g

Các vị thuốc sấy khô, tán nhỏ mịn, dùng mật mía luyện viên bằng hạt ngô, phơi khô đem dùng. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 viên với nước sôi để nguội trước khi ăn.

Bài 6. Thuốc chữa bệnh đau đầu

+ Nhân đậu ván trắng 150g

+ Vỏ quả dưa hấu      100g

+ Lá sen        100g

+ Thương truật           100g

+ Thăng ma        50g

Các vị thuốc sấy khô, tán nhỏ mịn. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g bột thuốc với nước sôi để nguội, sau khi ăn.

0/50 ratings
Bình luận đóng