Thận dương hư còn gọi là Mệnh môn hoả suy, tên gọi chung cho những biểu hiện lâm sàng nguyên dương bất túc, mất chức năng khí hoá không còn tác dụng sưởi ấm, làm cho thủy thấp thịnh ở trong và cơ năng suy nhược; phần nhiều do lao thương quá độ, tuổi cao Thận yếu và ốm lâu liên lụy đến Thận gây nên.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sợ lạnh, sắc mặt trắng bệch, lưng gối mỏi và lạnh, tiểu tiện trong lượng nhiều hoặc són đái, phù thũng từ lưng trở xuống nặng hơn, dương nuy hoạt tinh, phụ nữ thì đái hạ trong và lạnh, dạ con nhiễm lạnh không thụ thai, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch bộ Xích Trầm Tế hoặc Trầm Trì.
Chứng Thận dương hư thường gặp trong các bệnh Hư lao, Dương nuy, Long bế, Thủy thũng, Tiết tả, Đái hạ, Háo suyễn v.v…
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận khí hư, chứng Thận âm dương đều hư, chứng Tỳ Thận dương hư, chứng Tâm Thận dương hư.
Phân tích
Chứng Thận dương hư có thể xuất hiện trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng đều có đặc điểm nhất định, điều trị cung không hoàn toàn giống nhau, cần phải phân tích.
Như trong bệnh mạn tính Tiết tả xuất hiện chứng Thận dương hư, thường biểu hiện đặc điểm “ngũ canh tiết tả” như tang tảng sáng đau vùng quanh rốn, ruột sôi ỉa chảy, sau khi ỉa chảy đau giảm và chân tay lạnh. Đây là do Thận dương bất túc, hoả không sinh thổ, Tỳ không vận chuyển mạnh gây nên. Trương Cảnh Nhạc nói: “Bây giờ đặc điểm khí ở trong thổ bất túc thì mệnh môn hoả suy, vào lúc âm hàn cựcịnh, khiến người ta ỉa toé không dứt”; Điều trị nên ôn Thận kiện Tỳ, cho uống bài Tứ thần hoàn (Phụ nhân lương phương).
Nếu trong bệnh Thủy thũng xuất hiện chứng Thận dương hư, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm của chứng Âm thủy !!!!nhự toàn thân phù thũng, từ lưng trở xuống nặng hơn, ấn vào lõm lâu không nổi, tiểu tiện lượng ít, lưng đau mỏi và nặng, chân tay quyết lạnh, lưỡi nhạt bệu và có vết răng; Đây là do Thận dương suy nhược, sự đóng mở kém, khí hoá ở Bàng quang không bình thường, thủy dịch ứ đọng đến nỗi tràn lan mà thành thủy thũng; Dụ Gia Ngôn nói: “Thận khí từ Âm thì đóng lại, Âm quá thịnh thì cửa thường đóng kín mà nước không thông gây nên thũng”; điều trị nêu ôn Thận hoá khí lợi thủy, cho uống bài Chân vũ thang (Thương hàn luận).
Chứng Thận dương hư gặp trong bệnh Long bế, đặc điểm lâm sàng là tiểu tiện không thông hoặc giỏ giọt khó đi, sức bài tiết yếu, lưng gối mỏi lạnh, đa số do Thận dương bất túc, Mệnh môn hoả suy “không Dương thì Âm không hoá được”, Bàng quang mất chức năng khí hoá gây nên bệnh; Điều trị theo phép Ôn Thận ích khí, bổ Thận thông khiếu, cho uống bài Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương).
Nếu bệnh Dương nuy gặp chứng Thận dương hư, có đặc điểm là dương sự không cương cứng, hoặc cương mà không bền, hoạt tinh, tinh thần uỷ mị, lưng gối ê mỏi; phần nhiều do đam mê phóng túng, Thận tinh suy tổn, mệnh môn hoả suy, tinh khí hư lạnh gây nên; Điều trị nên bổ Thận tráng dương, dùng bài Tán dục đan (Cảnh Nhạc toàn thư).
Trong bệnh Hư lao gặp chứng Thận dương hư, biểu hiện các chứng trạng sợ rét tay chân lạnh, ỉa chảy trong loãng, tiểu tiện trong lượng nhiều, lưng và xương sống đau mỏi, di tinh, dương nuy, lý do ốm lâu tích hư thành tổn, chân dương suy dần không khả năng sưởi ấm Tạng Phủ gây nên; điều trị theo phép ôn bổ Mệnh môn kiêm nuôi dưỡng tinh huyết, cho uống bài Hữu qui hoàn(Cảnh Nhạc toàn thư) và Quy Lộc nhị tiên cao (Lan Đài qũy phạm).
