TÁO NHÂN

Semen Ziziphi
Dược liệu là hạt già phơi hoặc sấy khô của cây táo ta – Ziziphus mauritiana Lamk. (=Z.jujuba Lam.), họ Táo ta – Rhamnaceae. Hạt táo đã được ghi vào Dược điển Việt Nam. Trung Quốc dùng hạt của cây Z.jujuba Mill. hoặc Z.vulgaris var. spinosus.
Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ cao 2-4 m có gai, cành nhiều. Lá hình trứng, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới có lông trắng, có 3 gân dọc lồi lên rõ. Hoa màu vàng xanh, mọc thành xim ở kẽ lá. Quả hạch. Vỏ ngoài nhẵn bóng, lúc non màu xanh khi chín màu hơi vàng. Thịt quả ăn được, vị chua chát hơi ngọt. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nhiều chủng loại táo sai quả, quả to, vị ngon, ngọt trồng khắp nơi trong nước ta.

Bộ phận dùng

– Hạt hình con bọ rùa, một mặt khum, một mặt phẳng, một đầu nhọn; vỏ hạt màu nâu bóng, cứng khó bóc. Hạt dài 5-8 mm, rộng 4-6 mm, dày 2-3 mm. Cắt dọc sẽ thấy rõ nội nhũ trắng đục dính vào 2 lá mầm chứa nhiều dầu. Thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Để dễ lấy hạt người ta đem xay cho vỡ hạch và sàng lấy hạt rồi phơi hoặc sấy 50-600C thật khô.
– Lá thu hoạch sau mùa quả.


Thành phần hoá học

– Thành phần hạt táo Z.jujuba Mill. có các saponin: jujubosid A và jujubosid B, khi thủy phân thì trong thành phần của đường xác định có glucose, rhamnose, arabinose, xylose. Phần aglycon là jujubogenin một sapogenin thuộc nhóm dammaran. Hạt còn chứa các peptid alkaloid có tên là sanjonine (14 chất). Ngoài ra còn có acid betulinic, betulin là các triterpenoid thuộc nhóm lupan và một số thành phần khác như chất béo, vit.C.

Jujubogenin
Betulin R= CH2OH

Acid betulenic R= COOH
Vỏ thân của Z.jujuba Mill. có các alkaloid: mauritin A, mucronin D, amphibin H, numularin A,B, jubanin A,B.
– Từ Z.mauritiana Lam. , Tschesche (1974) đã phân lập và xác định được các alkaloid: mauritin C,D,F. Các alkaloid trên cũng là các peptid alkaloid đã được biết cấu trúc. Lá có chứa chất rutin.
– Hạt của Z.vulgaris var. spinosus ngoài saponin có các chất C-flavon glycosid: spinosin (0,15%), feruloylspinosin (0,10%), sinapoylspinosin (0,09%), p.coumaroylspinosin (0,03%) và swertisin.

R= H Swertisin
R = glc Spinosin

Tác dụng và công dụng

Dung dịch chiết bằng nước từ toan táo nhân của Trung quốc đã được thí nghiệm trên chuột thấy có tác dụng an thần, tác dụng này giống như thuốc ngũ barbituric. Hoạt chất được biết có tác dụng an thần là saponin và các flavon C-glycosid đặc biệt là spinosin.
Trong y học cổ truyền, toan táo nhân được dùng làm thuốc an thần dùng trong các trường hợp mất ngủ, hồi hộp, suy nhược thần kinh. Liều 0,8-1,8 g. Nếu sao đen có thể dùng đến 6 g.
Theo kinh nghiệm nhân dân, lá táo sắc uống dùng để chữa dị ứng, hen; liều 20-40 g. Có thể chế thành sirô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng