Mục lục
Xích Trạch
Tên Huyệt:
Huyệt ở chỗ trũng (giống cái ao = trạch) cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa), vì vậy gọi là Xích Trạch (Trung Y Cương Mục).
Xuất Xứ:
Thiên ‘Bản Du’ (Linh khu 2).
Tên Khác:
Quỷ Đường, Quỷ Thọ,
Đặc Tính:
Huyệt Hợp, thuộc hành Thuỷ.
Huyệt tả của kinh Phế.
Vị Trí huyệt:
Gấp nếp khủy tay lại, huyệt ở chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay, bờ trong phần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.
Giải Phẫu:
Dưới da là bờ ngoài gân cơ 2 đầu cánh tay, rãnh 2 đầu ngoài, bờ trong gần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước và khớp khủy.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của thần kinh cơ-da và thần kinh quay.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.
Tác Dụng:
Thanh nhiệt thượng tiêu, giáng nghịch khí, tiêu trừ độc trong máu, tiết Phế viêm.
Chủ Trị:
Trị khủy tay đau, cánh tay sưng đau, ho, suyễn, họng viêm, amiđan viêm, ho ra máu.
Phối Huyệt:
1. Phối Thiếu Trạch (Tiểu trường.1) trị hụt hơi, hông đau, tâm phiền (Thiên Kim Phương).
2. Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Kinh Môn (Đ.25) + Y Hy (Bàng quang.45) trị vai lưng lạnh, trong bả vai đau do hư (Thiên Kim Phương).
3. Phối Âm Giao (Nh.7) + Hành Gian (C.2) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thủ Tam Lý (Đại trường.10) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị lưng đau do chấn thương, hông sườn đau (Châm Cứu Tụ Anh).
4. Phối Thần Môn (Tm.7) trị tay tê (Châm Cứu Đại Thành).
5. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) trị khủy tay sưng đau không giơ lên được (Châm Cứu Đại Thành).
6. Phối Đại Lăng (Tâm bào.7) + Gian Sử (Tâm bào.5) + Tiểu Hải (Tiểu trường.8) trị khủy tay sưng đau (Châm Cứu Đại Thành).
7. Phối Nhân Trung (Đc.26) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị lưng sườn đau do té ngã tổn thương (Châm Cứu Đại Thành).
8. Phối Chi Câu (Tam tiêu.6) + Côn Lôn (Bàng quang.60) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bàng quang.65) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị lưng đau do chấn thương (Châm Cứu Đại Thành).
9. Phối Khúc Trì (Đại trường.11) trị khủy tay co rút (Ngọc Long Ca).
10. Phối Côn Lôn (Bàng quang.60) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Hạ Liêu (Bàng quang.34) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bàng quang.65) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị lưng đau do tổn thương, khí thống (Y Học Cương Mục).
11. Phối Đàn Trung (Nh.17) + Phế Du (Bàng quang.13) + Thái Khê (Th.3) trị ho nhiệt (Thần Cứu Kinh Luân).
12. Phối Âm Giao (Nh.7) + Âm Lăng Tuyền (Tỳ 9) + Hành Gian (C.2) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Thủ Tam Lý (Đại trường.10) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị lưng và hông sườn đau do chấn thương (Thần Cứu Kinh Luân).
13. Phối Đại Chùy (Đc.14) thấu Kết Hạch Huyệt + Hoa Cái (Nh.20) thấu Toàn Cơ (Nh.21) trị lao phổi (Châm Cứu Học Thượng Hải).
14. Phối Uỷ Trung (Bàng quang.40) [xuất huyết], trị đơn độc, tà độc của thời khí (dịch) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
15. Phối Bá Hội (Đc.20) có tác dụng thanh não, khai khiếu (Châm Cứu Học Thượng Hải).
16. Phối Thiếu Xung (Tm.9) + Trung Xung (Tâm bào.9) có tác dụng định tâm, an thần (Châm Cứu Học Thượng Hải).
17. Phối Thiên Xu (Vị 25) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vị 36) có tác dụng tăng lực cho Vị khí (Châm Cứu Học Thượng Hải).
18. Phối Thiếu Thương (Phế 11) + Thương Dương (Đại trường.1) có tác dụng thanh nhiệt ở Phế, điều lý Trường Vị (Châm Cứu Học Thượng Hải).
19. Phối Kim Tân + Ngọc Dịch có tác dụng sinh tân dịch (Phối Huyệt Kinh Lạc Giảng Nghĩa).
20. Phối Cao Hoang (Bàng quang.43) + Đại Chùy (Đc.14) + Phế Du (Bàng quang.13) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thái Khê (Th.3) trị lao phổi (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng 0, 5 – 1 thốn – Ôn cứu 5 – 10 phút.
Ghi Chú:
(Nếu cứu, không được cứu bỏng thành sẹo sẽ làm hạn chế cử động.
Tham Khảo:
“Phế tả Xích Trạch bổ Thái Uyên”. Phế thực chứng, châm tả huyệt Xích Trạch, vì Phế thuộc Kim. Bản huyệt (Xích Trạch) thuộc hành Thủy, Kim sinh Thủy, Thủy là ‘tử’ (con) của Kim. Xích Trạch là ‘tử’ huyệt của Phế Kinh. Thực thì tả ‘tử’. Tả Xích Trạch để tả Phế Thực…” (Thập Nhị Kinh Tử Mẫu Bổ Tả Ca).