Chứng Thận dương hư gặp trong bệnh Háo suyễn, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm Thận không nạp khí, có chứng trạng khí hư suyễn gấp, thở ra nhiều, hút vào ít, động làm thì suyễn nặng, chân tay lạnh, mặt tái, lưỡi nhợt, mạch Hư Phù; Đây là do Thận là gốc của Khí, háo suyễn lâu ngày, Thân khí khuy tổn, hạ nguyên không bền, khí không nhiếp nạp gây nên. Sách Chứng trị chuẩn thằng nói: “Chân nguyên hao tổn, suyễn sinh ra do Thận khí dồn lên trên”; điểu trị nên ôn Thận nạp khí, dùng bài Nhân sâm hồ đào thang (Tế sinh phương)hoặc Thận khí hoàn (Kim Quỹ yếu lược).
Tóm lại, chứng hậu tuy giống nhau, nhưng trong những tật bệnh khác nhau, chứng trạng biểu hiện có đặc sắc riêng, lâm sàng căn cứ vào những đặc điểm bệnh chứng ấy mà phân tích cho rõ.
Mặt khác, chứng Thận dương h phần nhiều phát sinh ở người cao tuổi thể lực yếu, bởi vì tuổi cao thì nguyên dương suy dan, thường có những chứng trạng tinh thần chậm chạp, sắc mặt không tươi, động làm thì thở dốc, lưng gối ê mỏi, sợ lạnh chân tay lạnh, ban đêm hay đi tiểu hoặc tiểu tiện giỏ giọt không gọn bãi; Phụ nữ gặp chứng Thận dương hư, biểu hiện chủ yếu là đái hạ dằng dai mà trong loãng, chu kỳ kéo dài hoặc bế kinh, tử cung bị lạnh khó thụ thai; đó là do mỗi con người khác nhau, điều trị cần “nhân nhân chế nghi”.
Thận là gốc của Tiên thiên, bên trong ngụ có Mệnh môn chân hoả tức là chân dương, cho nên phần dương ở năm Tạng con người, đều phải nhờ vào nguyên dương ở trong Thận mới sinh phát được, tật bệnh phát triển đến giai đoạn Thận dương hư suy thường nói lên bệnh trình rất sâu nặng. Trong quá trình diễn biến bệnh cơ, thường thấy nổi lên hai tình huống: Một là do nguyên dương ở trong Thận suy vi, dương khí không vận hành, mất chức năng khí hoá, sự mở đóng không lợi đến nỗi thủy thấp, đàm trọc, ứ huyết là những âm tà ứ đọng, xuất hiện các chứng trạng trọc âm nghịch lên như sắc mặt tối sạm, tinh thần chậm chạp, thậm chí thần thức lơ mơ, choáng váng, lợm lòng nôn mửa, tiểu tiện ít hoặc không tiểu tiện được, toàn thân phù thũng, chất lưỡi tối sạm. Hai là do Thận dương hư suy lại do cảm nhiễm ngoại tà trực trúng, hoặc dùng phép hãn hạ thái quá, hoặc ốm lâu nguyên dương kiệt dần, dương vi âm thịnh, dần dần đi đến chia lìa, xuất hiện các chứng trạng dương khí muốn toát như mồ hôi ra đầm đìa, mồ hôi trong loãng và lạnh, sợ lạnh nằm co, chân tay không ấm, thần thức lơ mơ, mạch muốn tuyệt. Bệnh tật đến lúc này, nên cứu vãn phần dương sắp mất, cứu được một phần dương khí may ra có cơ hội sống một phần.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Thận khí hư với chứng Thận dương hư: Khí thuộc Dương, chứng Thận khí hư vốn thuộc phạm vi chứng Thận dương hư, nguyên nhân và cơ chế bệnh của hai chứng này biểu hiện lâm sàng mười phần giống nhau nhưng cũng có chỗ khác nhau nhất định. Khái niệm về Thận dương rộng hơn so với Thận khí; Chứng Thận dương hư có thể bao quát cả chứng Thận khí hư; Chứng Thận dương hư có thể là chứng Thận khí hư phát triển thêm một bước.
