2.2.1. Bạch chỉ

Radix Angelicae dahuricae
 Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ (Angelica dahurica  (Fisch. ex Hoffm.) Benth. et Hook. f.), họ Cần (Apiaceae).     
Mô tả cây
Cây cỏ, cao 0,5 – 1m hay hơn, sống lâu năm, thân hình trụ, rỗng, không phân nhánh. Lá to, có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2 – 3 lần lông chim, mép khía răng, có lông ở gân lá mặt trên. Cụm hoa tán kép, mọc ở ngọn, hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt, toàn cây có  mùi thơm.
Đặc điểm dược liệu
Rễ nguyên, ít khi phân nhánh, thẳng hoặc hơi cong, đầu trên mang vết tích của cổ rễ, đầu dưới nhỏ dần, mặt ngoài vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc, có dấu vết của rễ con và nhiều chỗ sần sùi nhô lên. Chất cứng chắc, khó bẻ, vết bẻ nhiều bột, mùi hắc, vị hơi cay.
Đặc điểm vi phẫu
Mặt cắt rễ tròn. Từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm những tế bào hình chữ nhật có vách dày xếp thành các vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ cấu tạo từ những tế bào thành mỏng, hình nhiều cạnh, rải rác có các khuyết, các tế bào ở phía ngoài thường bị ép bẹt. Libe tạo thành các bó sít nhau. Trong libe rải rác có các ống tiết. Tầng phát sinh libe – gỗ tạo thành vòng rất rõ. Các mạch gỗ lớn tập trung thành các dãy hướng tâm trong mô mềm gỗ không hoá gỗ. Tia tuỷ rộng gồm 5 – 10 dãy tế bào.
Đặc điểm bột dược liệu
Bột màu trắng ngà, mùi hắc, vị cay hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy rất nhiều hạt tinh bột hình tròn hoặc hình khối nhiều mặt, riêng lẻ (2) hay tập trung thành đám trong tế bào mô mềm (1), các mảnh mạch mạng hoặc mạch vạch (3), rải rác có các mảnh bần.

14.2pt">Ghi chú

Y học cổ truyền nước ta có sử dụng vị dược liệu mang tên Bạch chỉ nam, là rễ của cây Bạch chỉ nam (Millettia pulchra Kurz.), họ Đậu (Fabaceae). Cây mọc hoang nhiều ở các vùng rừng núi phía Bắc. Bạch chỉ nam dùng cùng một số vị thuốc khác chữa đau bụng, đi ngoài. Chú ý phân biệt.

0/50 ratings