Kỳ I: Sâm giữa đại ngàn
TP – Gần 20 năm qua hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng để duy trì nguồn gien quý hiếm sâm Ngọc Linh song chỉ được 5-7ha. Vậy mà, một doanh nghiệp trẻ ở Kon Tum vừa hé lộ từ 13 năm qua anh đã âm thầm phát triển vùng sâm hơn 100 ha.
Trần Hoàn và Trần Hảo (cầm máy) giữa vùng sâm 100 ha. |
Giữa rừng già
Ngày 14 và 15-5, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum “mở cửa” công bố với lãnh đạo tỉnh và báo chí về vùng sâm Ngọc Linh. 5 giờ sáng, chúng tôi nhằm hướng Đăk Tô-Tu Mơ Rông. Trên đường đi, Thiếu tướng Lê Duy Hải-Giám đốc Công an Kon Tum vẫn bán tín bán nghi: Tôi nghe Hoàn (Trần Hoàn-Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Sâm Ngọc Linh) bảo trồng hơn 100 ha, song chưa tin. Phải xem tận mắt đã.
9 giờ 30 sáng những chiếc Land Cruiser hai cầu hết chỗ lăn bánh phải đi bộ leo núi. Đeo vào loại giày đặc chủng leo núi. Hành lý đã có những người dân địa phương khuân vác giúp. Mỗi người được phát một chiếc gậy. Nghe tin có chuyến đi này, tôi đã luyện đi bộ, chạy bộ cả tuần, cộng với lần leo lên Chùa Đồng Yên Tử cuối năm ngoái làm vốn. Nhưng những bước chân chỉ hăng hái được gần hai giờ leo núi là rã rời.
Gần 4 giờ trèo đèo lội dốc, qua hai lớp rào bảo vệ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đại bản doanh của những người trồng sâm Ngọc Linh ở độ cao 2.000m gần như quanh năm mây phủ.
Giữa đại ngàn, không gian tĩnh mịch, trong lành. Cây rừng cao chon von ngút tầm mắt che kín bầu trời để không quá 20% ánh sáng lọt xuống. Hầu hết cây rừng có rêu, tảo, dương xỉ đeo bám ký sinh. Những phiến đá kín rêu. Muông thú cũng hiếm loài sống được ở khu rừng già giá lạnh thế này ngoài chuột, chồn, hoẵng.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cây chè rừng thân to bằng đầu người, thẳng tắp, cao cả chục mét dễ đến mấy trăm năm tuổi. Dân địa phương quanh năm dùng nguồn chè tự nhiên này làm nước giải khát. Sâm Ngọc Linh có lẽ là loài thực sinh mỏng manh nhất của đại ngàn bởi mỗi năm chỉ mọc lên một cành lá vào mùa xuân đến cuối hạ đầu thu lụi tàn, ngủ đông mãi đến đầu xuân sau mới nhú mầm.
Nói là củ sâm, song thực chất là đốt của cây sâm Ngọc Linh, mỗi cây sâm chỉ ra một đốt, một năm, thân nằm trên mặt đất được lá rừng rụng xuống phủ kín nên gọi là củ.
Sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông (Kon Tum). |
Ngăn chim, diệt chuột, hót mùn nuôi sâm
Trần Hoàn sinh năm 1975 quê miền chiêm trũng Hà Nam, mới vào Tây Nguyên lập nghiệp từ năm 1994-1995. Năm 1997 khi làm gỗ thông ở xã Đăk Choong-Đăk Glei, Kon Tum, nghe người dân nói dùng sâm Ngọc Linh rất tốt anh mua vài tạ sâm tươi mang về phơi khô để gia đình dùng thử, riêng phần ngọn đốt sâm Hoàn bẻ ra giâm xuống đất. Sau một thời gian anh thấy chúng đâm rễ, nảy mầm.
Sâm Ngọc Linh bắt đầu khan hiếm dần, giá lên cả triệu đồng. Nghĩ đến một ngày cạn kiệt nguồn sâm tự nhiên, trong khi giá trị của sâm Ngọc Linh – qua tài liệu các nhà khoa học công bố – cực kỳ quý, Hoàn nảy sinh ý tưởng trồng sâm Ngọc Linh.
Từ năm 1998 hai anh em Trần Hoàn, Trần Hảo ( sinh năm 1976) gom góp vốn liếng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Đăk Choong, Đăk Glei. Vừa trồng khảo nghiệm và cho người tìm kiếm vùng đất có thể thích hợp với sinh trưởng của cây sâm, vừa đọc tài liệu khoa học. Không chỉ trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, Hoàn còn đưa cây sâm sang vùng núi cao Đà Lạt trồng thử.
