Đại cương

Lịch sử và sinh lý

  • Năm 1765, tác dụng điều trị trên lâm sàng của oxy được Priestley và Lavoisier phát hiện.
  • Oxy ở trong cơ thể: trong cơ thể oxy tồn tại ở hai dạng

+ Dạng thứ nhất gắn với hemoglobin: đây là lượng oxy quan trọng nhất. Cứ 1g hemoglobin có khả năng gắn kết với 1,34ml oxy và 100ml máu (nếu bão hòa hoàn toàn) có thể vận chuyển được 20,1ml oxy. Từ đó căn cứ vào lượng hemoglobin thực tế có thể tính được thể tích oxy trong máu và ngược lại. Khi phân áp oxy là 100mmHg thì hemoglobin được chuyển thành oxyhemoglobin gần như hoàn toàn (98%).

+ Dạng thứ hai: oxy hòa tan trong huyết thanh và phân phối trực tiếp cho các mô. Lượng oxy hòa tan trong huyết thanh phụ thuộc vào quy luật hòa tan của các chất khí (định luật Henry).

Rối loạn cung cấp oxy

Thiếu oxy (hypoxy)

  • Định nghĩa: thiếu oxy là tình trạng rối loạn cung cấp oxy, trong đó phân áp oxy không đù cao để đáp ứng đầy đủ oxy cho các cơ quan đích.
  • Nguyên nhân:

+ Thiếu oxy trong máu động mạch: do thiếu oxy trong khí thở, thở không thỏa đáng hay rối loạn thẩm thấu qua mao mạch phế nang.

+ Rối loạn tuần hoàn: ở các bệnh nhân cỏ bệnh cơ tim, tình trạng sốc mất máu hoặc những thay đổi mạch ngoại vi.

+ .Rối loạn vận chuyển oxy trong máu: giảm số lượng của hồng cầu hoặc máu bị nhiễm độc.

+ Nhiễm độc các men (ví dụ cyanid): các chất độc hô hấp loại này không tác động lên trung khu hô hấp mà ngăn cản vận chuyển và khai thác oxy trong máu.

  • Lâm sàng:

+ Các dấu hiệu của thiếu oxy là: khó thở, thở gấp, tăng huyết áp, mạch nhanh; đối với các trường hợp nặng thì hạ huyết áp, người tím tái. Mạch nhanh và tăng huyết áp là do tăng trương lực giao cảm; nhưng nếu như tình trạng thiếu oxy vẫn tiếp tục tiếp diễn sẽ dẫn đến mạch chậm, hạ huyết áp và ngừng tim, đặc biệt ở người cao tuổi và những người bị chẹn hoạt tính giao cảm.

+ Đối với các cơ quan đích:

Tế bào não sẽ bị chết sau khi thiếu oxy 5 phút.

Cơ tim thiếu máu được hồi sinh, sau sẽ bị suy tim.

Thận, gan cũng bị ảnh hưởng do thiếu oxy, thiếu năng lượng….

  • Điều trị:

+ Điều trị nguyên nhân.

+ Phải nâng thể tích và áp lực oxy trong máu cũng như trong tổ chức của cơ quan đích.

+ Tuy nhiên, không phải trường hợp thiếu oxy nào cũng dùng liệu pháp oxy, vì bên cạnh lợi ích điều trị oxy cũng gây nên các tác dụng phụ.

Tăng áp oxy (hyperoxy)

  • Liệu pháp oxy cao áp: là phương thức đưa oxy vào cơ thể trong một buồng cao áp, đảm bảo cung cấp oxy cho cơ thề tốt hơn.
  • Cơ sở sinh lý:

+ Theo định luật Boyle-Mariott: khi áp lực cao, thể tích các bóng khí sẽ giảm. Theo định luật này, khi ở trên bề mặt nước thì thể tích một bóng khí sẽ là 100%, tăng áp lực lên thành 2ata thể tích bóng khí giảm đi còn 80%, ở áp lực 5ata thể tích bóng khí còn là 58,5%. Định luật rất có ý nghĩa trong ứng dụng điều trị bệnh tắc mạch do khí ở thợ lặn (bệnh Caisson).

+ Theo định luật Henry: khi tăng áp lực, hemoglobin sẽ bão hòa hoàn toàn với oxy và mức độ hòa tan trong máu của oxy tinh khiết sẽ tăng lên; dẫn đến lượng oxy được cung cấp có thể tăng tới 34%.

  • Ứng dụng lâm sàng:

+ Điều trị hoại thư sinh hơi.

+ Ngộ độc carbonmonoxyd (CO).

+ Bệnh Caisson.

+ Tắc mạch do khí.

Tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh

  • Năm 1878, Paul Bert là người đầu tiên chỉ ra tác dụng không mong muốn của oxy cao áp đối với hệ thần kinh; đó là các triệu chứng giống như cơn động kinh toàn thể co cứng – co giật (có thể co giật ở các bệnh nhân này là do không thở được carbonic ra ngoài, do toan máu, co thắt mạch…), cũng có khi thấy liệt chân tay.
  • Về giải phẫu bệnh:

+ Người ta thấy hoại tử mô não sau khi ngộ độc oxy.

+ Một giờ sau khi co giật do oxy cao áp: quan sát thấy những thay đổi của các tế bào hạch (ganglion cell).

  • Điều trị:

+ Để tránh các tác dụng phụ cần lưu ý thời gian chịu đựng của bệnh nhân (như: không được cho thở oxy tinh khiết 100% quá 6 – 8 giờ trong môi trường áp lực bình thường; trường hợp phải điều trị lâu dài thì chỉ được duy trì các chỉ số khí máu động mạch và mao mạch ở mức độ bình thường; tốt nhất là cho thở ngắt quãng và giảm dần tới áp lực bình thường.

+ Các thuốc bảo vệ: alanin, glycin…

+ Các thuốc chống độc cấp: an thần (pentobarbital), chống co giật (benzodiazepin), magnesium sultphat…

+ Truyền huyết thanh ngọt trương.

0/50 ratings
Bình luận đóng