Khái niệm
Rêu lưỡi vàng nhớt là chỉ bề mặt lưỡi có một lớp rêu nhớt sắc vàng đục, ở giữa lớp rêu dầy hơn, các bên xung quanh thì hơi mỏng đều xếp vào loại rêu lưỡi nhớt.
Rêu lưỡi vàng nhớt các y thư cổ đại rất ít ghi chép. Sách Kim quỹ yếu lược tuy có bệnh danh “Hoàng đài” nhưng chưa nói rõ là “vàng nhớt“ . Đến các nhà Ôn bệnh học nổi lên ở các đời sau, đối với nhận thức về rêu lưỡi vàng nhớt có sâu sắc hơn và những bàn luận cũng rõ ràng hơn, trong đó cuốn “Biệt thiệt chỉ nam” rất được ứng dụng rộng rãi.
Những người nghiện rượu hoặc hút thuốc lá lâu ngày cũng có thể xuất hiện rêu lưỡi vàng đục và nhớt nhưng lớp cáu vàng ở giữa lưỡi thì lại đen sậm, kết hợp với vấn chẩn là một bệnh thái rêu lưỡi đơn thuần, so sánh với mục này có chỗ khác nhau.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Rêu lưỡi vàng nhớt do đờm nhiệt hun đốt Phế: Có chứng rêu lưỡi vàng nhớt khái thấu, trong họng có tiếng đờm khò khè, khạc ra đờm vàng đặc hoặc trong đờm có lẫn huyết, ngực bụng đầy tức, thậm chí thở hổn hển, phải ngồi dựa thở không nằm được, mạch Hoạt Sác, hữu Thốn Thực Đại.
Rêu lưỡi vàng nhớt do đờm nhiệt kết hung: Có chứng rêu lưỡi vàng nhớt, mặt đỏ mình nóng, khát nước muốn uống nước mát, ngực bụng bĩ rắn ấn vào đau, nôn ọe đại tiện bí kết, mạch Hoạt Sác.
Rêu lưỡi vàng nhớt do Can Đởm thấp nhiệt: Có chứng rêu lưỡi vàng nhớt, đầu nặng thân thể bứt dứt, bụng trướng kém ăn, sợ dầu mỡ, đắng miệng, nặng hơn thì mặt mắt và bì phu hiện mầu vàng, vàng tươi như quýt chín, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Sác.
Rêu lưỡi vàng nhớt do Đại trường thấp nhiệt: Có chứng rêu lưỡi vàng nhớt, đau bụng ỉa chẩy lý cấp hậu trọng, đại tiện ra mủ máu, giang môn nóng rát, tiểu tiện sẻn đỏ, mạch Huyền Hoạt mà Sác.
Phân tích
– Chứng Rêu lưỡi vàng nhớt do đờm nhiệt nung nấu Phế với chứng Rêu lưỡi vàng nhớt do đờm nhiệt kết hung: Cả hai chứng phần nhiều do ngoại tà phạm Phế uất lại hóa nhiệt, nhiệt hun đốt Phế tân cô lại thành đờm,đờm với nhiệt trọi nhau tích chứa ở đường lạc của Phê hoặc hung cách hun đốt lên lưỡi nên lưỡi xuất hiện rêu vàng nhớt, hoặc là kiêm chứng đờm trọc ấp ủ hóa thành nhiệt cũng có thể làm cho rêu lưỡi vàng nhớt. Có điều là bộ vị đờm nhiệt uất kết khác nhau cho nên lâm sàng cũng phải phân biệt. Loại trên bệnh thiên về Phế cho nên phần nhiều thấy các chứng trạng Phế mất sự túc giáng như: khái thấu, khạc ra đờm, đau ngực và thở hổn hển. Còn loại sau bệnh thiên về ngực bụng cho nên vùng ngực bụng bĩ rắn, ấn vào đau, buồn nôn, đại tiện bí… chứng đờm nhiệt hun đốt Phế điều trị nến thanh Phế hóa đờm dùng phương Thanh kim hóa đờm thang gia giảm, Chứng do đờm nhiệt kết hung điều trị nên thanh nhiệt hóa đờm khoan hung khai kết dùng phương Tiểu Hãm hung thang gia giảm.