Kết quả không như mong đợi, cây có sinh trưởng song các thành phần saponin trong củ sâm chỉ bằng ¼ so với sâm trồng ở Ngọc Linh. Năm 2003 sau khi khảo sát và thử nghiệm trồng sâm ở nhiều vùng , anh em Hoàn quyết định chọn Tê Xăng-Tu Mơ Rông làm điểm trồng sâm Ngọc Linh mặc dù đường sá đi lại rất gian nan cách trở.
Toàn bộ vùng sâm trồng ở Đăk Choong và những nơi khác được di thực về đây. Trần Hảo lên Đà Lạt mời Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt – chuyên gia hàng đầu về lai tạo các giống hoa, nay là Viện phó Viện Sinh học Tây Nguyên, nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh bằng biện pháp nuôi cấy mô.
Các anh đã nhân giống nuôi cấy mô thành công đưa về Tu Mơ Rông trồng từ năm 2008. Qua 4 năm thử nghiệm, ban đầu sâm nuôi cấy mô phát triển tốt, nhưng sau đó, cây không tăng trưởng bình thường như sâm trồng hạt hoặc giâm củ.
Để trồng được vùng sâm cả trăm ha, Trần Hoàn cho biết anh đã đầu tư vào đây không biết bao nhiêu sức người sức của. Ban đầu Hoàn mua toàn bộ củ sâm tươi do dân thu hái tự nhiên trong rừng về cắt ra giâm xuống. Tỷ lệ sống 20-30%. Mỗi ha sâm trồng từ 50.000 đến 55.000 gốc, mỗi cân sâm Ngọc Linh dăm bảy năm trước mua có lúc lên đến 50-60 triệu đồng, số tiền bỏ ra rất lớn. Song song với việc lấy giống từ chính những củ sâm, Hoàn cho người xuống tận vùng sâm Quảng Nam thu mua hạt.
Dần dần những cây sâm anh trồng cũng phát triển, cho hoa. Hoàn mừng hét lớn. Những hạt sâm vừa chín đỏ thì bỗng dưng một ngày chúng biến mất. Kỳ công quan sát các anh phát hiện thủ phạm là chim rừng. Bây giờ hàng vạn hoa sâm bé tí, mong manh khi chuyển màu từ xanh sang vàng, đỏ sẽ được người trồng dùng bao ni lông bao bọc cẩn thận để lấy hạt làm giống. Loài chuột cũng rất nghiện củ sâm, song công nhân đã khống chế được chúng.
Những luống sâm giống thẳng tắp, dày đặc đang sẵn sàng cho vụ trồng mới sắp tới. Anh Hồng –một người quản lý trực tiếp kể: Sâm Ngọc Linh được trồng hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không có tác động khoa học kỹ thuật bên ngoài.
Rừng già, độ ẩm cao, thảm thực bì rất dày. Người trồng phát dọn cây con, đào chặt gốc rễ cây, dọn sạch mặt đất, xẻ luống dọc theo sườn núi rồi bóc lớp mùn phủ lên từng luống một để tăng độ phì nhiêu cho đất. Những chỗ độ mùn thấp, công nhân phải leo tít lên đỉnh núi, nơi rừng bằng phẳng hót mùn từ lớp lá cây, gỗ mục mang về, cả ngày mỗi nhân công chỉ được ba bốn bao mùn.
Người trồng sâm sợ nhất là mưa bão khiến đất sạt lở, cây rừng gãy đổ. Một khoảng trời hé ra là lập tức các loại lưới chắn nắng phải giăng lên hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu vào thân cây sâm. Cành lá mỏng mảnh, thân nước của sâm Ngọc Linh không chịu nổi ánh nắng quá vài chục phút mỗi ngày.
Trần Hoàn cho rằng đây cũng là sự khác biệt giữa cây sâm Ngọc Linh thật với những thứ củ giả sâm Ngọc Linh. Có một loài củ rất giống củ sâm Ngọc Linh, khác chăng lá chĩa 7 cánh, song đối với những người làm giả, từ 5 lá tạo thành 7 hoặc ngược lại không phải việc khó.
Khi lá non mới ra, họ cắt bớt hai cánh, chỉ để lại 5 lá là thành sâm Ngọc Linh dỏm. Loại cây này rất mạnh, mang xuống đồng bằng vẫn sống được, để trong phòng tắm cây lá vẫn xanh, còn sâm Ngọc Linh mang về nhà là lá héo ngay, không sống được.
Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là: Panax vietnamensis, còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), người Xê Đăng gọi thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy tại Kon Tum năm 1973, mọc tập trung quanh đỉnh Ngọc Linh (cao 2.598 m) thuộc 9 xã của 3 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Trên độ cao 1.500 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá ngày càng cao, thậm chí cao hơn sâm Triều Tiên. |
Huỳnh Kiên-Theo Tiền Phong