Cách thị xã Cao Bằng khoảng 40km, sau 2 giờ xe chạy, xã Đức Xuân (huyện Thạch An) hiện ra với sự ồn ào khác thường. Tiếng Tày xen lẫn tiếng Kinh trong cái hối hả của những dòng người tải cây thuốc xuống núi. Người dẫn đường cho chúng tôi, BS. Đàm Thị Phượng (Trạm trưởng trạm y tế xã Đức Xuân), thở dài ngao ngán: “Các anh nhìn xem, cây thuốc quý vùng cao Cao Bằng đang bị tận diệt đến những nhánh cuối cùng để bán với mức giá rẻ mạt”. BS Phượng chỉ tay về những chiếc ô tô đang gom hàng, khẳng định: Trung bình mỗi năm hàng trăm tấn dược liệu quý đã bị khai thác.
Theo bà Ca, trung bình mỗi năm, riêng gia đình bà đã thu gom, xuất khẩu trên 10 tấn dược liệu quý tự nhiên, trong đó kể đến các loại như: Kê huyết đằng, Na rừng, Chè rừng, Giảo Cổ Lam, Thổ Phục Linh… với mức giá từ 500 đ – vài nghìn đồng/kg. Giá dược liệu thô “bèo” đến mức người địa phương có cách tính tiền đặc trưng: “Mỗi kg thu được trả một tờ “đỏ” (tờ tiền mệnh giá 500 đồng – PV)”. Sau khi các đầu nậu đánh hàng giao tận tay lái buôn người Trung Quốc, mỗi kg dược liệu sẽ có giá là một tờ “xanh” (tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng – PV). Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi “Đưa các loại cây này sang bên kia biên giới để dùng vào việc gì?” thì ngay bà Ca cũng không biết.
Tận diệt thuốc quý.
Theo lương y Đinh Văn Hùng (ngụ xã Đức Xuân), đa số các cây thuốc được xuất sang Trung Quốc đều có nhiều công dụng đặc biệt trị bệnh như: sỏi thận, đường ruột, sốt rét, giảm đau, bổ huyết. Những người dân trong vùng đi thu gom hầu như đều không biết công dụng của các dược liệu này, chỉ biết nhổ về theo yêu cầu của các đầu nậu thu gom. Sau đó, các đầu nậu ở đây sẽ có trách nhiệm xin phiếu cửa rừng ở xã với nhóm lâm sản phụ.
BS. Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng cho biết: Từ những năm 1970 về trước, cây thuốc trong tự nhiên của Cao Bằng đã được khai thác bán cho các tỉnh miền xuôi. Từ những năm 1980 đến nay, cây thuốc quý được bán sang Trung Quốc tràn lan. Nhiều huyện khác như Phục Hòa, Hà Quảng… cũng có tình trạng tương tự. Trung bình mỗi huyện có từ 5 – 10 điểm thu mua quy mô lớn và nhiều điểm thu mua nhỏ lẻ.
Không giấu nổi sự lo lắng trên khuôn mặt, ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội đông y huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết: Các loại dược liệu bị thu mua khai thác mà không có một cơ quan chức năng nào kiểm soát, đánh giá được mức độ tàn phá đối với môi trường tự nhiên. Có những loại dược liệu coi như bị khai thác đến cạn kiệt, có khả năng tuyệt chủng như: Hoàng đàn, Dây trầm (ở huyện Yên Định, Hữu Liên); củ Ba Kích (Đô Lương); Đỗ trọng nam (Hòa Sơn) và Kim ngân ở Yên Thịnh. “Đến nay một số dược liệu quý chỉ còn là tiêu bản trong phòng thí nghiệm”, ông Tuyến xót xa.
“Kho báu” bị lãng quên?
Theo TSKH. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP), Việt Nam được xếp thứ 16 trên 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nhiều nhóm sinh vật có tính đặc hữu cao, có giá trị khoa học và thực tiễn. Nếu so sánh với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc đã biết trên thế giới, thì số loài cây thuốc ở Việt Nam chiếm 19%. Đó là chưa kể tới hàng ngàn loài cây thuốc gia truyền của 53 dân tộc thiểu số mà các nhà khoa học mới chỉ biết một phần.
Lý giải vì sao cây thuốc quý ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng báo động, TSKH. Khánh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến sự thiếu ý thức của những người chuyên vào rừng tìm kiếm, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên, sự hiểu biết chưa đầy đủ về bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, kể cả cách sử dụng rất lãng phí. Ngoài ra, một điều cần chú ý nữa là do tình hình thi hành pháp lệnh bảo vệ rừng chưa nghiêm nên nhiều khu rừng vẫn bị chặt phá và khai thác bừa bãi.
Theo TS. Trần Văn ơn, Trưởng bộ môn Thực vật (Trường ĐH Dược Hà Nội), mấu chốt của vấn đề là do sự quan tâm của các nhà quản lý chưa đúng mức. Ngay cả những nhà khoa học trong lĩnh vực đông y cũng chưa có những nghiên cứu cụ thể để đưa ra những cảnh báo cho người dân về sự quý hiếm của các cây thuốc, và việc lợi ích của việc gìn giữ các loại cây này. Từ đó, mới đưa ra một hoạch định trong việc bảo tồn, nhân giống và phát triển cây thuốc gắn liền với lợi ích, thu nhập của người dân.
Vì sao dược liệu quý ào ào vượt biên mà không có sự quản lý của cơ quan chức năng? ông Hoàng Văn Bằng, Phó phòng Nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Cao Bằng cho rằng cây thuốc là loại lâm sản phụ và chiểu theo quy định hiện hành thì việc khai thác các loại lâm sản phụ thuộc phạm vi thẩm quyền của các chủ rừng, còn việc mua bán, xuất khẩu các loại lâm sản trên địa bàn tỉnh về nguồn gốc cơ bản là hợp pháp, đều có xác nhận nguồn gốc và chủng loại, có nộp thuế tài nguyên theo quy định. Vì thế, muốn ngăn chặn tình trạng này, cần phải đưa ra một danh mục hạn chế hoặc cấm xuất khẩu thì mới mong hạn chế được phần nào.
Còn theo đại diện Chi cục kiểm lâm Cao Bằng, đối với lâm sản phụ thuộc loại quý hiếm cấm không được khai thác phục vụ mục đích thương mại (quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ) thì “cho đến tháng 5/2010 Cao Bằng chưa phát hiện vụ nào được mua bán, vận chuyển qua biên giới. Còn việc khai thác và trao đổi tại địa phương, gần như chưa quản lý thống kê”.
Vì thế, suốt nhiều năm qua, cây thuốc quý cứ lặng lẽ kéo nhau qua biên giới mà chẳng ai ngăn cản. BS. Bé mong mỏi: “Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, khi còn chưa muộn”.