Bàn theo nguyên nhân bệnh, chứng Thận dương hư hoặc do bẩm phú bạc nhược, thể chất vốn dương hư; Ôm lâu không khỏi, liên lụy đến Thận dương. Hoặc là phòng lao quá độ, hạ nguyên khuy tổn. Hoặc tuổi cao thể lực yếu, nguyên dương bất túc gây nên. Dương hư thì không sưởi ấm được mình mẩy chân tay, cho nên sợ lạnh tay chân lạnh. Lưng là phủ của Thận, Thận dương hư thì lưng gối mỏi và lạnh. Thận chủ chứa tinh, nguyên dương bất túc, tinh khí không bền, nên có chứng dương nuy hoạt tinh, phụ nữ đái hạ ra trong loãng, tử cung bị lạnh không thụ thai. Thận chủ thủy, cai quản đại tiểu tiện, dương hư thì mở đóng không lợi, khí hoá mất quyền, thủy thấp tích đọng lại mà thành phù thũng. Xích mạch thuộc Thận, cho nên mạch bộ Xích Trầm Tế hoặc Trì. Chứng Thận khí hư cũng có thể do tiên thiên bất túc, mệt nhọc quá độ, ốm lâu liên lụy đến Thận, là những nguyên nhân dẫn đến chứng này. Nhưng bệnh biến chưa đạt tới giai đoạn thương dương, chứng trạng lâm sàng chủ yếu biểu hiện váng đầu, ù tai, sức nghe kém, lưng gối mềm yếu, hay tiểu tiện ban đêm, hoạt tinh tảo tiết, mạch Tế Nhược. Còn chứng Thận dương hư, ngoài những biểu hiện như nói ở trên, còn có chứng trạng dương khí bất túc như sắc mặt trắng nhợt, sợ lạnh tay chân lạnh, liệt dương, đái hạ trong lạnh, chi dưới phù thũng, rêu lưỡi trắng, mạch Trì v.v… Dương hư thì thấy hiện tượng về Hàn, Khí hư thì hiện tượng vê Hàn không rõ rệt, căn cứ vào đó mà chẩn đoán phân biệt.
Chứng Thận âm dương đều hư với chứng Thận dương hư: Căn cứ vào lý luận Âm Dương hỗ căn Âm tổn hại liên lụy đến Dương, Dương tổn hại liên lụy đến Âm, chứng Thận âm dương đều hư với chứng Thận dương hư vừa có mối liên hệ về cơ chế bệnh lại có chỗ khác nhau. Loại trên có thể do chứng Thận dương hư phát triển nên, hoặc là do diễn biến của chứng Thận âm hư gây nên. Nếu ở thể trạng Thận dương đã hư, dằng dai chữa trị không đúng, dương tổn hại thì âm không hoá được; hoặc vì uống quá nhiều loại thuốc ôn Thận trợ dương, ôn nhiệt hun đốt phần âm; hoặc là cảm nhiễm nhiệt tà, Thận âm bị hun đốt, tạo thành Thận âm dương đều hư; hoặc là Thận âm bị hư từ trước, Dương không nơi dựa mà sinh ra, cũng có thể phát triển thành chứng Thận âm dương đều hư; Biểu hiện lâm sàng có các chứng sợ lạnh mà lòng bàn tay chân nóng, miệng khô họng ráo, chỉ ưa uống nóng, tai ù, ra mồ hôi trộm, lưng gối ê mỏi, dương nuy di hoạt tinh, tiểu tiện trong dài hoặc giỏ giọt không hết, gốc lưỡi có rêu trắng, chất lưỡi hơi đỏ, mạch ở bộ Xích Tế Nhược hoặc Đới Sác, rõ ràng một loại hiện tượng dương suy âm thịnh so với chứng Thận dương hư đơn thuần khác hẳn nhau.
Chứng Tỳ Thận dương hư với chứng Thận dương hư: Tỳ thuộc Thổ, Thận là Tạng của Thủy Hoả. Thổ có thể chế Thủy. Hoả có thể sinh Thổ. Hai tạng Tỳ Thận có mối quan hệ chặt chẽ về sinh lý. Hình thành chứng Tỳ Thận dương hư, thường do những nhân tố ăn uống mệt nhọc, ỉa chảy lâu không dứt đến nỗi Tỳ dương bị hao tổn, kéo dài chữa chạy không kịp thời, Tỳ bị bệnh liên lụy đến thổ tạo nên cả hai phần dương của Tỳ Thận đều hư; Cũng có thể do Thận dương hư từ trước, mệnh môn hoả bất túc, hoả không sinh thổ, vận chuyển của Thổ không mạnh dần dần tiến tới Tỳ dương cũng suy, lâm sàng có thể xuất hiện các chứng trạng tinh thần mỏi mệt yếu sức, sắc mặt úa vàng hoặc trắng nhợt kém tươi, phù thũng toàn thân, lưng gối nặng nề, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Nhu Nhược v.v… Còn chứng Thận dương hư thì trọng điểm là mệnh môn hoả suy mất chức năng khí hoá, cho nên lâm sàng ngoài các chứng trạng thủy thấp thịnh ở trong, còn biểu hiện khá rõ rệt các chứng trạng lưng gối mỏi lạnh, dương nuy hoạt tinh, đới hạ trong lạnh do hạ nguyên hư lạnh, suy giảm sự hứng khởi về sinh lý, nhưng không biểu hiện sắc mặt úa vàng, biếng ăn trướng bụng, đại tiện ra đồ ăn không tiêu là những chứng trạng do Tỳ không vận chuyển mạnh. Đó là những cơ sở để chẩn đoán phân biệt.
