Định nghĩa

Tập hợp những bệnh xảy ra ở hệ thống gân cơ và các túi thanh dịch nằm ở xung quanh khớp vai-cánh tay (khớp vai). Bệnh biểu hiện bởi triệu chứng đau có hoặc không kèm theo hạn chế động tác của khớp.

Căn nguyên

Người ta phân biệt thể nguyên phát hay gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, và thể thứ phát kết hợp với bệnh viêm đa khớp dạng thấp, hư khớp, hoại thư xương vô khuẩn, và bệnh sụn khớp nhiễm calci. Thể thứ phát cũng có thể xảy ra sau một chấn thương hoặc những chấn thương cực nhẹ bị đi bị lại nhiều lần.

Triệu chứng

ĐAU VAI ĐƠN THUẦN:

  • Viêm gân cơ trên gai: biểu hiện bằng đau khi dạng cánh tay tới một góc nhất định (đau khi treo móc vật gì lên cao ví dụ móc áo). Cảm giác đau là do gân cơ trên gai chuyển động ở trong khe mỏm cùng vai-xương cánh tay, nếu sờ nắn vào đây cũng làm cho bệnh nhân đau.
  • Viêm bao hoạt dịch cơ nhị đầu cánh tay (hiếm gặp): đau tự phát hoặc khi sờ ấn vào mặt trước của vai hoặc cản trở lại động tác dạng tay ra ngoài và lên trên.
  • Calci hoá (vôi hoá) gân cơ trên gai: cảm giác đau có thể xuất hiện đột ngột nhất là ‘ở phụ nữ 40 tuổi. Nếu cố gắng dạng cánh tay sẽ gây đau rất dữ dội, còn động tác xoay cánh tay vào trong thì vẫn thực hiện được. Sờ nắn cơ trên gai ở phía trước và phía ngoài mỏm cùng vai cũng gây đau dữ dội. Chẩn đoán được xác định khi chụp X quang thấy hình ảnh calci hóa (vôi hoá) gân cơ trên gai.

VAI GIẢ LIỆT: là do đứt một phần hoặc toàn bộ vòm các cơ xoay vai (xoay cánh tay), thường hay xảy ra nhất sau chấn thương. Bệnh nhân không thể dạng cánh tay ra ngoài và lên trên, hoặc xoay cánh tay ra ngoài, tuy nhiên, thày thuốc thực hiện giúp bệnh nhân được cả hai động tác này mà không làm bệnh nhân đau. Khám X quang thấy chỏm xương cánh tay trượt lên cao.

VAI ĐÔNG CỨNG HOẶC BỊ CHẶN ĐỨNG (viêm bao khớp co kéo): do bao khớp co kéo. Sau một thời kỳ đau cách quãng, bệnh diễn biến tăng dần tới tình trạng hạn chế động tác cả chủ động lẫn thụ động hơi đau hoặc không đau. Những động tác xoay vào trong, đưa cánh tay ra trước rồi dạng ra ngoài thường hay bị hạn chế nhất. Khám X quang thấy bình thường. Chụp nhấp nháy xương dương tính trong 90% trường hợp. Chụp khớp thấy bao khớp bị co nhỏ lại.

Chẩn đoán phân biệt

  • Tất cả những hội chứng đau do nguồn gốc từ vùng cổ: hư khớp đốt sống cổ, bệnh thấp khu trú ở cổ, bệnh Pott cột sống cổ.
  • Đau loạn dưỡng do thần kinh giao cảm ở chi trên hoặc hội chứng vai-bàn tay.
  • Bệnh cơ nguyên phát tiến triển typ Landouzy-Dejerine(mặt-vai-cánh tay) hoặc typ Erb(vai-cánh tay).
  • Những trường hợp nguồn gốc tai mũi họng:
  • Hội chứng Bezold:viêm amidan, viêm tai, viêm xương chũm, nhiễm khuẩn lan tràn vào tới bao cơ ức đòn chũm.
  • Hội chứng Grisel:bán trật khớp của đốt đội và vẹo cổ tiếp sau nhiễm khuẩn mũi họng hoặc sau khi cắt amidan.

Điều trị

  • Đau vai đơn thuần: cho các thuốc giảm đau kinh điển (acid salicylic) và thuốc chống viêm không steroid cũng đủ. Tuy nhiên, nếu đau dai dẳng, thì phong bế corticoid vào cạnh vị trí tổn thương. Trong trường hợp gân cơ bị calci hoá (vôi hoá), và nếu đau dai dẳng thì có thể dùng liệu pháp bức xạ chống viêm.
  • Calci hoá cơ trên gai: trong trường hợp điều trị triệu chứng thất bại, thì các tinh thể hydroxyapatit hình thành apxe gọi là apxe hoá chất có thể được làm tan ra bằng kim với máy khuếch đại độ sáng chói, hoặc mổ lấy đi.
  • Vai giả liệt:liệu pháp vận động thận trọng. Trong trường hợp không thành công, thì có thể xem xét chỉ định phẫu thuật khâu lại vòm cơ xoay vai (xoay cánh tay), nếu bệnh nhân còn trẻ.
  • Vai đông cứng: phong bế corticoid và/hoặc thuốc chống viêm vào thời kỳ bị đau, và liệu pháp vận động tăng dần vào thời kỳ không đau. Liệu pháp vận động quá mạnh có thể gây tổn thất không hồi phục. Calcitonin có thể có hiệu quả giảm đau.

GHI CHÚ: hội chứng góc xương vai có đặc điểm là đau lan lên gáy và xuống cánh tay, kết hợp với co cứng cơ góc, và cơ thang. Hội chứng này gây ra bởi hư khớp đốt sống cổ, bởi tư thế lao động co quắp, và stress. Điều trị: thuốc giảm đau, sửa chữa các tư thế xấu, làm giãn các cơ bị co cứng (bằng nhiệt, bằng liệu pháp vận động).

Viêm quanh khớp đọng calci đặc hiệu bởi lắng đọng các tinh thể calci hydroxyapatit trong các gân, các dây chằng, các mô cạnh gân và cạnh dây chằng. Tổn thương calci hoá quanh khớp này chủ yếu xảy ra ở những khớp cổ tay và bàn tay, và đôi khi gây ra phản ứng viêm cấp tính, cần phải chẩn đoán phân biệt với cơn bệnh gút hoặc viêm tại chỗ. Thông thường, tổn thương calci hoá như thế sẽ hết đi sau một vài tuần nghỉ ngơi và cho các thuốc chống viêm không steroid.

0/50 ratings
Bình luận đóng