Làng Thiết Trụ (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) bao năm nay nổi lên như một “thủ phủ” cung cấp các loại dược liệu làm thuốc Bắc, thuốc Nam lớn nhất nhì cả nước. Dược liệu từ đây đi khắp cả nước, từ Bắc vào Nam và xuất đi nước ngoài. Nhưng bao năm làm nghề là bấy nhiêu thời gian, người dân Thiết Trụ phải sống chung với ô nhiễm.

Dược liệu đi xa, về gần:

Đã từ bao năm nay, nghề trồng và sơ chế dược liệu đã có ở Thiết Trụ, những người già cả nhất làng giờ cũng chỉ có thể nhớ, từ ngày còn bé đã thấy nơi đây, nhà nhà trồng cây dược liệu, người người làm nghề thu gom, sơ chế dược liệu. Thuốc Bắc, thuốc Nam ngày càng chiếm lĩnh được thị trường, nên nhu cầu về nguyên liệu cũng tăng cao, nghề trồng, sơ chế dược liệu ở Thiết Trụ có đất phát triển. Bởi vậy, theo ông Phạm Duy Hiển – Chủ tịch UBND xã Bình Minh, 3 năm trở lại đây, nghề sơ chế, chế biến dược liệu ở Thiết Trụ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô số hộ tham gia và lượng dược liệu cung cấp ra thị trường.

Dược liệu được phơi như ngô, sắn.

 

Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, khi thấy đất nông nghiệp trên địa bàn xã quá chật hẹp (bình quân 1 người chưa được 1 sào Bắc bộ), người dân Thiết Trụ đã biết tìm đến các cánh đồng của làng bên, xã dưới, dần dà, ra cả các tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương… để thuê đất trồng cây dược liệu. Ông Hiển kể, ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, vùng nào có trồng cây dược liệu là ở đó có sự hiện diện người dân của xã Bình Minh. Theo số liệu của UBND xã Bình Minh, thôn Thiết Trụ hiện có khoảng 200 hộ dân đi thuê đất ở các nơi để trồng cây dược liệu. Tính đến nay, số vị dược liệu có nguồn gốc từ Thiết Trụ đã lên tới trên 40 vị. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân đã tập trung vào khoảng 15 vị thuốc có hiệu quả kinh tế, được tiêu thụ mạnh trên thị trường như Bản Hạ, Bạch Chỉ, Ngưu Tất….

Ông Hiển cho biết, các vị thuốc xuất xứ từ làng Thiết Trụ, xã Bình Minh có mặt trên khắp các hiệu thuốc Nam, thuốc Bắc, từ phố Lãn Ông, xã Ninh Hiệp (Hà Nội), đến các tỉnh, thành miền Nam. Thôn Thiết Trụ có khoảng 900 hộ dân thì gần như 100% số hộ đều tham gia trồng, sơ chế, chế biến dược liệu. Trong đó, có khoảng 80-100 hộ tham gia thu gom, chế biến rồi xuất đi các nơi. Nghề làm dược liệu, theo ông Hiển mang lại cho người dân nơi đây mức thu nhập khá cao.

Còn nhiều trăn trở:

Đổi đời, phất lên nhờ nghề sơ chế, chế biến dược liệu ngày càng phát đạt, thì cũng là lúc, người dân Thiết Trụ cảm nhận rõ rệt ô nhiễm môi trường từ chính nghề của mình. Đến Thiết Trụ, đặt chân tới đầu làng đã gặp ngay một mùi hăng hăng sộc thẳng vào mũi. Lần đầu không quen, tiếp xúc một khoảng thời gian ngắn có thể thấy chóng mặt, cảm giác nặng đầu, nôn nao. Đó chính là triệu chứng do các vị thuốc có chứa lưu huỳnh hay được gọi là diêm sinh gây ra.

Theo đó, trong chuỗi sơ chế, chế biến các vị dược liệu, đặc biệt là những dược liệu loại củ bắt buộc phải qua công đoạn hấp diêm sinh để chống mốc, chống thối. Bởi vậy, khi đưa ra khỏi lò hấp, diêm sinh tản đi khắp các ngõ ngách. Ông Nguyễn Văn Quất, thôn Thiết Trụ, một trong những hộ sản xuất dược liệu lớn nhất nhì thôn Thiết Trụ cho biết, khoảng chừng nửa tháng nữa, Thiết Trụ mới chính thức vào mùa vụ, thu gom, sơ chế và chế biến các vị dược liệu. Lúc đó, nhà nhà cùng tham gia vào sơ chế, chế biến, ô tô chở nguyên liệu về rồi lại “ăn” hàng đi tiêu thụ nườm nượp, đỗ dài trên triền đê.

Khắp các bãi đất trống trong làng, ngoài đồng, trên triền đê…. đều được tận dụng để làm chỗ phơi dược liệu. Ông Nguyễn Văn Kiên – Trưởng thôn Thiết Trụ tâm sự, đây là nghề gắn với nghiệp cha ông để lại từ xa xưa, hơn nữa, lợi nhuận cũng cao hơn sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, dù biết việc tiếp xúc trực tiếp với diêm sinh hàng ngày gây hại đến sức khỏe, song, cũng chưa có giải pháp nào khắc phục. Theo ông Kiên, nếu trong quá trình hấp bị hở thì diêm sinh rò rỉ ra ngoài không khí khá nặng, ngay cả người dân bản địa dù đã quen nhưng cũng bị hắt hơi, sổ mũi….

Thêm vào đó, ông Kiên cũng lo lắng trước việc nước rửa các loại dược liệu sau công đoạn hấp diêm sinh có chứa các chất gây hại, nhưng lại được thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, vào cao điểm của mùa vụ, từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, hàng về dồn dập, nhà nhà ủ dược liệu ngay ngoài đường hoặc ngoài cánh đồng. Ông Hiển cũng nhìn nhận, việc chế biến, sơ chế dược liệu tại đây không thể tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào những tháng cao điểm sản xuất. Tuy nhiên, xã cũng chưa tổ chức thu gom rác tập trung, hay có biện pháp nào để cải thiện tình hình ô nhiễm trên các ao, hồ quanh làng.

Thêm vào đó, các công đoạn sơ chế dược liệu tại Thiết Trụ rất thiếu vệ sinh. Hầu hết mọi công đoạn đều được thực hiện ngay dưới đất, với cát, rác rưởi trộn lẫn. Khi được hỏi về khả năng đảm bảo vệ sinh, hầu hết người dân Thiết Trụ đều thanh minh rằng, đây mới là công đoạn sơ chế. Sau khi xuất cho các đại lý, họ còn qua nhiều công đoạn sao tẩm, chế biến khác nên công đoạn sơ chế dù có bẩn cũng không bị ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như vệ sinh sản phẩm? Có lẽ, cùng chính vì suy nghĩ vậy, nên ngay cạnh khu vực sơ chế, chế biến  dược liệu là các bao tải phân gà để bón ruộng!

Theo phunu.info
0/50 ratings
Bình luận đóng