Chứng Tâm Thận dương hư với chứng Thận dương hư: Tâm chủ quân hoả, Thận chủ tướng hoả. Tâm dương giúp cho sự vận chuyển của huyết, Thận dương chủ về khí hoá. Trong trạng thái bệnh lý, phần dương của Tâm và Thận có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Chứng Tâm Thận dương hư có thể do những nhân tố phòng lao, ốm lâu, chân nguyên khuy tổn, dẫn đến Thận dương bất túc, khí hoá mất chức năng, thủy thấp tràn lan, tiếp theo là xâm lăng lên Tâm, Tâm dương bị chèn ép, tạo nên phần dương của cả Tâm Thận đều hư. Hoặc có thể là phát hãn quá độ, lao tâm quá mức hoặc đờm trọc, là những nhân tố làm thương tổn Tâm dương liên lụy đến Thận, quân hoả không mạnh, tướng hoả không đầy đủ dẫn đến hàn Dương của Tâm Thận đều hư, lâm sàng có thể thấy các chứng trạng thân thể lạnh, sợ vận động, vùng mặt phù nhẹ, sắc trắng nhợt, hồi hộp sợ sệt, động làm thì thở gấp, tự ra mồ hôi, tiểu tiện không lợi, phù thũng ấn lõm sâu không nổi, chất lưỡi tía tối, rêu lưỡi trắng, mạch Hư Nhược hoặc Kết Đại.
Chứng Tâm Thận dương hư với chứng Thận dương hư, tuy đều xuất hiện những chứng trạng dương hư và thủy thấp ứ đọng, nhưng loại trên là do Tâm dương cũng suy, Tâm chủ huyết, bộ vị ở trong ngực, Tâm dương hư thì có các chứng trạng Hung dương khó chịu, huyết vận hành không lợi, hoặc có các chứng hồi hộp sợ sệt, động làm thì thở gấp, chất lưỡi tía tối, khác với chứng đơn thuần là Thận dương hư.
Thận thuộc Kinh Túc Thiếu âm, vị trí ở phương Bắc, thuộc Nhâm Quý Thủy. Bên Tả là Thận kinh, bên Hữu là Mệnh môn, cùng biểu lý với Kinh Túc Thái dương Bàng quang. Thận tinh quý ở chỗ rít chặt, Bàng quang lại thường muốn khí hoá; Nếu buông thả khoái lạc tình dục, thất trí hại Thận hoặc dùng quá nhiều thuốc khoáng vật tạo nên tình thế cả hư và thực, do đó mà xuất hiện cả hàn và nhiệt. Nếu là hư, thời hư sinh hàn, hàn thì lưng đau xiên suốt không cúi ngửa được, bắp chân yếu mỏi, phần nhiều sợ phong hàn, chân tay giá lạnh, đoản hơi, khớp xương nhức, rốn và bụng rắn đau, sắc mặt đen sạm, hai tai ù, cơ bắp và xương khô khan, tiểu tiện vặt nhiều lần, mạch Phù Tế mà Sác, đó là chứng hậu Thận hư (Thận – Bàng quang hư thực luận trị – Tế sinh phương).
Thận là Thủy tạng, chân dương ở bên trong. Thủy suy thì chân dương mất nơi ẩn náu mất nơi dựa, cho nên muốn củng cố Dương trước tiên phải bổ Thủy (Mệnh môn – Tạng Phủ tiêu bản dược thức).
Thận bị hàn, Thận bi hư, mạch ở Xích bộ tả và hữu tất Trầm Trì, có chứng trạng thuộc mệnh môn hoả suy, là không muốn ăn, là ỉa chảy vào lúc tảng sáng, là chứng Thiên trụ cốt đảo, nằm co quyết lạnh, là chứng Bôn đồn (Thận bộ – Bút hoa y kính).