Tên khác:  Gừng nhà, gừng trồng, khương, co khinh (Thái), sung (Dao)

Tên khoa học: Zingiber officinale Roscoe Họ Gừng (Zingiberaceae)

MÔ TẢ

Cây thảo có thân rễ phân nhánh. Lá mọc so le thành hai dãy, không cuống, bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc từ thân rễ trên một cán dài, do nhiều vảy xếp lớp, càng lên trên càng dài và rộng hơn; lá bắc màu lục, mép màu vàng, đài có 3 răng ngắn, trang 3 thùy có ống, 1 nhị, cánh môi màu vàng, mép viền tía, bầu nhẵn.

Quả nang, ít gặp.

Cả cây có mùi thơm nóng.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.

Cây Gừng
Cây Gừng

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Gừng phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, chủ yếu là châu Á gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam A.

Ở Việt Nam, gừng được trồng từ lâu đời và phổ biến khắp nơi từ vùng đồng bằng đến miền núi cao, kể cả các hải đảo xa xôi. Trong nhân dân, gừng có loại củ to là gừng trâu và loại củ nhỏ là gừng gié. Tất cả đều được sử dụng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIÊN

Thân rễ gừng (thường gọi là củ), thu hoạch vào mùa thu – đông khi một số lá gần gốc tàn úa, dùng tươi hoặc phơi, sấy nhẹ cho khô.

Tùy theo cách chế biến khác nhau mà được gừng tươi (sinh khương, để sống), gừng khô (can khương), gừng tươi nướng chín (ổi khương), gừng khô thái lát, sao sém vàng, đang nóng, vẩy ít nước (tiêu khương), gừng thái lát, sao cháy thành than (thán khương). Ngoài ra, gừng khô đã bào chế là bào khương.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Thân rễ gừng chứa tinh dầu với thành phần là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic như P-zingiberen, a-curcumenen, geraniol, borneol, a-camphen, các gingerol. Chất cay trong gừng chính là gingerol.

Lá gừng cũng có tinh dầu với hàm lượng thấp.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Gừng có những tác dụng chủ yếu như hạ nhiệt, giảm sốt, giảm đau, giảm ho, chổng co thắt, kích thích tiêu hóa, chống nôn, chống viêm, cường tim, ức chế thần kinh.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Gừng là vị thuốc cổ điển và phổ biến. Gừng tươi để cả vỏ, giã nhỏ, tẩm rượu, xào nóng, bọc vào một mảnh vải hoặc miếng xô cùng với tóc rối, xát mạnh và miết khắp người để chữa cảm gió, cảm cúm, thân thể đau mỏi, nhức đầu. Hình thức này rất phổ biến trong nhân dân gọi là “đánh gió”. Gừng khô tán nhỏ với liều 1 – 2g, chiêu với nước chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy chướng, nôn mửa, tiêu chảy. Gừng tươi nướng chín, ngậm ít một, nuốt nước dần dần chữa ho, rát cổ, khản tiếng, viêm họng. Gừng nướng cháy thành than tán bột, uống hoặc rắc vào vết thương làm thuốc cầm máu.

Dạng rượu gừng cũng được dùng rất phổ biến để chữa buồn nôn, nôn mửa (ngậm rượu gừng ít một làm nhiều lần, nuốt nước dần dần), chữa kém ăn, ho mất tiếng, tiêu chảy (uống rượu gừng mỗi lần 10 – 20ml, ngày 2 – 3 lần).

Cách pha chế rượu gừng: Gừng tươi (đôi khi cả gừng khô), rửa sạch, để ráo nước, để nguyên vỏ, giã nát và ngâm vào rượu 35 – 40° với tỷ lệ 1 phần dược liệu và 5 phần rượu trong bình kín. Sau khoảng 10 – 20 ngày (đế càng lâu càng tốt) thì dùng được.