– Chứng Rêu lưỡi vàng nhớt do Can Đởm thấp nhiệt: Phần nhiều do nghiện chè rượu và ăn nhiều đồ béo ngọt, thủy cốc không tiêu hóa được tụ thấp sinh nhiệt, hoặc là tính chí ức uất, mộc uất hóa hỏa đều có thể ảnh hưởng đến công năng sơ tiết của Can Đởm, có thể xuất hiện các chứng rêu lưỡi vàng nhớt, miệng đắng ngực đầy, đại tiện bí kết, tiểu tiện sẻn đỏ, mắt vàng da dẻ vàng, trướng bụng kém ăn. Trên lâm sàng nên phân tích rõ thấp nặng hay nhiệt nặng. Nếu nhiệt nặng hơn thấp thì rêu lưỡi vàng mỏng dính và nhớt mầu vàng tươi như trái quất kiêm chứng mình nóng miệng khát, táo bón, mạch Hoạt Sác… Điều trị nên thanh nhiệt hóa thấp cho uống Nhân trần cao thang. Nêu thấp nặng hơn nhiệt thì rêu lưỡi vàng dính và đầy nhớt kiêm chứng đầu nặng thân thể bứt dứt ngực bụng bĩ đầy, bụng trướng đại tiện nhão, Mạch Nhu Sác… điều trị nên hóa thấp tiết trọc dùng phương Nhân trần ngũ linh tán gia giảm.
– Chứng rêu lưỡi vàng bạo nhớt do Đại trường thấp nhiệt: Nguyên nhân do bạo ăn bạo uống làm tổn thương Tỳ Vị, thấp trệ không vận chuyển ấp ủ lâu ngày hóa nhiệt, hoặc vào thời điểm giao mùa Hạ Thu lại ăn quá nhiều các đồ sống lạnh không sạch cũng tổn hại Tỳ Vị, chính khí không chống nổi lại nhiễm phải tà khí thử thấp, cả trong và ngoài đều phá phách thấp nhiệt dồn xuống Đại trường, sự truyền đạo của Đại trường mất chức năng, khí uế trọc bốc lên trên cho nên rêu lưỡi vàng nhớt kiêm các chứng đau bụng hạ lợi, lý cấp hậu trọng đại tiện ra mủ máu hoặc có chứng nóng rét, điều trị nên thanh nhiệt lợi thấp làm thông thoáng khí cơ dùng các phương Bạch đầu ông thang, Mộc hương tân lang hoàn.
Rêu lưỡi vàng nhớt do thấp nhiệt hun bốc gây nên có quan hệ chặt chẽ với các nội tạng Tỳ Vị và Can Đởm. Lâm sàng cần phải căn cứ vào tính chất rêu lưỡi khô nhuận hay dầy mỏng, mầu sắc của lưỡi sẫm nhạt hay già non và kết hợp với triệu chứng toàn thân để tìm ra mức độ thấp nhiệt bên nào nặng, bên nào nhẹ và xác định rõ được thấp nhiệt đờm trọc ấy nó ứ đọng ở tạng phủ nào. Nói chung không thể lẫn lộn được.
Trích dẫn y văn
- Rêu lưỡi vàng không lỗ chỗ mà nhớt, rêu lưỡi vàng đẫm nước lại như bị nhuộm cả cái lòng đỏ trứng gà, loại vàng này là rêu nhuận và trơn là đàm ẩm ứ tích là chứng hậu của Thấp ôn hoặc là do bệnh ôn nhiệt mà có cả thủy ẩm nên dựa vào mạch mà phán đoán (Biện thiệt chỉ nam – Thiệt đài đích chẩn sát).
- Rêu lưỡi nhớt phần nhiều gặp ở các loại bệnh biến như thấp trọc đờm ẩm thực tích và ngoan đờm. Nguyên nhân do dương khí bị âm tà chèn ép, Trường hợp rêu lưỡi dầy nhớt mà sắc vàng thường do các nguyên nhân đờm thấp kết ở trong là phủ khí không lợi… (Trung y thiệt chẩn – Thiệt đài đích chẩn sát).