Cây phật thủ thân gỗ vừa, thân thẳng, có gai ngắn. Lá mọc so le hình trứng hoặc bầu dục, gốc lá hơi thuôn, đầu tù, mép lá có răng cưa, hai mặt nhẵn, cuống ngắn. Hoa mọc thành chùm hoặc riêng lẻ, hoa màu trắng, phía dưới hơi đỏ, đài có 5 răng nhẵn tràng 5 cánh, nhiều nhị, bầu hình trứng. Quả có lá noãn rời nhau ở gần gốc, cong và úp vào trong, ở phía trên nom như bàn tay nhiều ngón, vỏ quả sần sùi, khi chín màu vàng, ruột trắng xốp.
Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa. Phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí, bồi bổ dạ dày, có công hiệu giảm đau, hòa khí, làm dễ tiêu, tan đờm, khỏe tỳ vị, giảm ho, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn, giã rượu…
Theo Đông y, quả phật thủ có vị cay, chua đắng, tính ấm, vào kinh phế, tỳ, có tác dụng hành khí, chỉ thống, kiện vị mạnh tỳ, hóa đờm, cầm nôn. Chữa bụng đầy chướng, đau dạ dày, chán ăn, nôn mửa, ho dai dẳng nhiều đờm.
Về lâm sàng, Phật thủ chủ trị khí trệ ở can vị ngực bụng trướng đau. Phật thủ hương thơm, cay, tán, đắng giáng ôn thông nên dùng chữa các chứng khí trệ can uất, can vị không hoà tạo nên các chứng hiếp can trướng thống, quản phúc (bụng), lí mẫn, nôn mửa ăn ít. Phật thủ thư can giải uất, trị chứng đàm (đờm) khí giao trở sinh ế cách, chữa tràng nhạc (bệnh lao hạch ở 2 bên cổ).
Theo “Dược tính chỉ nam” Phật thủ còn chữa được cả chứng đi lỵ bị rặn nhiều và chứng đau bụng hoắc loạn. Nhưng chứng lỵ đã lâu mà khí lực quá yếu mệt, không nên dùng nó.
Theo lâm sàng Phật thủ chữa được tính truyền nhiễm của bệnh viêm gan trẻ em. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi: Phật thủ dùng ngày từ 3 – 6 gam dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Phật thủ rửa sạch, thái thành phiến, phơi khô ngâm với rượu, uống trước bữa ăn, có tác dụng chữa tỳ vị rất tốt.
Để sử dụng làm thuốc, khi hái quả về nên thái dọc thành từng miếng mỏng, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô ráo, dùng dần.
Bài thuốc chữa bệnh ứng dụng từ quả phật thủ:
Bài 1. Thuốc chữa ho nhiều đờm
+ Quả phật thủ tươi 30g
+ Gừng tươi 3g
+ Bán hạ 5g
+ Rễ cây dâu 5g
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 250ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, sau bữa ăn.
Cần uống liền 5 ngày.
Bài 2. Thuốc chữa nấc
+ Quả phật thủ tươi 30g
+ Tai quả hồng 10g
+ Gừng tươi 3g
+ Đinh hương 3g
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 250ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn.
Cần uống liền 3 ngày.
Bài 3. Thuốc chữa bệnh dạ dày đau tức
+ Quả phật thủ tươi 30g
+ Ý dĩ 20g
+ Hoài sơn 20g
+ Bạch biển đậu 20g
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 250ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn. Cần uống liền 9 ngày.
Bài 4. Thuốc chữa đau bụng kinh
+ Quả phật thủ tươi 30g
+ Đương quy 8g
+ Gừng tươi 6g
+ ích mẫu 50g
+ Hương phụ 50g
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 250ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn, uống trước kỳ kinh 7 ngày, cần uống liền 5 ngày. Trước khi uống thuốc cho 10ml rượu trắng vào nước thuốc quấy đều.