BÀI THUỐC

  • Chữa ho, khó thở: Gừng tươi (3 – 4g), lá trầu không (4 – 8g) rửa sạch, giã nhỏ, hòa với ít nước, chắt uống làm một lần trong ngày.
  • Chữa ho lâu ngày: Gừng tươi giã lấy nước cốt (1 thìa), trộn với mật ong (1 thìa). Đun nóng. Uống dần ít một.
  • Chữa cảm hàn, lạnh bụng, tiêu chảy không ngừng: Gừng khô (15 – 20g), củ riềng ấm (15 – 20g), sắc với 400ml nước, còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).
  • Chữa đau bụng, rét trong, chân tay lạnh: Gừng khô (5g), cam thảo chích (3g), phụ tử (2,5g). sắc uống trong ngày.

Sách “Đông pha tạp ký” của Tô Thức thời nhà Tống ở Trung Quốc có ghi chép một câu chuyện như sau: trong chùa Tịnh Từ ở Tiền Đường có một vị hoà thượng, đã trên 80 tuổi rồi mà da mặt vẫn bầu bĩnh trắng hồng, mắt vẫn sáng long lanh như thời còn trai trẻ. Có người hỏi vì sao cụ lại có được sức khoẻ như vậy thì vị hoà thượng đó nói là: “Đã ăn gừng sống trên 40 năm nay, cho nên người trẻ mãi không già” Vị hoà thượng đó còn nói rằng gừng sống có thể làm mạnh tỳ, ấm thận, hoạt huyết, ích khí. Vậy, gừng sống có kéo dài được tuổi thọ không? Nhiều công trình khoa học đã phát hiện rằng các hoạt chất của gừng tươi có tác dụng chống oxy hoá mạnh so với các loại thuốc chống oxy hoá (antioxydant) được ứng dụng hiện nay. Thông qua tác dụng này, gừng có tác dụng chống lão hoá, kéo dài tuổi thọ.

Gừng có nhiều tác dụng chữa bệnh
Gừng có nhiều tác dụng chữa bệnh

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho phép kết luận: Gừng có nhiều tác dụng chữa bệnh:

– Gừng có 12 hoạt chất có tác dụng chống oxy hoá tương tự vitamin C, vitamin E… Phòng chống được các bệnh ung thư, tim mạch, lão hoá, nhiễm độc gan… Đối với tim mạch: Gừng có tác dụng trợ tim, tăng cường tuần hoàn, nâng huyết áp, giảm mỡ trong máu và chống nhiễm mỡ máu.

– Có tác dụng chống đông máu, do vậy có tác dụng phòng chống các tai biến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

– Một điều lý thú nữa, gừng có tác dụng làm tăng tinh dịch, tăng khả năng hoạt động của tinh trùng, bồi bổ thể lực.

– ức chế sự phát triển của nhiều loại vi trùng, kích thích sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn cộng sinh có lợi trong cơ thể.

– Giảm bài tiết dịch vị, ngăn chặn tiết acid dịch vị và men pepsin… nên có tác dụng chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng theo cơ chế đối kháng thụ thể H2 như Cimetidin…

– Điều chỉnh rối loạn tiêu hoá: Do stress, do thức ăn, do rượu, do Aspirin

– Có tác dụng chống viêm, giảm đau nên còn được dùng làm thuốc chống viêm khớp (thấp khớp, viêm khớp dạng thấp).

– Gừng có tác dụng làm tăng tác dụng sinh học của nhiều loại thuốc, có tác dụng hạ nhiệt, điều hoà thân nhiệt… Ngoài ra, gừng còn có tác dụng giải độc nhiều loại thuốc độc như ô đầu, phụ tử… và một số thuốc khác như: Nam tinh, bán hạ…

– Gừng không độc, không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, Đông y cho rằng các chứng do nhiệt không nên dùng: Ví dụ đau bụng do nhiệt, thổ huyết do nhiệt. .. không nên dùng.

– Chú ý: Người bệnh gan tuyệt đối không dùng.

Cách dùng: Có thể dùng tươi hoặc khô, còn có thể ngâm rượu uống hoặc sử dụng dưới dạng bánh mứt kẹo.

5/51 rating
Bình luận đóng